Xuất khẩu công nghệ đường sắt đô thị, tại sao không?

Theo quy hoạch, 5 đô thị của Việt Nam sẽ xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị, trong đó, riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM cần phải hoàn thành gần 600 km đường sắt đô thị vào năm 2035.

Xu hướng quốc tế hóa tiêu chuẩn đường sắt đô thị nhằm giảm thiểu chi phí xây dựng, đẩy nhanh tiến độ và tiến tới làm chủ công nghệ sản xuất đường sắt đô thị là điều Việt Nam cần hướng đến trong tương lai.

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn liên quan đến đường sắt đô thị trên thế giới gồm tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC, ITU, UIC), tiêu chuẩn khu vực châu Âu (CEN, CENELEC, ETSI, EN), tiêu chuẩn quốc gia (ANSI, BSS, DIN, JIS, KR, GB, TCN) và các tiêu chuẩn tổ chức.

Thời gian qua, để hoàn thành một tuyến đường sắt đô thị, Việt Nam mất khoảng hơn chục năm trong khi, nhiều máy móc, thiết bị của các dự án đường sắt đô thị trước không thể sử dụng cho dự án sau gây lãng phí hàng triệu đô la Mỹ cùng nhiều hệ lụy kéo dài.

Bởi vậy, xây dựng và phát triển một hệ thống tiêu chuẩn thống nhất cho hệ thống đường sắt đô thị của Việt Nam là điều cần thiết.

Trước hết, Ban quản lý đường sắt đô thị và chính quyền thành phố Hà Nội, TP.HCM cần có sự tổng hợp, so sánh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của đường sắt đô thị của các nước phát triển trên thế giới, từ đó nghiên cứu, phân tích đánh giá và đề xuất khung tiêu chuẩn cơ bản đường sắt đô thị.

Việc phát triển hệ thống tiêu chuẩn riêng của Việt Nam cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu và mất nhiều chi phí. Trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị thì có thể xem xét đến việc thống nhất hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đô thị dựa trên một hệ thống tiêu chuẩn sẵn có, có sự điều chỉnh phù hợp với các điều kiện đặc thù của Việt Nam.

Khung tiêu chuẩn này đảm bảo thống nhất được các tiêu chuẩn kỹ thuật từ các quốc gia khác nhau, phải phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến đang ứng dụng phổ biến trên thế giới và vẫn có độ mở nhất định nhằm khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần có phương án đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, có kiến thức sâu về đường sắt đô thị hiện đại để có thể vận hành, khai thác và bảo trì hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai

Theo nhiều chuyên gia, khung tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt đô thị có thể được xây dựng dựa trên cơ sở biên soạn, chuyển đổi các tiêu chuẩn châu Âu và tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bởi hệ thống tiêu chuẩn đường sắt châu Âu phù hợp với Thông số kỹ thuật về khả năng tương tác và hài hòa với tiêu chuẩn các quốc gia châu Âu và tiêu chuẩn quốc tế.

Mặt khác, Bộ Giao thông vận tải định hướng xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên các tiêu chuẩn châu Âu có tham khảo tiêu chuẩn các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, cần xây dựng tiêu chuẩn chung về cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn năng lượng, đầu máy toa xe và tiêu chuẩn về phương thức lấy điện, hệ thống điều khiển, thông tin tín hiệu kết nối với trung tâm điều hành OCC.

Cùng với việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đường sắt đô thị, Chính phủ, ngành giao thông cũng cần có phương án đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, có kiến thức sâu về đường sắt đô thị hiện đại để có thể vận hành, khai thác và bảo trì hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai.

Tận dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật về đường sắt đô thị của các quốc gia trên thế giới, có điều chỉnh tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội trong nước là con đường ngắn nhất giúp Việt Nam sớm làm chủ động về mặt công nghệ, kỹ thuật xây dựng đường sắt đô thị.

Mặt khác, thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ giúp tiệt kiệm chi phí xây dựng và vận hành đường sắt đô thị, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị và tạo cơ hội phát triển công nghiệp phụ trợ của đường sắt đô thị (sản xuất các đầu máy toa xe, các đường ray, đường hầm), tăng tỷ lệ nội địa hóa và tạo cơ hội xuất khẩu các trang thiết bị, công nghệ làm đường sắt đô thị trong tương lai.