Xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm là tiền đề để đạt mục tiêu cả năm

Xuất khẩu 6 tháng năm 2024 ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Công Thương dự báo cả năm 2024 tăng trưởng xuất khẩu có thể vượt mục tiêu 6%. Mặc dù vậy, để đạt được giá trị gia tăng cao hơn vẫn cần thúc đẩy cho những “trụ cột” tăng trưởng xuất khẩu.

Những thành quả đạt được trong 6 tháng đầu năm sẽ là tiền đề để đạt mục tiêu cả năm. 

 

Ảnh nh họa. Nguồn: Vneconomy

Một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã sụt giảm mạnh trong năm 2023 là dệt may. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay, những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã xuất hiện khi các doanh nghiệp đón nhận được nhiều đơn hàng hơn.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: "Quý 1, quý 2 của năm 2024 đang có tín hiệu tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023. Lượng đơn hàng của các nhà nhập khẩu ở Mỹ và Nhật Bản có dấu hiệu hồi phục cho lượng đặt hàng. Chúng tôi có những dự báo là năm 2024 có thể vẫn còn khó khăn nhưng sẽ tốt hơn nền của năm 2023. Mặc dù vậy thế giới có rất nhiều biến động và đặc biệt là những xung đột địa chính trị, kế hoạch đơn hàng của quý 3 và quý 4 cũng phụ thuộc vào tình hình biến động thế giới".

Thị trường dệt may nửa đầu năm 2024 đã có nhiều khởi sắc: xuất khẩu tăng 5% so cùng kỳ năm trước. Việt Nam đã vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường Mỹ, hầu hết doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 10…

Đánh giá về cơ hội và triển vọng xuất khẩu từ nay đến cuối năm, các chuyên gia cho rằng, ngành dệt may Việt Nam đang có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh, tuy vậy các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược sản xuất. Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận: "Đối với ngành dệt may thì mục tiêu đề ra cho năm 2030 là tăng trưởng hàng năm khoảng 6,8-7,2%/năm, mục tiêu đến năm 2030 đạt khoảng 68 - 70 tỷ USD, đấy là mục tiêu. Chúng tôi cho rằng định hướng từ nay cho đến năm 2030 đó là chuyển dần từ tập trung vào tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng phát triển bền vững, xanh hóa, chuyển đổi số... Ngoài ra, chúng ta đã ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với yêu cầu về xuất xứ và có lộ trình, đã đến lúc chúng ta cũng được hưởng thuế quan ưu đãi nếu chúng ta đáp ứng các yêu cầu".

Qua hoạt động xuất khẩu 6 tháng đầu năm cũng đã cho thấy, các thị trường xuất khẩu cơ bản có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao, nổi bật là thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc… 

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, khu vực chiếm tới hơn 67% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, bên cạnh các thị trường truyền thống ở khu vực Đông Bắc Á, ASEAN thì nhiều thị trường mới tại khu vực châu Phi, Trung Đông và Nam Á cũng ghi nhận tăng trưởng hết sức tích cực.

Tuy nhiên, để đạt được giá trị gia tăng cao hơn trong hoạt động xuất khẩu thay vì chỉ tăng về lượng, ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á, châu Phi đưa ra khuyến nghị: "Tiếp tục đầu tư để chuyển đổi hoặc thu hút đầu tư vào chế biến sâu phát triển các mặt hàng nông sản chất lượng cao trong bối cảnh xu hướng sử dụng các sản phẩm sạch sản phẩm chất lượng cao và sản phẩm chế biến sâu trên thế giới và khu vực thị trường ảo phi một gia tăng để vừa một mặt nâng cao giá trị xuất khẩu một mặt để bắt kịp xu thế của thị trường, đồng thời chú trọng khai thác các hình thức khác nhau như thương mại điện tử các nền tảng trực tuyến".

Đồng tình với khuyến nghị này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đưa ra thực tế về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua, đó là kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cả 2 chiều đều lớn. Việc nhập khẩu chủ yếu nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất cho thấy tính gia công còn cao.

Trong bối cảnh tỷ giá đồng đô la đang neo ở mức cao, được lợi cho xuất khẩu nhưng lại làm tăng chi phí cho nhập khẩu; rồi chi phí logistics tăng cao và vấn đề biển đỏ vẫn còn diễn biến phức tạp… cho thấy cần phải có những tính toán dài hơi cho xuất khẩu bền vững hơn.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng: "Chúng ta phải tính đến chiến lược xuất khẩu sắp tới làm sao cho nó đúng với xu hướng trên thế giới. Đấy là chưa kể những yêu cầu mới về kiểm toán các-bon, những tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh sẽ làm cho chi phí tuân thủ của hàng xuất khẩu sẽ cao hơn, và sẽ làm cho các doanh nghiệp của chúng ta mà nhiều trong số đó là DNNVV sẽ giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình hay là sản phẩm của doanh nghiệp mình. Đấy là 1 số yếu tố chúng ta cần phải nhìn nhận, đánh giá để có giải pháp, chúng ta phải thích nghi trong thời gian tới".

Theo các chuyên gia, điểm đáng lưu ý trong hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm nay là mặc dù cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư với xuất siêu ước đạt 8,4 tỷ USD, song chủ yếu do đóng góp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Vì vậy, giải pháp căn cơ nhất vẫn là làm sao để các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phải tham gia được vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất FDI. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm và bền vững cho những năm tiếp theo./.