Xóm trọ trước thềm Xuân (Bài 1): Tết chưa về xóm trọ

Hơn 32 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, trong đó nhiều công nhân tại các khu công nghiệp bị mất việc, nghỉ giãn việc, luân phiên, giảm giờ làm, thu nhập.

VOV Giao thông khởi đăng loạt phóng sự “Xóm trọ trước thềm xuân” ghi nhận thực trạng đời sống của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này, những giải pháp sáng tạo, hỗ trợ từ doanh nghiệp, đoàn thể giúp họ thắp lên hy vọng khi Tết đã cận kề.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Ảnh nh họa - Báo Lao động

Trong căn trọ chưa đầy 15m2 ở Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, chị Lê Thị Thảo đang lúi húi chuẩn bị cơm tối. Thực đơn của cặp vợ chồng với con nhỏ khá đạm bạc, gồm 2 con cá chiên, rau muống luộc với canh.

Gần 1 năm nay, chồng thất nghiệp, cả nhà “vin” vào đồng lương công nhân lắp máy - 5 triệu mỗi tháng của chị.

Chạy vạy lo ăn từng bữa quá khó khăn nên 2 năm nay, chị Thảo không về quê Quảng Bình ăn Tết: “Con em phải đi học nữa, rồi tiền phòng trọ nhiều thứ, nếu đổ dồn vào mất ngày Tết thì ngày thường lấy chi ăn”   

Đồng cảnh ngộ, với anh Nguyễn Văn Phan, quê Kon Tum, nhắc đến Tết lại chạnh lòng. Ăn vội suất cơm hộp sau tan ca ở khu công nghệ cao Thủ Đức, anh chia sẻ, dịch bệnh ập đến, công ty cũ buộc cắt giảm nhân sự khiến anh thất nghiệp ròng rã 3 tháng. Hiện mới xin vào làm chỗ mới, nhưng anh Phan không thuộc diện được nhận lương tháng 13, coi như mất Tết.   

“Buồn, năm nay kinh tế không có. Với lại công việc không ổn định, không được về nhà. Mình ở lại kiếm việc gì làm Tết, khi nào làm được, ra mua vé xe giảm rồi về”, anh Nguyễn Văn Phan nói.

Con số tương tự cũng là tình trạng ở Bình Dương.   

Khu vực ền Bắc dù ít khu công nghiệp hơn, song vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch.   

Nằm sâu trong con đường nhỏ hun hút tại Tổ 3, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội là dãy nhà trọ công nhân khu công nghiệp Quang Minh.

Nơi đây có một căn trọ đặc biệt, chỉ 20m2 nhưng là chỗ che mưa nắng của 5 người. Gương mặt phờ phạc, anh Phùng Viết Phương vừa thay áo sau ca tối muộn, vừa kể: "Gia đình anh có bố mẹ già, con bị bệnh bại não. Cuộc sống không có dịch bệnh thì lương cũng chỉ đủ sống, không có đồng dư. Bây giờ có dịch thì ít đi, ảnh hưởng nhiều. Cháu sinh ra bị bại não, sức khỏe yếu, hay phải đi viện, phải có người chăm, phục vụ 24/24”.

Gần phòng trọ của Phương là nơi ở của chị Phan Thị Vân (36 tuổi, quê Vĩnh Phúc). Nhìn dáng vẻ khắc khổ, lam lũ của chị, thật khó có thể đoán được chính xác tuổi của chị. Chị Vân chia sẻ, chồng chị bị suy thận cấp độ 4, nên chị là nguồn thu nhập chính của gia đình. Hàng ngày, vừa đi làm công nhân lắp ráp, vừa chăm sóc chồng và 3 người con. Cách đây hơn 2 năm, người con thứ hai bị phát hiện ung thư máu. Gánh nặng càng oằn lên vai người phụ nữ nhỏ bé này.

“Chồng tôi phải đi lọc thận tuần 3 buổi, phải nhờ bà hàng xóm bế cháu nhỏ để tôi đến công ty làm việc, cho thu nhập ổn định hơn một chút”, chị Phan Thị Vân cho biết.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cả nước có hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng ảnh hưởng nặng nề nhất là khoảng nửa triệu người, trong đó 200 nghìn người là công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Với những gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như vậy, Tết không chỉ là nơi ngóng trông lương thưởng, đó còn là sự chờ đợi, hy vọng vào một năm mới khấm khá hơn, bớt nhọc nhằn hơn.

Nhưng với tình hình dịch bệnh bất ngờ bùng phát trở lại, đặc biệt tâm dịch “tấn công” thẳng vào nhóm đối tượng công nhân như tại Chí Linh (Hải Dương), Đông Anh (Hà Nội), các công nhân lại một lần nữa sống trong thấp thỏm, âu lo.   

Có người không dám di chuyển về quê. Có người e ngại cơ hội đi làm thêm kiếm đồng ra đồng vào ngày Tết sẽ không còn. Người chấp nhận, sẽ lại một cái Tết lặng lẽ nữa vào năm nay.   

Không khí các xóm trọ công nhân như đang cố gắng lảng tránh thực tại: Tết sắp về.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: