Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

An toàn giao thông cho học sinh: Không để những rủi ro rình rập

Trọng Điển, Nhất Hoàng: Thứ sáu 17/11/2023, 16:14 (GMT+7)

10 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 881 vụ TNGT liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người. Đáng chú ý, trong 10 địa phương có tỉ lệ TNGT liên quan đến học sinh cao nhất cả nước, có 8 địa phương là các tỉnh, thành phố phía Nam.

Có thể thấy, để hạn chế tình trạng TNGT liên quan đến học sinh, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyền truyền, cần có những mô hình sáng tạo, thiết thực gắn liền với việc tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm để tạo chuyển biến mạnh mẽ cho học sinh.

 Hiện trường vụ tai nạn hôm 4/10 ở Tiền Giang khiến 1 em học sinh lớp 5 tử vong - Ảnh Công An TP.HCM

 Hiện trường vụ tai nạn hôm 4/10 ở Tiền Giang khiến 1 em học sinh lớp 5 tử vong - Ảnh Công An TP.HCM

Tại Tiền Giang, vào chiều ngày 4/10 xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe máy trên quốc lộ 1 khiến 1 em học sinh lớp 5 tử vong. Còn tại Bình Dương, trong 2 ngày 25/10 và 30/10 xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến 2 em học sinh không qua khỏi. Mới đây nhất tại TP.HCM, xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe container và xe máy trên đường Phạm Văn Sáng (huyện Hóc Môn) khiến 1 nam học sinh lớp 10 tử vong.

Một người dân cho biết: “Học sinh thứ nhất là chưa đủ tuổi mà nó chạy xe cao phân khối, thứ 2 nữa là nó không có qua trường lớp học bằng lái nầy kia mà nó chạy thì rất là nguy hiểm, nhất là tham gia giao thông trên quốc lộ, khi mà tình huống xảy ra thì không xử lý kịp thời được.”

Có thể thấy, ở độ tuổi học sinh, các em không được phép đi xe máy nhưng vẫn còn nhiều trường hợp phụ huynh tự ý đưa xe cho con chạy. Ngoài tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, hiện nay rất dễ bắt gặp học sinh đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội nón bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện…khi được hỏi về nguyên nhân vì sao chưa đủ tuổi, chưa có bằng lái xe vẫn điều khiển phương tiện, 1 số em hồn nhiên trả lời.

"Con chưa có bằng lái, cha mẹ đi xa nên sáng không có ai đưa đi học nên lấy xe đi."

"Tại giờ không có tiền mua xe nhỏ, chứ giờ mua xe mới cũng để chật nhà. Con biết nhưng bây giờ con không còn cách nào hết, mẹ con cũng bận đi làm."

Để hạn chế tình trạng TNGT liên quan đến học sinh, thời gian qua, nhiều địa phương đã có những mô hình sáng tạo gắn liền với việc tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm. Đơn cử, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), ngoài mô hình cổng trường an toàn giao thông, thành phố tổ chức các tổ đi kiểm tra đột xuất nhà để xe của học sinh tại các trường học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các em học sinh sử dụng phương tiện không đúng quy định.

Còn tại tỉnh Gia Lai, tỉnh đã phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong châu Á thực hiên dự án "Giảm tốc độ - Trường học an toàn" tại thành phố Pleiku. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng tập trung cải tạo khu vực cổng của 33 trường học; làm gờ giảm tốc độ; cắm biển hạn chế tốc độ 40 km/h trong thời gian đưa, đón học sinh; giúp phụ huynh và học sinh tiếp cận giáo trình điện tử về an toàn giao thông.

Tại tỉnh Đồng Nai, vừa qua đã đề ra một số giải pháp căn cơ như: ra quân thường xuyên tuyên truyền về ATGT; tăng cường kiểm tra các điểm gửi xe trước cổng trường; phối hợp xử lý học sinh đi xe máy phân khối lớn khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe… bảo đảm vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, tuyên truyền. Ngoài ra, tỉnh cũng siết chặt công tác đảm bảo an toàn của các phương tiện trong việc đưa rước học sinh.

Cô Lại Thị Kiều Oanh (Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP. Biên Hòa) chia sẻ: “Các loại xe phải được cấp phép và có hạn đăng kiểm đầy đủ, sau đó thì nhà trường sẽ kiểm tra và duyệt toàn bộ hồ sơ. Giáo viên hợp đồng với nhà xe thì phải đi đúng thời gian đăng ký. Và mỗi buổi đưa rước chỉ được từ 2 đến 3 chuyến thôi, chứ không để tình trạng là các bác tài đua với thời gian để tăng chuyến lên ở các trường khác thì không an toàn cho học sinh..”.

Ảnh: Vietnamnet

Ảnh: Vietnamnet

Còn tại TP.HCM, chủ đề năm an toàn giao thông - năm học 2023 – 2024 là: “Thượng tôn pháp luật để xây dựng Văn hóa giao thông an toàn”. Để thực hiện mục tiêu trên, các đơn vị tăng cường hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu như: Bổ sung đảo chờ, vạch đi bộ, đèn đi bộ, tôn cao mặt đường tại vị trí có vạch đi bộ đảm bảo vỉa hè và lòng đường tại khu vực chỉ để phục vụ cho mục đích giao thông, tổ chức phân luồng giao thông phù hợp với tình hình thực tế, điều chỉnh hợp lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông theo từng thời điểm...

Đồng thời phối hợp với trường học tăng cường công tác đưa rước học sinh, sinh viên theo hình thức hợp đồng và tăng cường vận tải hành khách bằng xe buýt kết nối các trường học. Bên cạnh đó, triển khai xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động của mô hình công viên an toàn giao thông tại Công viên Gia Định nhằm tạo khu vực cho trường học dạy và hướng dẫn các kỹ năng và luật giao thông đường bộ.

Theo thượng tá Đoàn Văn Quới (Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM), hình thức tuyên truyền và giải pháp thực hiện tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên và phụ huynh, tạo sự tác động và chuyển biến về ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông: “Chúng tôi đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền tại các cơ sở giáo dục, trường học với các hình thức phù hợp như là đăng tải các bài viết trên các trang mạng xã hội của các cơ sở giáo dục, báo cáo trực tiếp tại các chương trình ngoại khóa. Tuyên truyền tại các khu vực cổng trường cho phụ huynh học sinh, kết hợp gửi tin nhắn qua zalo, các ứng dụng mạng xã hội. Phân công lực lượng tuần tra kiểm soát tại các trường học, để xử lý nghiêm học sinh sinh viên sử dụng xe mô tô, xe máy điện… vi phạm luật giao thong đường bộ.”.

Tại Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông đối với học sinh vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang (Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) yêu cầu các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét đưa nội dung ATGT cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành cuối năm của các trường; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong bảo đảm ATGT cho học sinh.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm, hướng ứng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho các em học sinh về ATGT, bởi đây là nội dung rất sát sườn với mọi người, mọi nhà.


Không để những rủi ro rình rập

Học sinh là tương lai của đất nước và của mỗi gia đình. Do vậy hàng trăm học sinh thiệt mạng do tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay là nỗi đau quá lớn đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông thì có nhiều, nhưng đối với học sinh thời gian qua có một điểm chung là kỹ năng lái xe, kỹ năng xử lý tình huống của nhiều em chưa thật an toàn.

Trong điều kiện nhiều em sử dụng xe máy điện hoặc xe máy cũ kỹ độ rủi ro càng cao hơn. Đã thế nhiều cha mẹ, vì không có thời gian đưa đón; trong khi phương tiện công cộng như xe buýt, xe đưa rước thì bất tiện nên bất chấp luật lệ giao thông đã giao cả xe vượt phân khối cho các em điều khiển dù các em chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe.

Ở độ tuổi hiếu động, suy nghĩ chưa chín chắn, một vài em thích thể hiện tổ chức các cuộc đua tốc độ, đánh võng, vi phạm pháp luật. Nhiều em đi đường dàn hàng ngang, đùa giỡn, gây nguy hiểm cho bạn bè, người đi đường và ngay cả bản thân. Trong khi đó điều kiện đường sá, phương tiện tham gia giao thông đủ loại; hỗn hợp; xe to, xe nhỏ lưu thông; ý thức tuân thủ luật giao thông của không ít người lớn ngày càng kém.

Tình trạng mất an toàn giao thông trước cổng trường, trên đường về nhà, đến trường của học sinh ngày càng cao; cứ mỗi khi các em ra đường, phụ huynh lại lo lắng, bồn chồn, không yên.

Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, nhất là đảm bảo an toàn giao thông cho các em, từng gia đình cần nắm rõ đặc điểm,tình hình giao thông mà hàng ngày các em đi và đến. Hiểu được tâm sinh lý cũng như kỹ năng xử lý tình huống thực tế cuộc sống của con em, nhất là khả năng điều khiển phương tiện tham gia gia thông. Không nên để cho các em nhút nhát, “ tay lái yếu” chạy xe, nhất là xe máy, xe đạp điện.

Nếu gia đình không có điều kiện đưa đón thì ở đô thị đông đúc, thuận tiện nên khuyến khích các em sử dụng phương tiện công cộng, xe đưa đón. Vùng sâu, vùng xa thì cho các em sử dụng bằng xe đạp, xe điện theo đúng theo quy định; tổ chức đi thành từng nhóm, từng đôi bạn để hỗ trợ nhau. Tuyệt đối không giao xe quá phân khối so với lứa tuổi, không những vi phạm luật mà độ rủi ro rất cao.

Về phía cơ quan quản lý cũng cần hoàn thiện các văn bản, quy định ràng buộc đối với học sinh điều khiển phương tiện giao thông. Xử lý rốt ráo các trường hợp vi phạm để các em không tái phạm cũng như tạo tính răn đe, phòng ngừa.

Tổ chức bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước trường học; nhất là quy định, quy chuẩn tốc độ các loại xe lưu thông trước các cổng trường. Cấm không được phóng nhanh vượt ẩu, nhất là giờ các em tan học.

Hình thành mạng lưới xe buýt, xe đưa đón thuận lợi để các em lựa chọn đi lại. Nhà trường thường xuyên  nhắc nhở, yêu cầu các em chấp hành luật an toàn giao thông. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông cho các em.

Các bài học về văn hóa giao thông, diễn biến giao thông ở khu vực được cập nhật hàng ngày trên trường, trên lớp. Giúp các em nắm rõ tình hình để có ứng xử phù hợp, chuẩn mực. Nêu gương các em làm tốt; nhắc nhở, thậm chí là kỷ luật các em vi phạm.

Đối với sự phát triển toàn diện của nhân cách cũng như kiến thức của mỗi học sinh, sự tác động của gia đình cũng mang tính quyết định. Phụ huynh là hiểu con mình nhất nên đưa ra các lựa chọn phù hợp cho việc đi lại bằng phương tiện gì của mỗi em.

Thường xuyên, nhắc nhở, uốn nắn các em qua bữa ăn sum họp mỗi ngày về việc chấp hành luật an toàn giao thông. Khuyến khích các em bày tỏ suy nghĩ, hành động để tiến tới xây dựng nếp sống văn hóa giao thông ở cả trường học lẫn ngoài xã hội.

Rõ ràng xây dựng một cuộc sống đi lại an toàn cho học sinh; tạo ra một lớp người tuân thủ tốt các quy định về trật tư an toàn giao thông ngày khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường là đặc biệt cần thiết. Đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội ngay từ bây giờ và nhiều năm tiếp theo.

Nếu còn buông lỏng, thờ ơ, nguy hiểm còn rình rập; những vụ tai nạn giao thông đau lòng còn xảy ra, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con em chúng ta.

Trọng Điển, Nhất Hoàng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thuê bằng lái để đối phó với phạt nguội: Xử lý ra sao?

Thời gian gần đây, một số dư luận truyền tai nhau “mẹo” thuê bằng lái để đối phó phạt nguội, nhất là với những lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ đến mức bị tước giấy phép lái xe. Vậy, có những lổ hổng nào dẫn tới tình trạng này và cần bịt những lổ hổng này thế nào?

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Cơ chế thu hút tín dụng xanh cho phát triển bền vững

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đòi hỏi phài có các dự án xanh và cần các nguồn tín dụng xanh.

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Hỗ trợ 35.000 - 55.000 đồng/kg khi tiêu hủy gia súc, gia cầm

Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Trong đó, ban soạn thảo đã đề xuất nội dung, điều kiện và mức hỗ trợ cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp cũng như người tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Ấm lòng những chuyến xe nghĩa tình

Ấm lòng những chuyến xe nghĩa tình

Với mong muốn hỗ trợ những bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn có thể tiết kiệm chi phí, anh Nguyễn Huỳnh An, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã đứng ra vận động mạnh thường quân và anh em địa phương thành lập nên Câu lạc bộ Chuyến xe nghĩa tình chở bệnh nhân cấp cứu và chuyển viện hoàn toàn miễn phí.

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Kích cầu du lịch nội địa: “Bài toán” tổ chức và chia sẻ lợi ích

Năm 2024, bên cạnh mục tiêu đón 18 triệu khách quốc tế, ngành du lịch cũng kỳ vọng phục vụ 110 triệu khách nội địa. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng cao đang là rào cản lớn, bởi chi phí di chuyển bằng đường hàng không có thể chiếm tới 50% giá tour.

Chỉ số MXV-Index cán mốc cao nhất 9 tháng

Chỉ số MXV-Index cán mốc cao nhất 9 tháng

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc tuần giao dịch 22–28/4, thị trường hàng hoá ghi nhận nhiều mặt hàng có mức độ biến động lớn. Mặc dù xu hướng giá có phần trái chiều, nhưng lực mua áp đảo hơn đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,22% lên 2.334 điểm, đạt mức cao nhất trong 9 tháng qua.

Làm nông thời công nghệ vừa an nhàn, vừa kinh tế

Làm nông thời công nghệ vừa an nhàn, vừa kinh tế

những năm gần đây, nông nghiệp ĐBSCL đã có những bước phát triển vượt bậc, ghi nhận được sản lượng lúa, trái cây tăng cao, chất lượng vượt trội hơn. Có được thành quả đó một phần nhờ vào việc nông dân đã mạnh dạn đầu tư hơn vào máy móc công nghệ...