“Xé luật”, đi tắt, có chắc về nhà sớm hơn?

Dưới thời tiết oi bức, tâm lý muốn đi nhanh, tới điểm đến sớm hơn là dễ hiểu. Cũng một phần vì mong muốn ấy, những hình ảnh “chạy nắng” tùy tiện ở một bộ phận người đi đường lại xuất hiện, như dừng chờ đèn đỏ dưới bóng cây, đi tắt, đi ngược chiều, lấn làn, leo lên vỉa hè.

 Câu chuyện điển hình ở ngã tư Sở, Hà Nội, nhiều chủ phương tiện cả xe máy lẫn ô tô đua nhau đi ngược chiều tại tất cả các điểm có thể, cốt để đi tắt về mọi hướng, không phải đi vòng xa hơn theo phương án phân luồng mới.

Kể cả sau khi cơ quan chức năng bố trí hàng rào người, dải phân cách cứng, thì tình trạng này vẫn xảy ra vào giờ cao điểm, khi dòng xe từ nhiều ngõ, phố nhỏ ùa ra đổ dồn về ngã tư này.

Vấn đề nằm ở chỗ, việc đi tắt, đi ngược chiều, đấu đầu với hàng nghìn phương tiện chưa chắc đã giúp người vi phạm luật giao thông tiết kiệm được thời gian.

Do hiệu ứng dono, nguyên nhân của một cơn ùn tắc, khiến tất cả xe cộ kẹt cứng, không thể nhúc nhích có thể chỉ khởi đầu bằng một chiếc xe đi sai phần đường hoặc ngược chiều.

Sai một ly đi một dặm, thời khắc quyết định đi tắt có thể là điểm bắt đầu của một hành trình dài hơn, khó hơn, nguy hiểm hơn phía trước.

Một người vi phạm làn ngược chiều, với mục đích đi tắt không phải đi vòng theo phương án phân luồng mới ở Ngã tư Sở (Hà Nội).

Ở góc nhìn người đi đường tại một đô thị ám ảnh với nạn ùn tắc, cần nhiều hơn sự cảm thông, chia sẻ với các nhà tổ chức giao thông. Chỉ khi người dân ủng hộ và tuân thủ, các phương án phân luồng mới có thể được đánh giá chính xác độ hiệu quả, đo lường được những bất cập để kịp thời điều chỉnh.

Khi hạ tầng là một khó khăn, khi thời tiết cực đoan là một thử thách, tính trách nhiệm trong lưu thông sẽ giúp vơi đi những nhọc nhằn trên đường.

Mỗi người chấp nhận đi xa hơn, từ bỏ sự tiện lợi cá nhân trước mắt, cả cộng đồng sẽ bớt những mệt mỏi, căng thẳng, lãng phí vì tắc đường.

Chuyện ở ngã tư Sở, hay được biết đến với cách gọi chệch đi – “Ngã tư Khổ”, “Khổ” ở đây vừa do sự khách quan, nhưng khổ cũng một phầndo  chính tính người đi đường làm khổ mình và làm khổ nhau.

Nếu một ngày, có người đi ngược chiều về nhà thành công và may mắn không bị xử phạt vi phạm, chắc hẳn, đằng sau đó là những tiếng thở dài, thậm chí chửi thề của các xe phải phanh gấp, nhường đường.

Về nhà sớm hơn bằng cách lấy đi thời gian, gây phiền hà, nguy hiểm cho người khác, đó không phải là cách đóng góp và xây dựng cho giao thông của thành phố này và trái ngược hoàn toàn với ứng xử của những người có văn hóa giao thông.