Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thị thành ký

Ẩn ức tâm lý sau những cú đấm khi va chạm giao thông

Chu Đức: Thứ ba 25/02/2025, 16:15 (GMT+7)

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ xô xát, hành hung sau va chạm giao thông như vụ việc tài xế điều khiển xe ô tô Lexus hành hung nam shipper, hay học sinh lớp 11 mặc áo shipper tại thành phố Vinh bị nam thanh niên đánh gãy sống mũi sau va chạm.

Những vụ việc này không chỉ phản ánh vấn đề ứng xử khi tham gia giao thông mà còn đặt ra câu hỏi về những ẩn ức tâm lý của người gây ra bạo lực. Vì sao căng thẳng trên đường dễ chuyển hóa thành những cú đấm? 

Văn hóa ứng xử kém hay không kiềm chế được cảm xúc?

Theo dõi những vụ xô xát, bạo lực sau mâu thuẫn trên đường thời gian gần đây, chị Vũ Thị Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, “Kẻ mạnh ăn hiếp người yếu” là một tình trạng tương đối phổ biến.

Nó cho thấy văn hóa ứng xử, khả năng kiềm chế cảm xúc và hành vi của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất thấp. Chính bạo lực là một biểu hiện của người có nội tâm yếu đuối, thiếu vắng phông kiến thức văn hóa. Bằng chứng là khi bị triệu tập, xử lý hình sự, họ mất hết vẻ hung hăng như đã từng.

“Họ không có sự thông cảm, không có sự nhường nhịn nhau, họ nghĩ là mình mạnh hơn nên họ có thể mạnh tiếng lên để đàn áp hơn, người kia yếu, người ta hiểu biết nên muốn nói chuyện bình thường nhưng mình cứ muốn quát to, nói lớn lên. Mình thấy là chưa văn minh”.

Ngày càng nhiều vụ lái xe mất kiểm soát cảm xúc và hành vi khi gặp mâu thuẫn trên đường.

Ngày càng nhiều vụ lái xe mất kiểm soát cảm xúc và hành vi khi gặp mâu thuẫn trên đường.

Bên cạnh những trường hợp chủ động dùng bạo lực làm phương pháp giải quyết va chạm, cũng có không ít người khó kiềm chế cảm xúc, bị bộc phát, mất kiểm soát hành vi nhất thời. Họ chịu những áp lực vô hình đè nặng vào tâm lý khi cầm lái:

“Áp lực về thời gian chạy này, thời gian nghỉ ngơi này, thời gian về nhà."

“Áp lực về xe cộ, phương tiện, ùn tắc, rồi là khi thời gian phải nói là căng lắm, đường sá giao thông của mình thì cực kỳ là phức tạp và áp lực. Xe máy thì tạt đầu, các loại xe thì nó cứ đánh võng rồi nó đi lang thang trước mặt mình, không thể làm gì được. Đến lúc ấy áp lực thiếu giờ, có những hôm tắc cầu, tắc đường hàng tiếng đồng hồ”.

“Cái khoảng cách di chuyển, thời gian di chuyển thì thật sự là từ nhà em đến nơi em làm học và em làm việc thì khoảng 15 cây và cả ngày như thế phải mất khoảng hơn một tiếng đồng hồ.

Góc nhìn chuyên gia: Áp lực tâm lý đè nặng lên người tham gia giao thông

Theo Tiến sĩ Lê Minh, giảng viên chuyên ngành tâm lý, Đại học Thủ đô Hà Nội, những người gây bạo lực, thương tích cho người khác đường nhiên sẽ phải chịu chế tài của pháp luật. Bên cạnh đó, còn có khía cạnh tâm lý cần chú ý. Người lái xe trên đường không chỉ đối mặt với áp lực từ giao thông mà còn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác như công việc, gia đình, tài chính. Những áp lực này có thể tích tụ theo thời gian, khiến tài xế dễ mất bình tĩnh hơn khi gặp tình huống bất ngờ trên đường.

“Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại hiện nay, tất cả mọi người đều rất là vất vả với những cái công việc ở cơ quan rồi. Có thể những cái công việc gia đình và rất nhiều những cái vấn đề khác cần phải giải quyết. Khi đi đường họ vẫn cứ mải quan tâm và để ý tới những cái công việc đó. Cho nên là khi gặp phải những cái va chạm hoặc là khi gặp phải những cái căng thẳng thì rất có thể sẽ dễ dẫn tới những cái vụ ẩu đả cũng như là xô xát như chúng ta thấy trong cái thời gian vừa qua”.

Không chỉ chịu ảnh hưởng bởi điều kiện khách quan, việc lái xe cũng có thể làm gia tăng căng thẳng. Theo nghiên cứu khoa học, khi ngồi sau tay lái, con người dễ bị chi phối bởi cảm xúc hơn so với khi đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Điều này khiến những tình huống va chạm nhỏ, nếu không được xử lý khéo léo, có thể nhanh chóng leo thang thành xung đột.

Theo chuyên gia tâm lý, lái xe là hành vi chịu nhiều áp lực. Sức khỏe tâm thần, tâm lý lái xe cần được chú trọng hơn trong vấn đề sát hạch, cấp và cấp lại bằng lái.

Theo chuyên gia tâm lý, lái xe là hành vi chịu nhiều áp lực. Sức khỏe tâm thần, tâm lý lái xe cần được chú trọng hơn trong vấn đề sát hạch, cấp và cấp lại bằng lái.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chế tài hành vi cố ý gây thương tích khá nặng, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Rất nhiều người đã hối tiếc vì sự yếu lòng, không thể điều khiển được cơn giận mà gây ra bạo lực:

“Có thể là vì những va chạm hoặc là những cái xô xát nó không đáng có, nhưng do thiếu sự tôn trọng người khác, thiếu kiềm chế mà bị xử lý hình sự thì đây quả là điều đáng tiếc. Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa liên quan đến những nội dung này để nhiều người chúng ta tham gia giao thông, nắm rõ tinh thần của pháp luật và đặc biệt là chúng ta cũng nên kiềm chế cảm xúc của mình.”

Tại một số quốc gia, để giảm thiểu những rủi ro do tâm lý bất ổn của tài xế, chính phủ đã yêu cầu người thi bằng lái phải trải qua bài kiểm tra tâm lý. Kỳ kiểm tra này giúp đánh giá khả năng kiểm soát cảm xúc và mức độ chịu đựng áp lực của tài xế trước khi họ được cấp phép điều khiển phương tiện. Đây có thể là một giải pháp đáng cân nhắc.

Tuy nhiên, Tiến sĩ tâm lý Lê Minh cũng khuyến cáo, bên cạnh các chính sách quản lý, quan trọng hơn vẫn là truyền thông về nét văn hóa ứng xử khi va chạm, kỹ năng khéo léo để tránh leo thang bạo lực:

 “Chúng ta vẫn cứ hay nói rằng là một sự nhịn là chín sự lành khi mà chúng ta tham gia giao thông. Nếu như mà chúng ta cũng điềm đạm và chúng ta cũng nhẹ nhàng thì tôi nghĩ rằng là những cái vấn đề ẩu đả ít khi nó có thể xảy ra. Trong những cái trường hợp đấy chúng ta đừng đổ thêm dầu vào lửa. Cho nên là ở trong bất kỳ tình huống nào cũng thế, chúng ta hãy bình tĩnh, chúng ta giải quyết vấn đề khi mà chúng ta thể hiện một cái thái độ điềm tĩnh, ứng xử một cách lịch sự, văn minh thì đối phương tôi nghĩ là họ cũng giảm bớt những cái sự căng thẳng và họ cũng ứng xử một cách tích cực đối với chúng ta”.

Một khoảnh khắc nóng giận có thể dẫn đến những hậu quả không thể lường trước: Là sức khỏe, tình mạng của nạn nhân, là những giọt nước mắt của hung thủ. Sự nóng giận ấy cũng nói lên nhiều điều về trạng thái tâm lý của người điều khiển phương tiện trên đường.

Lái xe là một hành động áp lực. Người lái xe phải thực sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Nếu không được nhận diện và giải quyết một cách nghiêm túc, những ẩn ức tâm lý phía sau vô lăng một lúc nào đó sẽ bộc phát thành bạo lực./.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn