Xu hướng đón Tết của GEN Z

Với sự hỗ trợ của công nghệ, thay vì "ăn Tết", giới trẻ ngày nay chuyển sang "chơi Tết". Họ tận dụng sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ để thuận tiện hóa mọi thứ, tập trung nghỉ ngơi, thư giãn. Đồng thời, công nghệ cũng trở thành công cụ đắc lực thu hẹp các vấn đề khoảng cách và giao tiếp xã hội.

 

Với sự hỗ trợ của công nghệ, thay vì "ăn Tết", giới trẻ ngày nay chuyển sang "chơi Tết". Ảnh: cafef.vn

“Tết là thời điểm mọi người sum họp, gác lại mọi công việc. Có các bạn trẻ ngày nay thì Tết là dịp nghỉ ngơi đi chơi, mỗi người có một quan niệm khác nhau.

"Tết là một mốc làm mới lại bản thân và cuộc sống của mình và cũng là thời gian mình dành cho gia đình nhiều nhất như dọn dẹp nhà cửa, mua sắm Tết".

"Quan điểm của mình là Tết là dịp cả nhà bên nhau vì hiếm khi mọi người cùng nghỉ. Nên dù ăn Tết ở nhà hay đi du lịch với mình đều ổn hết không nên gò bó nhau làm gì.”

PV: Xin chào bạn, bạn có thể giới thiệu bản thân cho các thính giả của VOV Giao thông cùng biết?

Xin chào quý thính giả của VOV Giao thông và mình là Thanh Nga, mình là chủ kênh Tiktok Himhim Chanel và hiện tại kênh của mình đang sở hữu vài nghìn lượt đăng ký.

PV: Với một người trẻ năng động như Thanh Nga thì Tết trong bạn được định nghĩa như thế nào?

Với mình thì Tết không chỉ đơn giản là một ngày lễ mà Tết là ngày mà mình được quay trở về và sum vầy cùng gia đình.

PV: Những năm gần đây, Thanh Nga đón Tết có điều gì đặc biệt?

Mình nhớ nhất là năm vừa rồi vì dịch Covid 19 nên cả gia đình mình đều không ra ngoài để có thể đi xem bắn pháo hoa được. Nhưng mà lúc đấy ngẫu hứng, tất cả các hàng xóm của nhà mình đều mua pháo hoa về và cùng bắn. Tất cả cùng chạy ra ban công để đón khoảnh khắc giao thừa.

Mình cảm thấy đón giao thừa cùng với xóm làng của mình cũng rất đặc biệt bởi trong lúc khó khăn, bệnh dịch thì mọi người vẫn nhớ đến nhau và cùng nhau tạo ra những cái khoảnh khắc đặc biệt như thế.

PV: Thanh Nga thích điều gì ở Tết?

Tết thì mình thích được ăn những cái món ăn đặc trưng ngày Tết như là bánh chưng, dưa hành hay thịt bò khô, chỉ những điều đơn giản như thế.

PV: Còn những điều không thích ở Tết thì sao nhỉ?

Tết là một dịp sum vầy nhưng mà đến Tết thì tất cả họ hàng hay là bạn bè của bố mẹ mình cũng đến thăm rất là nhiều và mọi người thì thường hay hỏi là bao giờ lấy chồng rồi bao giờ có người yêu hoặc là những câu lương một tháng bao nhiêu. Đấy! Mình rất là đau đầu về những cái vấn đề đấy và không muốn trả lời.

PV: Câu trả lời của Thanh Nga làm Quang Đức bật cười vì nhớ đến bài hát quốc dân “Bao giờ lấy chồng” của Bích Phương đấy. Câu hỏi bao giờ lấy chồng như một điệp khúc mỗi dịp Tết đến, Xuân về ấy nhỉ. Vậy thì còn cái Tết trong mong muốn của Thanh Nga thì sao, bạn muốn đón một cái Tết như thế nào?

Đơn giản, mình muốn đón một cái Tết mà có đầy đủ các thành viên trong gia đình và được ăn những cái món ăn truyền thống đặc trưng và cũng không phải cầu kỳ, rườm rà mà mọi người có thể ở nhà và thưởng thức không khí ngày Tết thôi.

PV: Nếu một ngày không còn có Tết, Thanh Nga sẽ cảm thấy như thế nào?

Mặc dù Tết mọi người cần rất nhiều thời giờ để sửa soạn nhưng mà nó cần phải có, đó là ngày mọi người bỏ mọi mệt mỏi, công việc để về nhà cùng nhau đón một năm mới. Tất nhiên phải có trong đời. Nếu không có Tết thì không còn nét đặc trưng của Việt Nam.

PV: Cảm ơn cuộc trò chuyện nhanh cùng Thanh Nga. 

Nhiều bạn trẻ tranh thủ ngày cuối năm đi chụp một bộ hình đón xuân mới.

Với thế hệ 7x, 8x, đâu đó có thể nghe tiếng than “Tết bây giờ sao nhạt”, “Tết xưa vui hơn” và hoài niệm về cái Tết xưa cũ đầy kỷ niệm. Trong khi đó, người trẻ lại bị dán nhãn thờ ơ, vô tâm với Tết cổ truyền. Vậy thực sự, Tết với gen Z có mờ nhạt và kém hấp dẫn?

Những ngày cuối năm, dạo quanh một vòng chợ hoa Hà Nội, không khó để ta bắt gặp những bạn trẻ tranh thủ ngày cuối năm đi chụp một bộ hình đón xuân mới hay đang cùng bố đi sắm lấy cành đào, cây quất về trưng. Ở một góc tấp nập khác, trong các siêu thị, người trẻ cũng nô nức rộn ràng mua sắm chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy. Người trẻ không đứng ngoài không khí hân hoan đón chờ mùa xuân mới.

Vài năm nay, trải qua một thời gian khó khăn bởi đại dịch Covid-19, xu hướng đón Tết của các bạn trẻ dường như cũng có những sự thay đổi.

Thay vì mong muốn tụ tập cùng bạn bè như mọi năm, Hải Anh (19 tuổi, quê ở Nam Định) lại muốn dành thời gian nhiều hơn ở nhà cùng gia đình: “Năm nay, được nghỉ về quê ăn Tết sớm, lại không đi ăn tất niên cùng bạn bè như mọi năm, trước Tết, mình giúp bố mẹ dọn nhà cửa, tập gói bánh chưng. Trong những ngày Tết, mình học mẹ chuẩn bị mâm cỗ Tết. Mình thấy, khoảng thời gian này là cơ hội để mình tìm lại những giá trị truyền thống mà bản thân đã lãng quên”.

Tết thời 4.0, người trẻ vẫn trân quý tìm về những giá trị cổ truyền như một cách tôn vinh, lưu giữ văn hóa dân tộc. Tuy nhiên giới trẻ hướng đến sự tối giản, không cầu kỳ lễ nghi để tập trung vào những giá trị tinh thần, đồng thời chú trọng nghỉ ngơi, tận hưởng sau một năm bận rộn với "cơm, áo, gạo tiền".

Với những người trẻ hiện đại, quỹ thời gian để đi du lịch thật sự là một định nghĩa xa xỉ. Vậy nên không có gì bất ngờ khi những năm gần đây, xu hướng tranh thủ kì nghỉ Tết để đi chơi xa cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Bảo Thanh – 20 tuổi bộc bạch: “Nghỉ Tết bằng cách đi du lịch cũng là cách để chúng ta chọn cho mình một khởi đầu hoàn hảo để chuẩn bị vào đường đua mới. Tết là dịp thích hợp để bạn tách mình ra khỏi cái không khí căng thẳng thường trực của cuộc sống và tìm cho mình những cảm xúc, năng lượng và tinh thần mới.”

Cùng nỗi lòng với Bảo Thanh, cậu bạn Anh Dũng – 21 tuổi giải thích rõ hơn: "Một điểm cộng khác không thể không nhắc đến khi du lịch dịp Tết đó là các loại chi phí đều hợp lí và ổn định. Do không phải mùa du lịch nên bạn dễ dàng tìm được mức giá tốt cho hầu hết mọi dịch vụ từ di chuyển, lưu trú cho đến ăn uống, vui chơi.".

Người trẻ hiện đại, không ngại đổi thay. Vẫn giữ linh hồn là tinh thần Tết cổ truyền nhưng người trẻ không ngại bước qua những khuôn khổ truyền thống, những “lối mòn” của Tết cũ để phù hợp với thời đại mới, nhịp sống mới.

Là một công dân "thời đại số", Mai Uyên (22 tuổi, TP.HCM) cho biết cách bản thân sắm sửa, chuẩn bị cho những ngày đầu năm mới hoàn toàn khác so với mẹ mình trước kia: “Ngày trước, cứ tầm 24 Tết là mẹ phải dậy sớm để đi chợ, chen chúc hàng giờ liền để mua sắm, mang nhiều tiền đi lại giữa chợ đông đúc, mẹ cũng sợ rơi rớt hoặc kẻ gian lấy mất. Còn nay, mình chỉ việc ngồi nhà, lướt các sàn thương mại điện tử là đã có thể mua mọi thứ sau đó thanh toán online. Vừa tiết kiệm được thời gian, sức lực, vừa không cần phải lo lắng chuyện mất tiền."

Không chỉ dừng lại ở mua sắm hay thanh toán, Tết của người trẻ còn mới mẻ cả trong việc lì xì. Ngày nay người trẻ đã có những cách gửi thiệp lì xì số nhanh gọn mà vẫn thú vị và gây bất ngờ cho người được nhận lì xì.

"Mọi năm, gia đình mình thường chạy đôn chạy đáo khắp nơi đổi tiền lẻ mới để lì xì. Bây giờ, mình mừng tuổi người thân, bạn bè bằng cách gửi thiệp lì xì qua ứng dụng của ngân hàng hoặc ví điện tử. Mình có thể tự chọn những con số đẹp nào cũng được, vừa mới lạ nhưng vẫn lại giữ gìn được truyền thống cũ theo cách mới.”

Công nghệ lên ngôi, khoảng cách được xóa nhòa, việc chúc Tết của người trẻ cũng ít nhiều đổi khác. Bạn Khánh Nam du học sinh ở Pháp chia sẻ: “Năm nay, vì kinh tế khó khăn giá vé về nước cũng đắt đỏ và Tết nguyên đán lại trùng với lịch thi của mình nên mình cũng không thể về nước. Mình lựa chọn cách gửi thiệp chúc tết Online cho bạn bè và gia đình, ngoài ra mình gọi điện video về nhà cả ngày, nói chuyện cả với ông bà, và tận hưởng một chút không khí Tết qua màn hình.”

Có thể thấy, với sự hỗ trợ của công nghệ, thay vì "ăn Tết", giới trẻ ngày nay chuyển sang "chơi Tết". Họ tận dụng sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ để thuận tiện hóa mọi thứ, tập trung nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn. Đồng thời, công nghệ cũng trở thành công cụ đắc lực thu hẹp các vấn đề khoảng cách và giao tiếp xã hội.

Tết trong tâm hồn gen Z vẫn mang đậm tinh thần Tết xưa và còn làm giàu thêm những giá trị văn hoá Việt trong nhịp sống hiện đại ngày nay.