'Xe ôm' công nghệ và tật xấu tùy tiện vượt đèn đỏ

Một thói quen xấu của các tài xế “xe ôm” công nghệ còn rất phổ biến, đó là vượt đèn đỏ tùy tiện. Hễ vắng bóng CSGT ở các giao lộ, hiện tượng này xảy ra thường xuyên.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 
Một thói quen xấu của các tài xế “xe ôm” công nghệ còn rất phổ biến, đó là vượt đèn đỏ tùy tiện. Ảnh: Zing

Cách đây khoảng hơn 1 năm, lực lượng CSGT ở các đô thị lớn từng mở đợt cao điểm xử lý vi phạm tập trung vào hành vi vừa đi đường vừa thao tác điện thoại của các tài xế “xe ôm” công nghệ.

Từ đó đến nay, vi phạm này đã giảm hẳn. Một phần vì hiệu quả tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, một phần do các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe cũng siết chặt quy chế về an toàn giao thông.

Mặc dù vậy, một thói quen xấu của các tài xế “xe ôm” công nghệ còn rất phổ biến, đó là vượt đèn đỏ tùy tiện. Trên đường phố Hà Nội, hễ vắng bóng CSGT ở các giao lộ, hiện tượng này xảy ra thường xuyên.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tâm lý chủ quan của họ. Đầu tiên là việc mất niềm tin vào trật tự xã hội. Tâm lý “thấy người khác vượt, mình cũng vượt” và “nếu không đi sai sẽ bị lấn đường, thiếu lợi thế”. Thứ hai, nó thể hiện tâm lý ích kỷ, coi bản thân vượt trên các chuẩn mực cộng đồng. Thứ ba và cũng rất quan trọng, những hành vi này ít bị trừng trị bởi pháp luật và không bị lên án mạnh mẽ bởi dư luận, thể hiện qua thái độ thỏa hiệp của hành khách với tài xế.

Khi hành khách không có ý kiến gì, họ sẽ cảm thấy thoải mái và tìm cách luồn lách, vượt đèn đỏ để đi nhanh hơn. Khi không ai nhắc nhở, cảnh báo, họ sẽ tiếp tục đi theo thói quen, vô thức làm theo tật xấu.

Thực tế, Nghị định 100 đã tăng mức gấp đôi mức xử phạt đối với xe máy vượt đèn đỏ, đèn vàng lên  600 nghìn đến 1 triệu đồng, tước bằng lái 1 đến 3 tháng. Đây là hành vi được xác định trong văn bản luật là lỗi vi phạm an toàn giao thông rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những tai nạn kinh hoàng.

Ngoài tài xế có nguy cơ bị xử phạt nặng, việc vượt đèn đỏ còn ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn sức khỏe, tính mạng của tài xế đó và chính hành khách.

Vì vậy, lên tiếng trực tiếp, đánh giá, góp ý tài xế trên ứng dụng là những công cụ thiết yếu để hành khách điều chỉnh hành vi tài xế, “nhắc nhở” các hãng xe, vừa bảo vệ an toàn cho bản thân.

Bên cạnh đó, cần những đợt cao điểm tập trung xử lý hành vi vượt đèn đỏ của cánh “xe ôm” công nghệ, nhằm “thức tỉnh” nhận thức của họ về một tật xấu khó bỏ trước khi vượt qua mỗi giao lộ./.

---

Mời các bạn nghe nội dung đầy đủ của chuyên mục Nhật ký đô thị tại đây: