Xuân hy vọng đang về theo tiếng còi tàu

Những công nhân thợ máy tất bật trong xưởng sửa chữa, bảo trì những đầu máy “Đổi mới” cho kịp cuối năm những đoàn tàu nối toa hú còi vang khắp mọi miền đất nước, báo hiệu một mùa xuân mới đang về.

 

VIDEO: TIẾNG CÒI TÀU PHÁT TÍN HIỆU MÙA XUÂN

Những ngày cuối tháng 12/2021, phân xưởng sửa chữa của Xí Nghiệp đầu máy Sài Gòn tất bật cho những công đoạn nghiệm thu, bảo trì các đầu máy. Một năm đầy vất vả vì dịch bệnh COVID-19, công xưởng tưởng chừng nằm im 3 tháng. Vậy mà khối lượng công việc đã tăng ở 45% công suất ở những tháng cuối năm.

Đơn vị phụ trách sửa chữa, thăm khám, bảo trì cho 36 đầu tàu, đảm bảo cho sức kéo, từng chuyến tàu bon bon trên đường ray Bắc - Nam cả ngàn cây số an toàn.

Với 65 nhân sự từng làm việc 3 tại chỗ đợt dịch, và tăng tốc khi cuộc sống bình thường mới, giờ đây những đầu máy cuối cùng bắt đầu đã duy tu xong đưa vào khu vận dụng.

Trên phân xưởng rộng gần cả nghìn m2, tiếng còi tàu, tiếng động cơ xình xịch rộn rã, trên khuôn mặt, bàn tay từng công nhân lem luốc vết nhọ dầu nhớt. Họ cầm cờ-lê, mỏ lết siết từng con ốc, rọi đèn kiểm tra từng mối nối pu-lông, phanh hãm và nếu có đầu máy có “bệnh”, họ chính là bác sĩ “giải phẫu”.

Công việc gần như tỉ mỉ đến từng chi tiết và nhịp độ có phần hối hả hơn khi Tết đang cận kề.

Thợ động cơ Nguyễn Văn Tuấn rọi đèn khám xét những mối nối

Thợ động cơ Nguyễn Văn Tuấn đã có hơn 20 năm trong nghề cẩn thận rọi đèn khám xét những mối nối xem có bị chảy và rò rỉ nhiên liệu cho một đầu máy chở hàng 1300 mã lực.

“Mình phải kiểm soát hết tất cả các chi tiết, khớp nối. Sau khi khám nguội xong là mình kiếm tra hết lại và chuyển sang khám nóng nổ máy, khám lại hết đường hệ thống nhiêu liệu, nhớt, hệ thống nước… Nếu hư hỏng, bị chảy mình siết thêm hoặc phải tháo ra tìm nguyên nhân vì sao vì nó chảy. Một thì thay cái khác hai là khắc phục lại vị trí hư…”, Anh Tuấn chia sẻ công việc thường ngày.

Ông Hoàng Văn Phương, quản đốc sửa chữa đầu máy Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn cho biết, bình quân, đơn vị nhận sửa chữa, bảo dưỡng 34 đầu máy đổi mới. Trung tuần tháng 8, chỉ có khoảng 14 đầu máy vận dụng. Mặc dù số lượng đầu máy giảm, nhưng đến kỳ hạn vẫn phải thực hiện bảo dưỡng và sửa chữa.

Đi lên từ thợ điện máy rồi giờ là quản đốc, ông Phương đã quá thân thuộc với những đầu máy D19E – Đổi Mới, nó như một đứa con tinh thần của tập thể xí nghiệp.

---

Ông Phương bộc bạch: “Đầu máy là một sản phẩm, một đứa con tinh thần của mình, mình gắn trách nhiệm đó ngoài cái trách nhiệm với nó và cũng là cái duy trì cuộc sống của mình. Cho nên, buộc chúng ta cần phải quan tâm từ những ngóc ngách, con bu-lông, ốc vít, người này soi người kia soi, rất nhiều người kiểm tra. Để cái máy không bị tồn sót một cái gì, để đi ra ngoài đường vận dụng cho tốt”.

Ông Vũ Đức Thắng, giám đốc Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn nhìn lại một năm đầy khó khăn của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là ngành đường sắt. Dịch bệnh cũng tác động sâu sắc, nặng nề đến xí nghiệp.

Ông Thắng chia sẻ: “Năm 2021 chúng tôi tập trung ngoài công việc phục vụ vận tải đường sắt, chúng tôi cũng phối hợp với nhà thầu Hitachi để bảo dưỡng đoàn tàu Metro tuyến Bến Thành - Suối Tiên. Từ đó, xí nghiệp có thêm công ăn việc làm có thêm thu nhập cho người lao động, đồng thời cũng tiếp cận công nghệ mới”.

Những đầu máy chất lượng vận hành tốt trên đường sắt Bắc - Nam là thành quả thầm lặng từ sự đam mê của những thợ máy sửa chữa đầu tàu

45 năm đã trôi qua, để có được những đầu máy chất lượng vận hành tốt trên đường sắt Bắc - Nam là thành quả thầm lặng từ sự đam mê của những thợ máy sữa chữa đầu tàu.

Bao mùa Xuân dân tộc, đoàn tàu “Thống Nhất” và đầu tầu “Đổi Mới” từng là biểu tượng cho một mùa xuân hy vọng và đoàn kết.

Khi từng chuyến tàu hú còi ghé các sân ga như một tín hiệu báo một mùa xuân hy vọng đang về, một năm đi qua bão giông của đại dịch.

Giờ đây, đoàn tàu ấy lại một lần nữa như biểu tượng cách đây 45 năm, những chuyến tàu nối liền non sông một dải.

Tiếng còi tàu vang vọng từ công xưởng… chuẩn bị cho một hành trình báo hiệu mùa Xuân.