Xử lý xe máy cũ nát, cần mạnh tay hơn nữa

Dẫu biết việc mưu sinh của những người dân nghèo sau đại dịch vẫn còn lắm bấp bênh, nhưng không thể để việc mưu sinh của mỗi cá nhân gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người xung quanh. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 
Nhiều phương tiện cá nhân không được bảo trì, bảo dưỡng đúng niên hạn khiến lượng khí thải ra môi trường tăng cao. Ảnh nh họa

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT TP.HCM, đến cuối năm 2020 có khoảng hơn 7,6 triệu xe máy. Trong đó có nhiều phương tiện cá nhân không được bảo trì, bảo dưỡng đúng niên hạn khiến lượng khí thải ra môi trường tăng cao với mức độ độc hại ngày càng nghiêm trọng.

Rõ nhất là lớp bụi trắng xóa xuất hiện trong không khí hàng ngày. Bên cạnh việc ô nhiễm môi trường, thì những chiếc xe quá niên hạn còn được độ, chế lại nhằm vận chuyển hàng hoá.

Hình ảnh những chiếc xe máy với hàng chục năm “tuổi thọ” rỉ sét, không đèn chiếu sáng, không xin nhan, không gương chiếu hậu, nguy hiểm hơn là hệ thống phanh không đảm bảo chở theo những hàng hóa khổng lồ như: Ống sắt, thép cồng kềnh, bình ga, đá cây,… khiến người tham gia giao thông khi gặp các phương tiện này không ít lần phải "hú vía”.

Và đây cũng là nỗi ám ảnh chung của người tham gia giao thông.

Dù biết rằng những mối nguy hiểm vẫn luôn hiện hữu, nhưng việc mưu sinh của nhiều người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phụ thuộc rất lớn vào các phương tiện đã cũ nát này.

Anh Trần Hoài Sang, một người làm nghề giao đá cây trên nói về những khó khăn: “Nói về mặt kết cấu an toàn thì xe này không đảm bảo, nhưng bây giờ đầu tư một chiếc bán tải giá vài trăm triệu. Nên người dân lao động nghèo sẽ bỏ số tiền 4 - 5 triệu, 5 -6 triệu để dùng xe không đảm bảo an toàn. Thì em cũng đặt tính mạng em lên trên đó mà, em biết là nó không an toàn nhưng em buộc vì kế mưu sinh. Nói thiệt là vì nhu cầu cuộc sống em buộc phải đặt tính mạng của em lên trên đó, nó tiện lợi giá thành rẻ phải chăng.” .

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi TP.HCM thực hiện cuộc sống bình thường mới, đặc biệt là hiện nay vào khoảng thời gian cận tết, nhu cầu vận chuyển hàng hoá của các hộ kinh doanh lớn nhỏ tăng cao, đồng nghĩa với sự xuất hiện của các phương tiện thô sơ cũ nát, quá niên hạn được độ chế chở hàng hoá cồng kềnh cũng tăng theo. 

Trước tình trạng này, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng ban Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, cũng đã gửi văn bản đề nghị đảm bảo an toàn giao thông trước trong và sau dịp Tết Nguyên đán tới phòng Cảnh sát giao thông, Đường bộ, Đường sắt công an TP.HCM, phòng CSGT TP. Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các phương tiện này. 

“Các vấn đề này, Ban ATGT TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo, trong thời gian sắp tới qua thời gian theo dõi đánh giá tình hình chắc chắn sẽ có chỉ đạo quyết liệt hơn, để làm sao đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau đợt Tết Nguyên đán”.    

Càng nguy hiểm hơn khi các phương tiện này vận chuyển hàng hóa cồng kềnh. Ảnh nh họa

Mặc dù việc cấm các phương tiện thô sơ 3 - 4 bánh tự chế, xe quá niên hạn trong nội đô thành phố đã được thực hiện nhưng những phương tiện này vẫn xuất hiện nhan nhản trong nội đô thành phố. Nhằm khắc phục tình trạng này triệt để, và hướng tới mục tiêu năm 2025 sẽ cấm hoàn toàn loại phương tiện này hoạt động trong các tuyến đường nội đô, Ban ATGT TP.HCM đã chỉ đạo các sở ban ngành nghiên cứu các phương án phối hợp từ các sở ngành để khuyến khích, tuyên truyền, vận động để đối tượng này chuyển đổi ngành nghề trong thời gian sắp tới. 

“Tuy nhiên,  thực tiễn trong quá trình xử lý, người sử dụng phương tiện này đa phần là bộ phận người dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn phải sử dụng các phương tiện này để mưu sinh. Việc xử lý cũng có những khó khăn nhất định. Các hướng thì các cơ quan cũng đã bàn tới, hiện nay TP.HCM cũng chỉ đạo là nghiên cứu các phương án phối hợp của các sở ngành để chúng ta có thể vận động tuyên truyền và giúp các đối tượng này chuyển đổi ngành nghề trong thời gian sắp tới”, ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng ban Ban An toàn giao thông TP.HCM nói.

Nhìn vào thực tế thì tình trạng xe cơ giới cũ nát đã không còn là vấn đề quá mới. Dù các Sở, ngành đã quyết liệt xử lý trong suốt nhiều năm qua nhưng đến nay vấn đề này vẫn còn nan giải.

Để giải quyết triệt để hiệu quả vấn đề này, cần lắm các Sở, ngành liên quan “ngồi lại” trao đổi với nhau nhiều hơn, từ đó nắm bắt và cập nhật thường xuyên những vướng mắc còn tồn đọng để phối hợp nhịp nhàng hơn.

Tuy nhiên việc vào cuộc của ngành chức năng là chưa đủ, ý thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông và đặc biệt là đối với những phương tiện cơ giới cũ nát cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Dẫu biết việc mưu sinh của những người dân nghèo sau đại dịch vẫn còn lắm bấp bênh, nhưng không thể để việc mưu sinh của mỗi cá nhân gây nguy hiểm đến tính mạng cho những người xung quanh.