Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

20 năm ngổn ngang cụm, tuyến dân cư vượt lũ (Kỳ 4): Lời giải nào?

Nhóm PV: Chủ nhật 03/09/2023, 19:10 (GMT+7)

Dù có nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước, nhưng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL trong những năm qua đã không thể thu hút người dân. Nếu cứ để hàng trăm căn nhà tiếp tục bỏ hoang, những khu đất quy hoạch rồi “treo” đó, chính là biểu hiện của sự lãng phí, thất thoát lớn.

Đi tìm giải pháp cho những cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL được cải tạo, điều chỉnh phù hợp để mang đến cơ hội an sinh cho hàng ngàn hộ dân đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai ngày càng khốc liệt là mong muốn của VOV Giao thông:

"Cây cối không hà có mình chị thôi. Người ta không có xây gì tới trong này,nghe nói có xây trường học, trạm y tế… mà chưa thấy. Người dân người ta cũng chưa có vô, chừng nào mà làm chợ thì người ta mới vô mua bán, chị nghĩ vậy đó! Mà không biết là khi nào thì mới làm chợ cho dân hộ vô.

Trước cửa nhà chị, hồi đó chị coi bản đồ có khu chợ. Tưởng đâu có khu chợ để mình vào ở rồi buôn bán luôn. Ai ngờ hông biết chừng nào luôn. Chị mong cũng thành lập chợ để Chị vào đó bán vậy đó" - Đó là tâm sự và mong mỏi của chị Đỗ Thị Út Nhỏ, người dân ấp Hòa Hiệp, xã Đông Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An. Theo lời chị Út Nhỏ, năm 2017-2018, chị và chồng vui mừng khôn xiết khi biết mình thuộc hộ đủ điều kiện để mua đất với những ưu đãi tại cụm dân cư trung tâm xã Bình Hoà Tây, huyện Mộc Hóa.

Thế là chị cùng chồng dắt díu hai con nhỏ về đây để mua đất, cất nhà. Ngờ đâu, 5 năm trôi qua, nơi này vẫn là một cụm dân cư vượt lũ trống trải, cỏ mọc um tùm. Gần như là hộ duy nhất sinh sống ở đây, chị và chồng phải “ở đậu” trong một cái lán nhỏ dựng tạm bên con đường lớn cách cụm dân cư vượt lũ tầm vài cây số, mỗi ngày ra thị xã Kiến Tường nhập hàng về để bán tạp hóa sống lay lất qua ngày.

Không phải là tình cảnh riêng của vợ chồng chị Đỗ Thị Út Nhỏ ở huyện Mộc Hóa mà nhiều hộ dân có nhà trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ khác tại các huyện Tân Hưng, Thạnh Hóa, Đức Hòa, Thủ Thừa của Long An… cũng đối diện với tình cảnh phải “xin” trả lại nhà, đất hoặc vật lộn tìm sinh kế.

Sống tập trung trong cụm, tuyến dân cư tốn kém sinh hoạt lại không có việc làm hay điều kiện chăn nuôi, trồng trọt khiến những người đã cố bám trụ lại cũng dần tính chuyện… bỏ đi!

Nhận nhà vượt lũ và sinh sống ở đây mười mấy năm qua, chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (43 tuổi) đang loay hoay dọn dẹp lại căn nhà của mình. Chị Thúy kể, nhiều người bỏ đi nơi khác làm ăn bởi vì không có việc làm ổn định, đa số người dân phải đi làm thuê kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Gia đình chị cũng thuộc diện khó khăn, con chị buộc phải nghỉ học từ năm lớp 6 để phụ giúp gia đình.

Nhận nhà vượt lũ và sinh sống ở đây mười mấy năm qua, chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (43 tuổi) đang loay hoay dọn dẹp lại căn nhà của mình. Chị Thúy kể, nhiều người bỏ đi nơi khác làm ăn bởi vì không có việc làm ổn định, đa số người dân phải đi làm thuê kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Gia đình chị cũng thuộc diện khó khăn, con chị buộc phải nghỉ học từ năm lớp 6 để phụ giúp gia đình.

Thực tế, chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại Long An được thực hiện tổng thể cùng với chương trình kiểm soát lũ chung của ĐBSCL kết hợp song song với chương trình dân sinh vùng lũ với mục tiêu ổn định chỗ ở, nâng cao đời sống của người dân, tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cho những khu vực dân cư hiện có.

Nhiều cụm, tuyến dân cư đã phát huy tốt hiệu quả, dân vào ở đông, sung túc, nhộn nhịp; hình thành nên cuộc sống tập trung; xây dựng nên các thị tứ, khu dân cư sầm uất; văn minh. Theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đây là các chương trình có ý nghĩa cần tiếp tục triển khai. Tuy vậy, phải giải được bài toán “lạc nghiệp” một cách thỏa đáng cho người dân tin tưởng “an cư” thì khu, cụm dân cư vượt lũ mới thật sự phát huy hiệu quả.

"Theo tôi cụm tuyến dân cư vượt lũ hay là cái cụm tuyến dân cư nói chung đấy là một cái mô hình phát triển văn minh, là xu thế cho ĐBSCL tiến đến văn minh thì phải như vậy. Bây giờ người ta phải tạo thành các cái cụm, tuyến dân cư.

Thực ra đấy là cũng là cái cách chúng ta tạo ra cái vùng để người ta có được cái sinh hoạt chung. Từ đó người ta ví dụ như là có trường học, có bệnh viện hoặc là ví dụ như là các cái vấn đề về dịch vụ tiện ích xã hội nó nằm trong cái khu đó. Nó mới thể hiện là một cái xã hội văn minh. Cái việc đó nên làm và tiếp tục làm", PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh nói.

Để giải quyết các “điểm nghẽn” hiện nay tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, cũng theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, việc cần làm là rà soát tổng thể để đáp ứng nhu cầu của người dân, có các hỗ trợ kịp thời. Chắn chắn “đất lành, chim đậu”; khi cụm, tuyến dân cư vượt lũ nói riêng, hay các khu tái định cư cho người dân nói chung thực sự đáp ứng nhu cầu cơ bản, tự người dân sẽ đến. Bởi sau cùng, người dân nghèo chỉ mong một nơi để an tâm sinh sống cho họ, cho con cái họ về sau:

"Những giải pháp để có thể thích ứng ví dụ như có thể là mang các khu công nghiệp từ đâu đó vào gần những cái khu dân cư đó để cho người dân người ta không phải đi quá xa. Đấy cũng là một cái giải pháp! Hoặc là cải tạo cơ sở tầng để sao cho nó phù hợp. Hoặc là các vấn đề liên quan đến là y tế, giáo dục, các thứ xung quanh đó …thì người dân người ta không phải đi xa thì mới được!"

Nhiều trẻ em phải thôi học sớm để phụ giúp công việc gia đình

Nhiều trẻ em phải thôi học sớm để phụ giúp công việc gia đình

Còn PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP. HCM cho biết, trong các nghiên cứu đã thực hiện về vấn đề này, đa phần đều thiếu sự hỗ trợ kịp thời về sinh kế hay chuyển đổi việc làm cho người dân ở các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Về bản chất, đây đều là các vấn đề xã hội rất điển hình có thể tìm giải pháp để giải quyết. Tuy nhiên phải giải quyết một cách tổng thể dưới góc nhìn quy hoạch tổng hợp và kinh tế tuần hoàn. Có như vậy mới tránh được thất bại, gây lãng phí lớn.

PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân lưu ý: "Ngoài ra chúng ta thực sự lưu ý vấn đề về văn hóa, về con người. Địa phương đó người ta đang làm như thế nào mà mô hình kinh tế cũng phải từng bước gắn kết như vậy? Một lần nữa là cái tính hài hòa trong các cái giải pháp, đặc biệt là các giải pháp đối với những cái vùng như Đồng Bằng sông Cửu Long. Cái tính thay đổi, cái tính biến động nó rất là lớn. Nên cái giải pháp mà chúng ta không có được những cái nghiên cứu một cách bài bản, không đủ cái nguồn lực để làm mà làm một cách chấp vá thì cái chuyện thất bại gần như là hiển nhiên."

Có thể nói, thúc đẩy xây dựng hạ tầng với kế hoạch nâng cao trình các trục giao thông nông thôn, tạo thành các vệt dân cư được kết nối tốt với các trung tâm xã, huyện… đang là mong mỏi lớn của người dân. Thời gian qua, nhiều địa phương đã tính toán, rà soát lại tất cả các cụm, tuyến dân cư nhằm có phương án cho từng vị trí một để phát huy hiệu quả vốn đầu tư. Việc thu hút đầu tư công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào khu vực để mang đến công ăn việc làm cho bà con cũng được tính đến. Dẫu vậy, theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An trước nguồn kinh phí lớn, địa phương rất cần được hỗ trợ:

"Hiện nay chúng tôi đã cho khảo sát lại tất cả cụm tuyến dân cư trên địa bàn huyện, để trước hết là đầu tư về hạ tầng giao thông và hệ thống xử lý chất thải. Tổng mức đầu tư huyện bỏ ra thì dự kiến là 200 tỉ cho 10 cụm, tuyến này. Huyện đang gặp khó khăn về vốn, rất mong Sở, ngành tỉnh, Bộ ngành Trung ương… hỗ trợ huyện thực hiện dự án về hạ tầng giao thông để đảm bảo cuộc sống cho người dân, đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân giao thương, mua bán hàng hoá để ổn định cuộc sống cho bà con trên cụm, tuyến dân cư này. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy mô hình cụm, tuyến dân cư vượt lũ này cho bà con ổn định cuộc sống."

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An, hiện, Sở Xây dựng đã phối hợp UBND các huyện, thị vùng lũ nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đối với các cụm tuyến còn trống lô nền. UBND các huyện, thị có cụm, tuyến dân cư vượt lũ thực hiện ra soát lại các đối tượng; trường hợp gia đình thuộc diện đối tượng để bố trí vào ở, giải quyết đủ chỗ ở cho họ để họ an cư. Còn lại thì báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương bán đấu giá những lô nền chính sách dôi dư theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm: "Chính phủ cũng cho chủ trương, địa phương được chủ động bán 30% lô nền trong cụm tuyến gọi là lô nền sinh lợi. Dùng số tiền này để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu. Một nguồn nữa là vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển Việt Nam.

Những nội dung đó địa phương phải chủ động. Các huyện, thị có cụm tuyến dân cư vượt lũ phải thường xuyên có kế hoạch duy tu, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng thiết yếu. Trường hợp thực sự khó khăn, phải báo cáo, đề xuất, để các sở ngành tỉnh xem xét, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời."

Để giải quyết các “điểm nghẽn” hiện nay tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, việc cần làm là rà soát tổng thể để đáp ứng nhu cầu của người dân, có các hỗ trợ kịp thời.

Để giải quyết các “điểm nghẽn” hiện nay tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, theo PGS.TS Nguyễn Phú Quỳnh, việc cần làm là rà soát tổng thể để đáp ứng nhu cầu của người dân, có các hỗ trợ kịp thời.

Những tồn tại, khiếm khuyết trong việc bố trí hạ tầng, hoạch định vị trí, quá trình xây dựng và vận hành các cụm, tuyến dân cư vùng lũ đã được các địa phương ở ĐBSCL nhìn nhận và đang có những bước điều chỉnh quyết liệt, đồng bộ. Theo ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An, lãnh đạo các địa phương đã nỗ lực đề ra biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm với mục tiêu sẽ nỗ lực để thực hiện các cụm, tuyến dân cư còn lại có hiệu quả hơn:

"Chúng tôi sẽ có chỉ đạo rà soát để đánh giá tình hình thực hiện, thực tế khả thi từng cụm, tuyến dân cư này để chúng tôi tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cho chủ trương để chúng tôi xử lý hợp lý. Những cụm tuyến dân cư nào còn khả thi thì đầu tư cơ sở hạ tầng cho người dân được ổn định cuộc sống.

Những dự án, những cụm tuyến dân cư, dự án nào mà người dân không còn vào ở mà trong thời điểm không phù hợp thực tế hiện nay… thì chúng ta đánh giá lại khả năng và giao các địa phương báo cáo Ban Thường vụ nên chuyển mục tiêu các dự án dân cư này... Giờ chúng ta để lại không sử dụng được mà ngân sách đầu tư vô không có người ở thì đầu tư lại thì nó lãng phí."

Rõ ràng, những cụm, tuyến dân cư vùng lũ ra đời và triển khai trong hàng chục năm qua đã góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân vùng lũ có nơi trú ngụ kịp thời, bảo vệ tính mạng, tài sản. Nhiều nơi còn phát huy tác dụng hình thành nếp sống cộng đồng đông đúc, sầm uất; làm thay đổi diện mạo đời sống nông thôn ở nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa; được nhân dân tán thành ủng hộ.

Tuy nhiên cũng qua hàng chục năm triển khai, đã đến lúc những cụm, tuyến dân cư vượt lũ nói riêng, khu tái định cư nói chung cần được đánh giá toàn diện, tổng thể. Để từ đó, phát huy thành quả, khắc phục hạn chế, điều chỉnh những khiếm khuyết kịp thời, làm nền tảng cho việc triển khai thực hiện các cụm, tuyến dân cư vùng lũ trong giai đoạn mới; nhất là những tác động khốc liệt của vấn đề sạt lở hàng năm đang hàng năm đẩy hàng ngàn hộ dân ở ĐBSCL vào nguy cơ màn trời chiếu đất.

Cụm, tuyến dân cư về lâu dài cũng chính là sự chuẩn bị cho các rủi ro này; đồng thời là tiền đề cho cuộc sống ổn định, bền vững của người dân vùng sâu, vùng xa tại ĐBSCL cả trước mắt lẫn về sau.

Tuy nhiên những dấu hiệu sai phạm, gây lãng phí; các dự án đầu tư tiền tỉ nhưng kém hiệu quả cần được xử lý kịp thời, rốt ráo, đúng trách nhiệm. Bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, nhất là đối với các đối tượng thực sự khó khăn.

Có như vậy, một chương trình ý nghĩa, hợp lòng dân mới tiếp tục được phát huy và không bị lãng quên, mang tiếng. Đây cũng là thể hiện sự nhìn thẳng, không né trách sự thật để các cấp quản lý, chính quyền các địa phương tiếp tục chỉnh sửa, thực hiện các giải pháp thiết thực, đồng bộ; giúp chương trình cụm, tuyến dân cư vượt lũ thực sự hiệu quả trong giai đoạn mới ở ĐBSCL./.

 

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn