Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Bác sĩ 20 năm “cắm chốt” ở xã đảo Thạnh An

Hồng Lĩnh: Thứ hai 27/01/2025, 15:39 (GMT+7)

Cuộc sống ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ với những chuyến ghe cấp cứu trong đêm mưa gió, điện chập chờn, muỗi mòng bủa vây là những gì bác sĩ Luân Thanh Trường đã trải qua. Giữa những khó khăn ấy, bác sĩ vẫn chọn ở lại, vẫn một lòng với bà con nơi đây.

20 năm gắn bó với xã đảo Thạnh An

Cuộc sống của những người làm muối ở Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An vốn vất vả. Vợ chồng bà Trần Thị Tuyết Mai sản xuất muối trong rừng sâu. Giữa cái nắng gay gắt, họ đổ mồ hôi trên những ruộng muối. Tai ương ập đến khi chồng bà say nắng ngất xỉu, đúng hôm nước cạn, ghe không ra trạm y tế được; bà thì bệnh nặng, nguy kịch.

Trong cơn hoạn nạn, bác sĩ Luân Thanh Trường đã kịp thời đưa ghe vào cấp cứu, giúp họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Người dân gọi ông với cái tên thân thương 'Bác sĩ khám dạo'

Người dân gọi ông với cái tên thân thương "Bác sĩ khám dạo"

Ân tình ấy, bà Mai chẳng thể nào quên: "Bác sĩ Trường tốt lắm, lo cho dân. Bà con mến yêu bác sĩ Trường lắm. Không có bác sĩ Trường chắc hồi đó tôi không thể sống”.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, tuổi thơ không có điều kiện học hành đầy đủ, phải mất 10 năm, bác sĩ Luân Thanh Trường mới thực hiện được ước mơ đặt chân vào giảng đường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Thật trùng hợp, cùng lúc đó em trai ông cũng nhận được tin trúng tuyển vào Đại học Kiến trúc TP.HCM.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gia đình đã quyết định để anh trai được ưu tiên theo đuổi con đường y khoa.

Ở những vùng đất như Thạnh An, nơi bốn bề là biển cả, sự hiện diện của một người bác sĩ tại Trạm Y tế là điểm tựa tinh thần của người dân

Ở những vùng đất như Thạnh An, nơi bốn bề là biển cả, sự hiện diện của một người bác sĩ tại Trạm Y tế là điểm tựa tinh thần của người dân

Sau khi tốt nghiệp năm 2000, bác sĩ Trường đã có thể lựa chọn một công việc ổn định tại bệnh viện quận Gò Vấp, gần nhà. Tuy nhiên, ông đã chọn Cần Giờ, nơi đang thiếu bác sĩ trầm trọng để hỗ trợ các y sĩ địa phương nâng cao trình độ chuyên môn: “Năm 2005, có một bác sĩ ở Thạnh An bỏ việc sau thời gian công tác chừng 3 tháng do không thích nghi được. Lúc đó tôi đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ. Từ đó, tôi tình nguyện qua xã đảo. Năm nay vừa tròn 20 năm”.

Muốn đến Thạnh An, phải vượt qua 70 cây số từ trung tâm thành phố, rồi lại thêm 8 cây số đường sông. Năm 2005, khi bác sĩ Trường đến đây công tác, hòn đảo này còn nhiều khó khăn.

Thiếu thốn từ những vật dụng nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, đến những trang thiết bị y tế. Và đặc biệt, điện… là một vấn đề nan giải, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám chữa bệnh.

Thời điểm đó, Thạnh An chưa có điện lưới quốc gia, chỉ sử dụng từ trạm phát điện diesel từ 8 giờ đến 12 giờ đêm. Trạm y tế cũng được cung cấp một máy phát điện chạy bằng dầu, nhưng nhiều khi trái gió trở trời, máy không khởi động được.

Chiều cuối năm, bác sĩ Trường đang thăm khám cho một bệnh nhân vừa trải qua một tai nạn lao động

Chiều cuối năm, bác sĩ Trường đang thăm khám cho một bệnh nhân vừa trải qua một tai nạn lao động

Bác sĩ Luân Thanh Trường chia sẻ: “Tôi còn nhớ có một bé bị hen suyễn, phải thở khí dung, nhưng giật máy hoài mà máy không nổ, tình hình nguy cấp nên tôi gọi điện cho một quán cà phê thức đêm coi đá banh có máy phát điện riêng. Tôi bế đứa bé, đem theo máy tới nhà của người dân đó. Rồi có trường hợp sanh đẻ tại trạm nữa, máy đang chạy tự dưng tắt...”

Những ca cấp cứu trong đêm tối, khi ánh sáng duy nhất chỉ là ngọn đèn pin le lói, đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của bác sĩ Trường. Đó là những khoảnh khắc mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. 

Máy phát điện hỏng, mất điện, nhưng trách nhiệm với người bệnh không cho phép ông chùn bước. Ông cũng kể về những ngày tháng khó khăn khi dịch sốt rét bùng phát ở Cần Giờ. Nước ối của sản phụ thu hút muỗi, quạt thì không có, khiến đội ngũ y tế phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Bằng tất cả sự tận tâm, họ đã tìm mọi cách để vừa chăm sóc sản phụ, vừa bảo vệ chính mình.

Những ca cấp cứu trong đêm tối, khi ánh sáng duy nhất chỉ là ngọn đèn pin le lói, đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của bác sĩ Trường

Những ca cấp cứu trong đêm tối, khi ánh sáng duy nhất chỉ là ngọn đèn pin le lói, đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên của bác sĩ Trường

Nỗ lực vì sức khỏe người dân Thạnh An

Bác sĩ Luân Thanh Trường cho biết: “Nhân viên y tế phải trần mình ra để người mẹ và con vượt cạt an toàn. Việc vận chuyển người bệnh từ trạm y tế đến bến đò cũng gặp nhiều khó khăn. Có những người bệnh không thể đến trạm y tế, ví dụ như tai biến, không thể chở bằng xe máy mà phải khiêng cáng, ngay trong đêm mưa gió, phải gõ cửa từng nhà, nhờ người dân khác hỗ trợ”. 

5 giờ chiều, chuyến đò cuối cùng về với đất liền cũng là lúc áp lực đè nặng lên vai bác sĩ Luân Thanh Trường - Trạm trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An. Sau giờ đó, việc di chuyển bệnh nhân cấp cứu vào đất liền trở nên vô cùng khó khăn. Các y bác sĩ ở trạm y tế xã đảo hiểu rằng, mỗi phút giây đều quý giá... 

Cuộc sống của những người làm muối ở Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An vốn vất vả

Cuộc sống của những người làm muối ở Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An vốn vất vả

Những lúc thủy triều xuống thấp, từ mũi ghe đến bờ là một con dốc dựng đứng 15 đến 20 độ, cao đến 3 mét, với đá hộc lởm chởm bên dưới. Chỉ cần tưởng tượng việc di chuyển một bệnh nhân trên băng ca, di chuyển trên một tấm ván hẹp, cũng đủ thấy sự vất vả và nguy hiểm mà các nhân viên y tế phải đối mặt.

Bác sĩ Luân Thanh Trường cho biết: “Người dân với tinh thần lá lành đùm lá rách, ra phụ tôi vận chuyển bệnh nhân an toàn. Khi đi trên tấm đòn dài phải dơ hai tay để lấy thăng bằng. Chuyển bệnh mà hồi hộp. Thời điểm đó, mới có ghe gỗ thuê lại của người dân, chứ chưa có ca-nô như bây giờ. Thậm chí, có những lúc phải khiêng bệnh nhân từ bến đò vào bệnh viện hơn một cây số nữa....”

Chiều cuối năm, bác sĩ Trường đang thăm khám cho một bệnh nhân vừa trải qua một tai nạn lao động kinh hoàng. Chồng bà Kiều Phương (ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh An) rơi từ độ cao 10 mét và may mắn sống sót nhờ vướng vào mái hiên. Ông bị đa chấn thương và cần phải đặt ống nội tủy. Gia đình vốn đã khó khăn, chỉ buôn bán nhỏ lẻ kiếm sống qua ngày, nay lại càng thêm chồng chất gánh nặng.

Những chiếc ca nô giúp việc cấp cứu bệnh nhân từ xã đảo vào đất liền nhanh và an toàn hơn

Những chiếc ca nô giúp việc cấp cứu bệnh nhân từ xã đảo vào đất liền nhanh và an toàn hơn

Bà Phương chia sẻ: “Bác sĩ Trường lo cho người nghèo trên xã đảo, tận tình thăm khám cho chồng tôi. Nhiều khi bác sĩ cho thuốc còn không lấy tiền nữa...”

Tháng 11/2022 đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân xã đảo Thạnh An. Lần đầu tiên, quy trình chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào vận hành, hỗ trợ đắc lực cho các y bác sĩ trong việc phát hiện và điều trị bệnh. Chương trình này nằm trong kế hoạch nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân xã đảo Thạnh An giai đoạn 2022-2025.

Bác sĩ Trường cho biết thêm: “Trước khi có máy chụp X-quang bằng công nghệ AI, trung bình mỗi tháng có khoảng 400 lượt bệnh nhân tới khám. Từ khi có máy, lên tới gần 500 lượt bệnh nhân/tháng. Bên cạnh đó, nhờ có các bác sĩ tăng cường nên giúp cho người bệnh đỡ vất vả, giáp áp lực lên tuyến trên”.

Bác sĩ Trường nói nhờ “khám bệnh dạo” mà biết được gia cảnh của từng người trên xã đảo. Ông luôn trăn trở và mong muốn các bác sĩ mới ra trường nên đi về vùng sâu, vùng xa chăm sóc người dân để trám lỗ hổng ở y tế cơ sở.

Quy trình chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào vận hành, hỗ trợ đắc lực cho các y bác sĩ

Quy trình chẩn đoán hình ảnh bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) được đưa vào vận hành, hỗ trợ đắc lực cho các y bác sĩ

Tháng 12/2024, bác sĩ Phú Đăng Khoa và bác sĩ Đào Vĩnh Nghiêm của bệnh viện Nhân dân Gia Định chính thức nhận nhiệm vụ tại xã đảo Thạnh An, tiếp nối chương trình bác sĩ trẻ tình nguyện đợt 15. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng các bác sĩ đã trở nên thân thuộc với người dân xã đảo.

"Bác sĩ Trường rất thương bệnh nhân, coi bệnh nhân như người nhà của mình"

"Bác sĩ Trường sẵn sàng đi đến nhà bệnh nhân mọi lúc mọi nơi, thăm khám cả đêm hôm. Tôi không thể quên được những chuyến cấp cứu vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng ca-nô"

Ở những vùng đất như Thạnh An, nơi bốn bề là biển cả, sự hiện diện của một người bác sĩ tại Trạm Y tế không chỉ đơn thuần là một cán bộ y tế, mà còn là niềm hy vọng, là điểm tựa tinh thần của người dân. Việc thu hút và giữ chân bác sĩ ở những vùng xa xôi này luôn là một thách thức không nhỏ.

Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ cho hay: “Bác sĩ Trường có thời gian gắn bó lâu dài với Trạm y tế xã Thạnh An. Đi ra đường, ai gặp bác sĩ Trường cũng tươi cười chào hỏi. Với những hoàn cảnh đặc biệt, bác sĩ Trường còn sẵn lòng hỗ trợ chi phí hoặc đứng ra vận động hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân”

Cao điểm dịch COVID-19 tại Thạnh An, cũng là lúc người mẹ của bác sĩ Luân Thanh Trường ra đi vì COVID-19 tại Sài Gòn mà ông không thể về kịp để gặp mặt lần cuối. Nhưng nếu được chọn lại, ông vẫn chọn ở lại nơi đây, bởi Thạnh An đã thực sự là nhà.

Trước khi có máy chụp X-quang bằng công nghệ AI, trung bình mỗi tháng có khoảng 400 lượt bệnh nhân tới khám. Từ khi có máy, lên tới gần 500 lượt bệnh nhân_tháng

Trước khi có máy chụp X-quang bằng công nghệ AI, trung bình mỗi tháng có khoảng 400 lượt bệnh nhân tới khám. Từ khi có máy, lên tới gần 500 lượt bệnh nhân_tháng

Bác sĩ Luân Thanh Trường chia sẻ: "Tôi luôn tâm niệm hai câu thơ trong bài "Học đánh cờ" của Bác Hồ: “Gặp nước hai xe đành bỏ phí/Gặp thời một tốt cũng thành công”. Trong những ca cấp cứu, từng giây từng phút đều quý giá. Chúng tôi, những người bác sĩ, là những người chạy tiếp sức đầu tiên trên đường đua giành giật sự sống. Trao cây gậy càng nhanh, càng chuẩn xác, không chỉ cứu sống một mạng người, mà còn trao cho họ cơ hội được sống một cuộc đời trọn vẹn. Đó chính là ý nghĩa cao đẹp nhất của nghề y”.

---

Bạn thân mến.

Nếu từng có trải nghiệm, hoặc chứng kiến những câu chuyện về tình người, tình yêu cuộc sống trên con đường bạn rong ruổi hàng ngày, hãy cùng chia sẻ với chúng tôi qua fanpage: Thiên lý hữu tình, hoặc email: [email protected]. Chương trình phát sóng chiều thứ Ba, phát lại chiều thứ Năm hàng tuần trên kênh VOV Giao thông.

Để nghe thêm hoặc nghe lại chương trình trên các thiết bị di động, thính giả có thể truy cập website vovgiaothong.vn, các ứng dụng: Spotify, Apple Podcast (trên hệ điều hành iOS); rồi sau đó gõ từ khoá: VOVGT, VOV giao thông; hoặc gõ tên các chương trình. 

 

Hồng Lĩnh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Đề xuất nâng mức phạt gấp 2 lần so với Nghị định 168

Hà Nội: Đề xuất nâng mức phạt gấp 2 lần so với Nghị định 168

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân về Dự án, dự thảo Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn.

Đề nghị xử lý thanh niên 'hít xà đơn' trên metro số 1

Đề nghị xử lý thanh niên "hít xà đơn" trên metro số 1

Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 vừa có văn bản gửi Công an TP.HCM về sự việc một nam thanh niên dùng tay nắm treo trần và thanh sắt dọc trần toa tàu điện đường sắt đô thị để làm các động tác tập thể dục vào ngày 24/01vừa qua.

Màn “thâu tóm” kinh điển 5 héc-ta đất nông nghiệp ở Thanh Trì, Hà Nội

Màn “thâu tóm” kinh điển 5 héc-ta đất nông nghiệp ở Thanh Trì, Hà Nội

Câu chuyện dài về hành trình gần 10 năm đi tìm công lý của 230 hộ dân Thanh Trì (Hà Nội). Hơn 50.000 m2 đất canh tác nông nghiệp dài hạn do nhà nước giao cho họ bỗng chốc bị “phù phép” chuyển quyền sử dụng cho một công ty danh tiếng, đang đảm nhiệm những dự án quy mô, trọng yếu tại Thủ đô.

Hành khách vẫn rất đông, sân bay Tân Sơn Nhất bổ sung nhân sự phục vụ

Hành khách vẫn rất đông, sân bay Tân Sơn Nhất bổ sung nhân sự phục vụ

Dự báo hành khách qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất trong ngày 27 tháng Chạp vẫn ở mức cao, các đơn vị phục vụ đã tăng cường nhân sự để hỗ trợ người dân đi lại.

Cấm một số tuyến đường phục vụ trình diễn hơn 2.000 drone

Cấm một số tuyến đường phục vụ trình diễn hơn 2.000 drone

Sở GTVT TP. Hà Nội vừa có thông báo về việc điều chỉnh tổ chức giao thông phục vụ Chương trình nghệ thuật “Rực rỡ Thăng Long 2025”, quận Nam Từ Liêm.

Tăng cường giải pháp chống ùn tắc cầu Rạch Miễu dịp Tết

Tăng cường giải pháp chống ùn tắc cầu Rạch Miễu dịp Tết

Cầu Rạch Miễu, nằm trên tuyến Quốc lộ 60 thuộc địa bàn 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang được xem là một trong những tuyến giao thông huyết mạch lưu thông về miền Tây. Với vị trí trọng yếu trên lộ trình lưu thông về miền Tây, cây cầu này thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết.

Tết nay chẳng thể ngọt bùi với diêm dân Thiềng Liềng

Tết nay chẳng thể ngọt bùi với diêm dân Thiềng Liềng

Mồ hôi mặn chát đổ xuống những ruộng muối trắng xóa - Đó là công việc của diêm dân ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Nhưng Tết này, nỗi lo muối mất mùa đang bao trùm, khiến niềm vui ngày Tết dường như không trọn vẹn.