Xuýt xoa với những điều bình dị

Sau gần 2 tháng giãn cách xã hội, các “vùng xanh”, nơi ít nguy cơ dịch bệnh của Thủ đô Hà Nội đã bắt đầu nới lỏng việc kiểm soát đi lại, hoạt động giao thương. Với nhiều người, thế giới bên ngoài những rào chắn, barie hiện lên thật mới mẻ, khác lạ, dù đó

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Sau gần 2 tháng ở nhà chấp hành quy định giãn cách, chị Vân Anh quyết định đi quãng đường 3 cây số từ phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa sang phố Đội Cấn, quận Ba Đình để mua bằng được món bánh cuốn khoái khẩu. Vừa thực hiện thủ tục khai báo mã QR tại cửa hàng, chị vừa tươi cười:

“Em thấy rất vui, vì phải gần 2 tháng nay mới được đi mua đồ ăn mang về. Em mua 6 suất cho gia đình 5 người ăn, lâu lắm rồi toàn ăn cơm nhà thôi”.

Di chuyển chỉ chưa đầy một trăm mét từ nhà ra siêu thị, cũng khiến anh Nguyễn Hoàng Giang, ở phố Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm xúc động. Phường Chương Dương nơi anh sống mới được dỡ phong tỏa sau 40 ngày “ai ở đâu ở yên đấy”. Với anh Giang, được hít thở bầu không khí ngoài trời, được đi dưới ánh nắng mùa thu Hà Nội là cảm giác vô cùng đặc biệt.

"Mỗi ngày được ra ngoài đường đi mua đồ ăn, đồ uống là một điều gì đó thú vị hơn với tôi. Đường phố rất vắng, rất khó để nói cho các bạn hiểu, dịch bệnh đã thay đổi toàn bộ thế giới quan của tôi về cuộc sống”, anh Giang cho biết.

Sau bao ngày chờ đợi, việc đầu tiên với anh Lê Thanh Tùng, ở phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, là khẩn trương dắt xe máy ra tiệm sửa xe. Vài ngày tới, cơ quan mở lại nên phương tiện cho hai vợ chồng phải sẵn sàng. Họ đã chờ thời khắc này quá lâu.

“Thực ra thỉnh thoảng vẫn phải đi, nhưng có 2 xe, xe kia đi được cứ lấy đi thôi, còn xe này bị hỏng nên mình phải đem đi sửa. Xe bị hỏng không đề được, hỏng cả khóa thông nh”.

Tất tả không kém là bà Phạm Thị Thành, lao động chính trong gia đình 5 ệng ăn. Sau thời gian dài mất thu nhập vì chợ dân sinh đóng cửa, bà được tạo điều kiện mở sạp rau đầu ngõ 186 Đội Cấn: 

“Nếu bán được hết hàng được 200 nghìn, nhưng COVID như này nghỉ mãi, bán hết chỗ này chắc may ra được 100 nghìn. Nhà nước nới lỏng như thế, dịch ít đi cũng mừng rồi. Chúng tôi kinh doanh được thì cũng đỡ đi một phần khó khăn cuộc sống, nhà nước cũng đỡ vất vả”.

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Cách đó không xa, ông Nguyễn Hồ Nam đang trực chốt kiểm soát đầu ngõ 68 cùng phố. Đây vốn là vùng đỏ bị phong tỏa suốt từ tháng 7/2021 và vừa được “xanh hóa”.

“Dỡ phong tỏa cảm giác thoải mái hơn, tư tưởng thông thoáng đi, không bị bí bách. Nếu thành phố dỡ hết thì dân phấn khởi được đi lại, hoạt động, nhưng trên tinh thần vẫn phải giữ gìn, 5K, không thể chủ quan, dịch bệnh còn phức tạp”.

Tổ 44 phường Mai Động, dù là vùng xanh, nhưng thuộc quận Hoàng Mai, quận được liệt kê là vùng đỏ, tức nguy cơ cao. Anh Nguyễn Văn Nam không khỏi chạnh lòng khi nói vọng ra từ bên trong barie:

“Thực ra tôi chỉ muốn dẫn gia đình đi ăn một bát phở, tôi rất thèm phở, cộng với đi xem đường phố, hít thở không khí nó thế nào. Chứ hai tháng nay tôi không được ra đường, tôi chỉ ra vứt rác, ngó một cái xong đi lên nhà. Tôi rất nhớ cuộc sống hàng ngày từ trước đến giờ”.

Có người khao khát muốn ra khỏi rào chắn như anh Nam, cũng có người ngược lại, như anh Đức Anh. Sống trong một con ngõ bị phong tỏa tại quận Ba Đình gần 45 ngày qua, anh đã quen nếp sống biệt lập trong nhà. Từ một thư ký giám đốc quảng giao, giờ anh hướng nội hơn.

“Khu vực của em mà bỏ rào chắn thì em cũng không ra ngoài lung tung. Mình mà bung lụa thì chết dở anh ạ. Sau khi đi làm trở lại bình thường, em cũng sẽ tiết chế để hạn chế tối đa tiếp xúc”.

Cuộc sống bình thường đang dần trở lại, và có lẽ, mỗi người cũng cần thời gian để cân bằng thứ cảm xúc kỳ lạ của thời hậu giãn cách, phong tỏa.

---

Nghe thêm Nhật ký Đô thị trên Apple Podcast: