Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Báo động ô nhiễm môi trường ở Phú Quốc

Trọng Nhân: Thứ tư 28/05/2025, 10:44 (GMT+7)

Hiện nay, tại Phú Quốc, dọc bờ biển đoạn từ cảng Gành Dầu đến chợ Gành Dầu đang bị ô nhiễm bởi một lượng lớn rác thải. Nguyên nhân một phần do rác từ nhiều nơi trôi dạt vào và một phần do người dân địa phương thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi.

Về lâu dài, cần có những phương án xử lý tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị APEC năm 2027 sẽ được tổ chức tại thành phố Phú Quốc với sự tham dự của đông đảo bạn bè quốc tế.

Ngày nay, thành phố Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) không còn là cái tên xa lạ với du khách trong và ngoài nước. Được mệnh danh là 'đảo ngọc' của Việt Nam, nơi đây nổi tiếng với những bãi cát trắng, biển xanh và hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy đang dần bị đe dọa bởi “làn sóng” đô thị hóa siêu tốc và những tác động tiêu cực từ con người. Đó là rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, nguyên nhân này đang từng ngày “nuốt chửng” vẻ đẹp nguyên sơ của hòn đảo, khiến môi trường sống nơi đây đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Rác đang dần 'nuốt chửng' đảo ngọc Phú Quốc

Rác đang dần "nuốt chửng" đảo ngọc Phú Quốc

Ông Nguyễn Hữu Trung – một người dân tại xã Cửa Cạn cho biết, nhiều năm qua, dọc bờ biển khu vực cảng Gành Dầu rơi vào tình trạng rác thải ngập ngụa, ngổn ngang. Dù rác thải nơi đây đã nhiều lần được chính quyền địa phương và các tổ chức tình nguyện bảo vệ môi trường triển khai thu gom dọn dẹp, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì đâu cũng lại vào đấy: 

“Mùi nó hôi lắm, gió biển có lớn thì mùi hôi cũng phản phất quanh đây. Tình hình ô nhiễm như vậy cũng lâu lắm rồi, có dọn cũng không triệt để được. Cũng mong là có biện pháp nào để giải quyết chứ cứ thế này thì không chỉ có ô nhiễm mà còn làm mất hình ảnh của du lịch Phú Quốc”.

Theo bà Lê Thị Ánh – một người dân sống gần bờ biển Gành Dầu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm bởi một phần do người dân sống dọc bờ biển thiếu ý thức “thẳng tay” xả rác bừa bãi, phần còn lại là lượng rác thải từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ: 

“Dọc khu này là nhà sàn, không hiểu vì sao mà những người này có thể xả rác xuống ngay tại nơi họ sống. Rác thì nhiều mà thu gom không bao nhiêu, cứ như vậy ngày một nhiều hơn. Toàn là bọc nilong, chai nhựa, lưới…thì sao mà phân huỷ”.

Người dân cho biết, tình trạng ô nhiễm bởi một phần do người dân sống dọc bờ biển thiếu ý thức “thẳng tay” xả rác bừa bãi, phần còn lại là lượng rác thải từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ.

Người dân cho biết, tình trạng ô nhiễm bởi một phần do người dân sống dọc bờ biển thiếu ý thức “thẳng tay” xả rác bừa bãi, phần còn lại là lượng rác thải từ ngoài khơi trôi dạt vào bờ.

Theo khảo sát của nhóm Kiên Giang Xanh (một tổ chức tình nguyện hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường), hiện có khoảng 1,2 km bờ biển Gành Dầu (đoạn từ cảng đến chợ Gành Dầu) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác thải với khối lượng ước tính trên 100 tấn.

Bên cạnh lượng rác thải có thể quan sát bằng mắt thường, một phần không nhỏ còn bị vùi lấp dưới lớp cát biển. Đây là vấn đề môi trường đáng báo động, cần được chính quyền thành phố quan tâm và ưu tiên giải quyết trong thời gian sớm nhất, đặc biệt trong bối cảnh Hội nghị APEC 2027 đang đến gần.

Anh Mai Khắc Quan – Nhóm Trưởng Kiên Giang Xanh đề xuất: “Đầu tiên phía chính quyền địa phương cần có công tác tuyên truyền mạnh mẽ cho người dân bỏ rác đúng nơi quy định và phân loại rác tại nguồn. Thứ 2 là những buổi ra quân phối hợp với Kiên Giang Xanh (tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận) hàng tuần, hàng tháng với những đợi ra quân triệt để. Quan trọng nhất là đầu tư những mô hình phao chắn rác trên biển để có thể ngăn chặn rác trên biển trôi vào giống các nước khác trên thế giới đang làm rất hiệu quả”.

Vấn đề rác thải tại đảo ngọc Phú Quốc trở thành một thách thức lớn được địa phương quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì vấn đề này hiện nay vẫn và đang còn đó, thậm chí có thể dần trở nên phức tạp hơn.

Thế nên, rất cần sự quan tâm và quyết liệt hơn nữa, cần xem đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuẩn bị và xây dựng để tiến đến Hội nghị APEC 2027 tới đây. APEC 2027 sẽ là một cơ hội để Phú Quốc toả sáng, nhưng nếu tình trạng ô nhiễm này không được xử lý triệt để thì hình ảnh “thiên đường” du lịch Phú Quốc sẽ bị ảnh hưởng trong mắt bạn bè quốc tế.

Vì thế, bên cạnh sự nỗ lực từ chính quyền địa phương thì mỗi người dân, du khách cần ý thức hơn để chung tay xây dựng một Phú Quốc Xanh – Sạch – Đẹp và chào đón APEC 2027 bằng một tinh thần trách nhiệm và một tầm nhìn phát triển bền vững.

Trọng Nhân/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn