Xử nghiêm người đi bộ “phớt lờ” cầu bộ hành: Cần duy trì thường xuyên

Trước tình trạng nhiều người tự ý băng qua đường, không sử dụng cầu bộ hành, ảnh hưởng đến giao thông đô thị, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, xử phạt để thay đổi thói quen băng cắt qua đường tùy tiện của người đi bộ.

 

Việc người đi bộ ''ngó lơ'' cầu bộ hành diễn ra rất phổ biến. Hình ảnh được ghi nhận tại phố Chùa Bộc, đoạn qua Học viện Ngân hàng.

Có mặt trên phố Chùa Bộc trong giờ tan tầm, phóng viên VOV Giao thông ghi nhận lượng người đi bộ băng cắt qua đường tùy tiện và người sử dụng cầu bộ hành tương đương nhau.

Ở những tuyến đường lân cận với mật độ phương tiện đông đúc như: Thái Hà, Tây Sơn, Nguyễn Trãi…cũng phổ biến tình trạng người đi bộ “ngó lơ” cầu bộ hành, thậm chí trèo qua dải phân cách để sang đường, bất chấp nguy hiểm.

Về lý do không sử dụng cầu dành cho người đi bộ dù chỉ cách vài bước chân, Lê Mạnh Quyền, sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết: "Với em thì cầu vượt này thì thực sự là cách an toàn hơn, nhưng nó sẽ mất thời gian hơn, đặc biệt với người có việc bận mà vẫn phải đi bộ, thì họ băng qua đường là nhanh nhất. Theo em tính toán thì thời gian chờ đèn đỏ ở khu vực này nó nhanh hơn đi bằng cầu vượt, nên em quyết định chọn đi bộ băng qua đây".

Hàng rào trên dải phân cách và dòng xe đông đúc buộc người đi bộ sử dụng cầu bộ hành, hạn chế tình trạng sang đường tùy tiện. Hình ảnh ghi nhận trên phố Tây Sơn.

Hiện nay, khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, hướng dẫn người dân đi đúng phần đường, không gây trở ngại cho các phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, số lượng người vi phạm quá nhiều khiến việc xử lý là không xuể:

"Không chỉ thanh niên đâu, kể cả nhiều lứa tuổi cũng chủ quan, nói nặng hơn là thiếu ý thức. Băng qua đường rất dễ bị ngã, hoặc làm người ta đánh tay lái, va vào người khác. Các cơ quan chức năng đã làm rất nhiều rồi, nhưng lượng người qua đông cho nên không thể làm được".

Trước tình trạng nhiều người tự ý băng qua đường, không sử dụng cầu bộ hành, ảnh hưởng đến giao thông đô thị, ông Trần Hữu Bảo, phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với các đơn vị chức năng của Công an thành phố, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp mang tính cưỡng chế như lắp hàng rào, trồng cây xanh tại dải phân cách để ngăn chặn vi phạm.

Hà Nội hiện có 70 cầu bộ hành, đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

TS. Phan Lê Bình, chuyên gia về hạ tầng giao thông nhấn mạnh vai trò của công tác kiểm tra, xử phạt để thay đổi thói quen băng cắt qua đường tùy tiện của người đi bộ: “Việc băng qua đường một cách bừa bãi tùy tiện vẫn bị xem nhẹ. Nếu bị phạt, chắc chắn người ta sẽ phải suy nghĩ khi băng qua đường. Thứ hai, chúng ta phải có trách nhiệm làm hầm đi bộ hấp dẫn hơn, như cho phép người bán hàng nhỏ kinh doanh trong hầm, vừa tạo nơi mua sắm, vừa có người trông coi và quan sát, giúp hạn chế hiện tượng trấn lột, mất an toàn trong đó”.

Bên cạnh đó, người tham gia giao thông kiến nghị cần lắp đặt thêm camera tại các vị trí gần cầu vượt và hầm bộ hành để tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm: "Người ta sai như thế và chỉ sợ lực lượng chức năng thôi thì có thể sử dụng camera để nhận diện và xử lý. Cộng đồng cũng cần lên án những người như thế này, vì ý thức của họ mà làm ảnh hưởng đến những người khác".