Xúc phạm nhân phẩm, danh dự: Xử phạt bằng tiền chỉ là phần “ngọn”

Kể từ ngày 12/12 tới đây, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nếu ai có hành xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học hay cán bộ, giảng viên… nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 88 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Chính phủ ban hành ngày 26/10 vừa qua. Ngoài nộp phạt tiền mặt, người gây ra hành vi phải buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm, trừ trường hợp nạn nhân yêu cầu không công khai.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thu Hương, Trưởng Bộ môn Tâm lý học lâm sàng, Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:

Ảnh nh họa

PV: Thưa bà, bà có suy nghĩ như thế nào về việc giảng viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng đối với những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người khác?

PGS.TS Trần Thu Hương: Bất cứ xử phạt nào bằng tiền cũng chỉ mang tính hình thức, nhằm mục đích răn đe, ngăn chặn có thêm những hành động hoặc có thêm lời nói xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Thế nhưng, trong môi trường trường học, việc xử phạt như vậy nó chỉ mang tính tình thế và không giải quyết được tận gốc vấn đề của các thầy các cô và các con học sinh.

Nếu như chúng ta không có một cách thức nào khác, vừa hỗ trợ cho các thầy các cô về tâm lý thì về cơ bản sẽ không giải quyết được tất cả bức xúc đấy. Nó chỉ giới hạn được ở chỗ này mà không giới hạn được ở chỗ khác, nó có thể ngăn cản được việc những lời nói xúc phạm trên lớp nhưng không thể ngăn cản được các thầy các cô có những suy nghĩ hoặc là có những hành động khác mà nó gây ảnh hưởng con người, công việc của các thầy các cô đang làm.

Đồng thời, có thể các em học sinh cũng không kiểm soát tốt được thái độ, hành vi của mình và có những vi phạm, lời nói xúc phạm đến nhân phẩm của các thầy cô giáo. Những cái đấy thì chúng ta không thể kiểm soát được.

PV: Theo như bà trao đổi, có thể thấy, việc đưa ra bất kỳ hình thức phạt nào cũng chỉ nhằm mục đích răn đe chứ chưa nhằm mục đích giáo dục hay đi vào giải quyết triệt để vấn đề về bản chất. Vậy, theo bà, chúng ta cần phải làm gì để góp phần giúp cho môi trường học tập nói chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng được văn nh hơn?

PGS.TS Trần Thu Hương: Đối với nhà trường thì chúng ta sẽ cần phải phát triển mạnh hơn nữa những can thiệp dự phòng về các vấn đề về sức khỏe, tinh thần cho toàn bộ nhà trường, không chỉ là cho các học sinh mà còn cho các cô giáo, thầy giáo trong nhà trường.

Chúng ta cũng đã có những quy tắc ứng xử trong nhà trường rồi, nên cũng phải đẩy mạnh việc thực thi những quy tắc ứng xử ấy và có những hướng dẫn một cách rõ ràng hơn nữa để các thầy cô, ban giám hiệu nhà trường cũng như học sinh có thể hiểu rõ được các vấn đề.

Tôi đã theo dõi các thông tin từ rất lâu cho đến bây giờ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo và công đoàn giáo dục Việt Nam cũng đang phát triển khá tốt phong trào xây dựng trường học hạnh phúc. Thì chúng ta cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa chương trình đó và để có được một trường học hạnh phúc thì về cơ bản là phải phát triển một cách tốt hơn và thực chất hơn những cái tư vấn tâm lý hoặc là hoạt động của các phòng tư vấn tâm lý trong nhà trường.

Nó phải thực chất hơn, hiệu quả hơn thì mới có thể giúp cho các thầy các cô và các con học sinh giảm bớt được những cái cảm xúc tiêu cực trong nhà trường và giảm bớt được những lời nói xúc phạm lẫn nhau.

PV: Xin cảm ơn bà.