Xuyên đêm di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị khởi công tuyến Metro số 2

Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật của dự án Tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) được triển khai đồng loạt từ tháng cuối tháng 3 năm 2024.

Thời gian thi công chủ yếu vào ban đêm, từ 20 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau để giảm thiểu việc ảnh hưởng đến giao thông trong giờ cao điểm sáng và chiều.

Xuyên đêm thi công di dời hạ tầng kỹ thuật, chuẩn bị khởi công tuyến metro số 2

20 giờ, tại vị trí ga Phạm Văn Bạch, số 682A đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình, các công nhân đang vận hành máy móc. Các công đoạn của các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật được tiến hành một cách cẩn thận, đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru và an toàn.

Ông Phan Thiện, kỹ sư thuộc đơn vị thi công nói về những thách thức, khó khăn: “Ở đây mật độ giao thông đông đúc nên phải thi công ban đêm. Theo giấy phép thi công là 20h, nhưng 22h xe vận chuyển đất mới vào được. Mà 22h giờ đường này vẫn còn rất đông, đặc biệt thi công trong làn xe máy, nên thời gian thi công nhìn thế mà rất ngắn.

Mọi công việc phải gấp rút đến 5h sáng để hoàn trả đường cho lưu thông. Nên đơn vị thi công thay vì tổ chức một mũi thì phải làm hai mũi”.


Công tác thi công ở hiện trường cho việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án bao gồm các công trình thoát nước, cấp nước, công trình điện, viễn thông, cây xanh....  được thực hiện triển khai đồng loạt.

Đa số các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm ngầm dưới mặt đất nên rất khó khăn trong quá trình thi công đặc biệt ở những vị trí giao chéo, giao cắt nhiều hạng mục hạ tầng với nhau.

Phương án xử lý giao cắt được thể hiện từ lúc thiết kế cho đến thi công bằng cách ứng dụng thông tin công trình kỹ thuật số (BIM).


Ông Vũ Văn Vịnh, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 Bến Thành - Tham Lương thuộc Ban quản lý Đường sắt đô thị chia sẻ, đơn vị thi công đã thiết lập ma trận quản lý về giao cắt, xác lập vị trí giao cắt trên từng nhà ga gắn với từng chủ sở hữu công trình và trách nhiệm của từng nhà thầu để thống nhất phương án, giải pháp xử lý nhằm tối ưu hoá công tác thi công, hạn chế tối đa các nguy cơ có thể xảy ra, đồng thời đảm bảo tính an toàn trong suốt quá trình thi công.

“Hiện nay, chúng tôi đang thi công tại 5 vị trí trên toàn tuyến, bắt đầu thi công ngày 22/3. Vị trí đang đứng là nhà ga S10 (Phạm Văn Bạch) đang tập trung thi công hạng mục thoát nước. Đến nay, tiến độ phía bên phải nhà ga đạt 76% khối lượng đối với hạng mục thoát nước; còn hạng mục cấp nước đạt 46% khối lượng. Dự kiến cuối tháng 5 sẽ hoàn tất thi công khu vực di dời này, sau đó chúng tôi triển khai thi công giao lộ Phạm Văn Bạch tiến về ga Tân Bình”, ông Vịnh cho biết.

Ông Vịnh cho biết thêm, về tiến độ, từ nay đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành công tác di dời hạ tầng kỹ thuật của 12 vị trí, hiện đã thi công được 5 vị trí, các vị trí còn lại đã trình Sở Giao thông Vận tải để cấp phép bổ sung và sẽ thi công 7 vị trí còn lại trên tuyến trong tháng 5.

“Theo đánh giá hiện nay, chúng tôi có thể đảm bảo được việc cơ bản hoàn thành sản lượng ở ngoài công trường từ nay đến cuối năm 2024 và theo tiến độ chung, chúng tôi cần hoàn tất công tác di dời hạ tầng kỹ thuật vào quý 2/2025 để có cơ sở bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu chính”.


Về công tác giải phóng mặt bằng, hiện đơn vị thi công đã tiếp nhận 27 trường hợp bàn giao mặt bằng ở quận 3, còn lại 40 trường hợp. Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3 cho hay, tuyến metro số 2 qua quận có 4 nhà ga gồm: Tao Đàn, Dân Chủ, Hoà Hưng và Lê Thị Riêng: 

“Chúng tôi đã huy động hệ thống chính trị quận 3, MTTQ, các hội đoàn như Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ với chính quyền phường 10, phường 11 để tiếp tục vận động các hộ dân chưa đồng thuận. Có 17 trường hợp hiện chưa đồng thuận về giá đất, giá nhà tái định cư, chúng tôi cũng đang tiếp cận để thuyết phục họ”.

Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng Ban phụ trách MAUR kiểm tra vị trí ga Phạm Văn Bạch

Việc thi công hạ tầng kỹ thuật trong đô thị chật hẹp với mặt bằng đủ để bố trí các hạng mục trong phạm vi 5m (bao gồm tất cả hạng mục hạ tầng kỹ thuật điện, cấp nước, thoát nước…) là điều rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như mất nước, mất điện…

Hiện TP.HCM đang sắp vào mùa mưa, khả năng thi công gây sụt lún, sạt, ngập nước trong khu vực thi công là điều khó tránh khỏi.

Bởi vậy, Ban Quản lý Đường sắt đô thị luôn nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc nhà thầu, tư vấn giám sát tăng cường đảm bảo biện pháp an toàn trong quá trình thi công tránh các nguy cơ có thể xảy ra.