Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Bắt đầu áp dụng Nghị quyết 04, ngư trường ĐBSCL đã có chuẩn bị gì?

Kim Loan: Thứ ba 30/07/2024, 19:16 (GMT+7)

Trữ lượng thủy sản ngày càng có xu hướng giảm do khai thác mang tính tận diệt: dùng mắt lưới nhỏ, dùng thuốc nổ, đánh bắt các loài thủy sản quý hiếm…Hiện nay các địa phương có biển đang gặp những khó khăn gì trong quản lý các tàu cá?

Ngư trường Cà Mau - Kiên Giang có đến 14.000 phương tiện khai thác thủy sản, cung ứng cho thị trường ít nhất 800 nghìn tấn tôm cá/năm. Tuy nhiên, ở vùng biển Kiên Giang, nổi cộm nhất là tình trạng nhiều phương tiện “3 không”: không đăng ký; không đăng kiểm; không có giấy tờ khai thác và khai thác sai vùng nhưng vẫn thực hiện đánh bắt.

Toàn tỉnh chỉ có 9.000 tàu đăng ký khai thác thủy hải sản, chiếm khoảng 64%, trong đó có nhiều phương tiện hết hạn giấy phép và có trên một nghìn tàu ở nơi khác tìm về khai thác chung ngư trường. Năm 2023, quá trình kiểm tra giám sát, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang đã phát hiện 259/ 439 tàu cá có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, có 2 tàu cá không số chở 13 thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khác.

Ngư trường Cà Mau - Kiên Giang có đến 14 nghìn phương tiện khai thác thủy sản, cung ứng cho thị trường ít nhất 800 nghìn tấn tôm cá/năm. Ảnh minh họa

Ngư trường Cà Mau - Kiên Giang có đến 14 nghìn phương tiện khai thác thủy sản, cung ứng cho thị trường ít nhất 800 nghìn tấn tôm cá/năm. Ảnh minh họa

Ông Cô Hồng Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang cho biết đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát nhằm lập lại trật tự trên vùng biển thuộc tỉnh này,:

“Hiện nay trước mắt tập trung làm việc với một số đối tượng không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép. Sau đó là làm việc với đối tượng tắt thiết bị giám sát hành trình. Tình trạng tắt thiết bị giám sát hành trình rất phức tạp, chúng tôi tăng cường theo dõi để xử lý vấn đề tắt kết nối. Hy vọng qua đây sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn của công tác phòng chống khai thác IUU và quả lý tàu cá”.

Tương tự, tỉnh Bến Tre cũng có gần 1.200 tàu thuộc diện “3 không” trong tổng số hơn 3 nghìn tàu cá. Đây là mặt tồn tại mà Bến Tre đang quan tâm giải quyết, đặc biệt, tại các xã trọng điểm về tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre chia sẻ về khó khăn trong quá trình đăng ký cấp phép cho những tàu 3 không:

"Tàu cá thuộc diện “3 không” hiện nay đã được đăng ký cấp phép là 263 tàu đạt gần 25% (tàu dưới 12 m). Công tác đăng ký tàu cá này cũng gặp nhiều khó khăn do yêu cầu nghiêm ngặt về đăng kiểm như hồ sơ, kỹ thuật, xác định máy chính, đưa tàu lên ụ để kiểm tra… UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đối thoại, tuyên truyền, hợp tác các bên liên quan để thực hiện."

Còn tại Cà Mau, vùng biển sở hữu 4.500 phương tiện hành nghề đắnh bắt hải sản đối mặt với tình trạng sử dụng chất nổ, hoá chất độc hại, kích điện... để đánh bắt làm cạn kiệt nguồn lợi thuỷ sản khu vực ven biển, gây ảnh hưởng đến môi trường.  Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, địa phương phải tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm minh với lĩnh vực này:

“Ngành nông nghiệp cùng với công an đã vào cuộc rất quyết liệt để xử lý vi phạm. Đến thời điểm này đã phát hiện 356 trường hợp vi phạm và xử phạt trên 1 tỷ đồng. Hành vi sử dụng công cụ khai thác thủy sản tận diệt thì bị phạt đến 50 triệu. Còn hành vi sử dụng chất nổ khai thác thủy sản là phạt 70 triệu đồng.

Tỉnh Bến Tre có gần 1.200 tàu thuộc diện “3 không” trong tổng số hơn 3 nghìn tàu cá. Ảnh minh họa

Tỉnh Bến Tre có gần 1.200 tàu thuộc diện “3 không” trong tổng số hơn 3 nghìn tàu cá. Ảnh minh họa

Cà Mau được coi là hình mẫu điển hình vì luôn có sự chủ động, tiên phong trong thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ngoài việc xác định, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, địa phương này còn thành lập thêm 9 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại cửa biển ngoài 10 trạm kiểm soát biên phòng hiện có.

Hiện nay, nghề khai thác biển đang gặp nhiều khó khăn, nhất là chi phí nhiên liệu tăng cao, giá hải sản giảm, ngư phủ lại khó thuê. Tuy nhiên, để vươn khơi bám biển, các chủ tàu và tài công phải có ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

Ông Lê Văn Thành, chủ 10 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá tại phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết, dù chủ tàu ở đất liền nhưng phải liên lạc thường xuyên và theo dõi hoạt động của tàu cá, nhắc nhở thuyền trưởng, thuyền viên thực hiện nghiêm các quy định:

"Tàu khai thác trong vùng biển của mình, không cho tàu chạy lấn ranh nên chi phí nhẹ bớt. Tài công đã theo tàu nhiều năm nên mình nói và kiểm soát được, ví dụ mình cho phép tàu đi vùng nào tài công phải chấp hành. Các thiết bị giám sát được lắp đặt đầy đủ hết và khá tốn kém vì các thiết bị điện tử ra biển rất nhanh hư hỏng”.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Tiền Giang, toàn bộ 1.500 tàu cá đã thực hiện đăng ký, đăng kiểm và đảm bảo thiết bị Giám sát hành trình VMS hoạt động liên tục 24/24 giờ...Có được kết quả này là nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng. Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá tỉnh Tiền Giang cho biết:

"Tàu cá nói chung vào cảng đều chấp hành 100% quy định. Trước khi tàu vào báo trước 1 giờ, nộp nhật ký trước, sau khi bốc dỡ hàng xong chủ tàu lên làm hồ sơ giám sát. Công tác IUU vẫn đang được triển khai thực hiện theo quy định của Thông tư 21 và Thông tư 01 (Bộ NN&PTNT), trong đó có phối hợp với Bộ đội biên phòng giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản khai thác đúng theo quy định”.

Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với ngành hàng khai thác hải sản Việt Nam vào tháng 10/2017. EC đã thực 4 lần kiểm tra việc thực hiện chống IUU và lần gần đây nhất vào tháng 5/2024. Việt Nam được xem là quốc gia có thời gian giữ “thẻ vàng” lâu nhất.

Trước ngày 1/8, khắp các địa phương có biển ở ĐBSCL đều đã tổ chức các cuộc tổng rà soát, kiểm tra và chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực nằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tàu cá. Điều này không chỉ giúp cho Việt Nam dần được gỡ thẻ vàng IUU mà còn là khởi đầu để xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn