Nghị định 168/2024 của Chính phủ, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Với việc tăng mạnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông, nghị định này không chỉ nhằm mục tiêu răn đe mà còn hướng đến việc thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Mức phạt tăng nặng, đánh vào ví tiền của người dân nên không có gì là khó hiểu khi ngã tư, điểm chờ đèn ở nhiều tuyến phố dần ngăn nắp, trật tự.
Đặc biệt, TNGT đã giảm rõ rệt sau 2 tháng thực hiện Nghị định 168, trong đó giảm gần 30% về số vụ và giảm hơn 41% số người bị thương đã phần nào cho thấy tác động của nghị định này. 2 tháng đầu năm, số người tử vong do TNGT cũng giảm 244 người, nghĩa là mỗi ngày có thêm hơn 30 người trở về nhà an toàn.
Mặc dù vậy, đâu đó trên đường tình trạng vượt đèn đỏ tiếp tục xuất hiện, lấn làn, đi ngược chiều không còn là chuyện hiếm, tình trạng vi phạm trên cao tốc, như: đi vào làn khẩn cấp trên cao tốc, đi lùi, đi ngược chiều… nhất là từ đầu tháng 3 đến nay, khi việc duy trì TTATGT trên đường chỉ phụ thuộc vào lực lượng CSGT, không còn lực lượng thanh tra giao thông và CSGT của các quận huyện.
Nghị định 168 đã tạo ra hiệu ứng tích cực, nhưng để đảm bảo hiệu quả lâu dài, việc duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm là vô cùng quan trọng. Việc duy trì sự hiện diện của lực lượng chức năng trên đường là rất cần thiết, tạo sự răn đe đối với những hành vi vi phạm tiềm ẩn. Đồng thời, việc xử lý nghiêm các vi phạm cũng góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, khẳng định rằng mọi hành vi vi phạm đều sẽ bị xử lý công bằng và nghiêm nh.
Vừa qua, một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên đã tăng cường sử dụng hệ thống camera để giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm. Các hành vi như vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, dừng đỗ sai quy định được ghi nhận và xử lý.
Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong giám sát và xử lý vi phạm giao thông đã trở thành xu hướng tất yếu.Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong giám sát và xử lý vi phạm giao thông đã trở thành xu hướng tất yếu. Bởi vậy, cùng với việc xử lý, xử phạt của lực lượng CSGT trên đường một cách thường xuyên, liên tục, cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ để tăng khả năng giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm theo hình thức trực tiếp hoặc “phạt nguội”.
Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong điều hành và xử lý vi phạm giao thông đã và đang được triển khai, không khó để hệ thống tự động phát hiện các vi phạm giao thông, thậm chí tự động các định hành vi vi phạm để trích xuất thông tin, gửi đến chủ xe vi phạm.
Cùng với việc cập nhật, làm sạch thông tin trên hệ thống VNeID, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể thông báo cho người vi phạm thông qua hệ thống dữ liệu này chỉ trong thời gian ngắn. Cần ràng buộc trách nhiệm của chủ xe mạnh mẽ hơn để xử lý được ngay cả khi biển số chưa định danh.
Khi người tham gia giao thông nhận thấy bất cứ hành vi vi phạm nào cũng có nguy cơ bị phát hiện và xử lý, thậm chí bị nhận phiếu phạt tức thời, chắc chắn hành vi khi tham gia giao thông sẽ thay đổi, họ sẽ cân nhắc thiệt hơn, trước khi vi phạm.
Nghị định 168 đã bước đầu chứng nh hiệu quả trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bền vững, cần quyết liệt, quyết tâm trong thực hiện. Khi đã dùng đến liều thuốc “rất đắng” mà không bám sát phác đồ, liều lượng thì chẳng những bệnh không khỏi, mà hậu quả sẽ nguy hại, khó lường. Nghị định 168 liên quan đến an toàn của cả xã hội, vì thế, khả năng này không được phép xảy ra./.