Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại Tọa đàm 'Tận dụng nguồn lực liên kết vùng trong xúc tiến thương mại' ngày 26/8.
Theo bà Thủy, trong xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới rất sâu sắc như hiện nay thì các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất quy mô cũng không nằm ngoài xu thế này.
Với tinh thần năng động, sáng tạo, tìm ra phương thức đổi mới trong hoạt động xúc tiến thương mại, từ cuối năm ngoái, Bộ Công Thương đã đưa vào chương trình công tác của Bộ thực hiện một chuỗi những hoạt động Hội nghị xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng và thực hiện xuyên suốt cho cả 6 vùng kinh tế.
"Thông qua những Hội nghị này, chúng ta đều thấy rằng với sự quan tâm tham gia cùng vào cuộc của các địa phương trong vùng, sự hợp lực về trí tuệ, về các nguồn lực khác nữa đã giúp chúng ta đã ra được rất nhiều ý tưởng mới để khai phá tốt hơn các hoạt động xúc tiến thương mại trong tương lai", bà Thủy nhìn nhận.
Trong công tác xúc tiến thương mại, Chính phủ và Bộ Công Thương thời gian qua có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho việc thúc đẩy liên kết vùng bằng cách đưa ra những quy hoạch về phát triển các vùng kinh tế, thành lập các Tổ Điều phối về liên kết vùng,…
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động liên kết vùng một cách hiệu quả hơn.
Còn theo ông Đinh Lâm Sáng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, muốn tận dụng được tối đa lợi thế liên kết vùng các cơ sở sản xuất ở các địa phương phải có sự liên kết trong hành động. Từ việc xây dựng được mạng lưới liên kết và thiết lập, duy trì các mối quan hệ đối tác; đến việc tăng cường hợp tác và chia sẻ nguồn lực hợp tác với các cơ sở sản xuất khu vực.
"Để phối hợp hiệu quả hơn nữa đối với việc liên kết vùng trong xúc tiến thương mại thì theo tôi cũng cần đưa ra những chính sách ưu đãi, ưu đãi về thuế và ưu đãi về xuất nhập khẩu và phối hợp thật hiệu quả trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương, những vùng lân cận nhau để cho hoạt động xúc tiến thương mại này có hiệu quả thiết thực", ông Sáng nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hương Vân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Hương Vân Trà cũng cho rằng, nếu không liên kết, không dùng đúng phương thức “bó đũa” thì không bao giờ đi xa được.
Một sân chơi thương mại rất cần cơ sở vật chất tốt, bởi vì khi tập hợp được tất cả những sản phẩm, thì cần những trung tâm thương mại quy mô lớn để đưa các sản phẩm của các tỉnh khác liên kết với nhau.
"Đến đó, họ có thể lựa chọn được tất cả các sản phẩm của các vùng ền, của các tỉnh mà lại yên tâm tuyệt đối. Bởi vì trong trung tâm thương mại toàn là những sản phẩm chất lượng cao mới được hiện diện trong đó thì người dân đi đâu cũng mua được sản phẩm của các nơi các tỉnh. Đó là một điều thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng bây giờ", bà Vân nêu quan điểm