Xe đạp công cộng, sắp xếp lại các vị trí bãi đỗ để tiếp cận tốt hơn

Tháng 8/2023, UBND TP.Hà Nội phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 1.000 xe tại 79 điểm trên địa bàn các quận Ba Đình, Thanh Xuân, Tây Hồ… Sau một thời gian triển khai, người dân thấy sao về dịch vụ này?

11h trưa ngày 04/12, trạm xe đạp công cộng trước cổng trường  THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), có hơn 80% số xe đạp điện đã được người dân sử dụng. Theo phản ánh của một số người dân tại khu vực này, rất nhiều người dân sử dụng phương tiện xanh, sạch này:

"Khá nhiều ngưởi sử dụng xe đạp để đạp quanh Lăng Bác, hồ Tây. Học sinh không nhiều lắm, đa phần các bác, các cô chú hay đạp xe vào cuối tuần. Các bãi đỗ cũng ở gần các địa điểm người ta đi lại nhiều, khoảng cách vừa phải để đạp xe dạo quanh, cũng có chỗ vừa gửi lấy được dễ dàng. Nếu mà các trạm xe đạp gần các khu vực dân cư, thì đi ra bến xe buýt cũng dễ dàng hơn".

"Khách du lịch và học sinh cũng đi nhiều nhưng quảng bá thương hiệu chưa đến tai được người dân. Anh chẳng thấy quảng bá gì chỉ thấy người ta đi thôi".

Trạm xe đạp trên phố Phan Đình Phùng trưa ngày 4/12/2023 có tỷ lệ sử dụng cao

Bạn Minh Khôi, cũng khá hải lòng khi thường xuyên sử dụng xe điện công cộng ở một số trạm tại quận Đống Đa: "Dịch vụ xe đạp giúp ích khá nhiều, con có thể dùng chiếc xe đạp ở đây để đi về nhà. Những nơi có bãi đỗ xe thường nằm ở những đường lớn và rất là dễ có thể nhìn thấy được"

Tuy nhiên, một số vị trí trạm xe đạp điện chưa được bố trí gần một số bến xe buýt nhanh, hay tàu điện trên cao.

Em Bảo Anh, học sinh trường THCS Giảng Võ buổi sáng được mẹ đưa đến trường và buổi trưa sẽ tự đi về bằng xe buýt. Mặc dù, ngay trước cổng trường có trạm đỗ xe đạp công cộng nhưng Bảo Anh không thể sử dụng vì ở gần nhà ga xe buýt nhanh BRT không có bãi đỗ nào có thể gửi xe: "Con nghĩ là nếu mà có một bãi đỗ xe đạp gần bến xe buýt sẽ tiện hơn, cho đỡ phải đi bộ, đỡ mỏi chân".

Ghi nhận ý kiến của một số người dân, việc bố trí trạm xe đạp công cộng ở gần cổng Khu đô thị Ciputra, đường Võ Chí Công cũng chưa thật hợp lý. Nhiều người dân cảm thấy lo ngại khi đi xe đạp trên tuyến đường này do có lưu lượng phương tiện ô tô đông, di chuyển với tốc độ cao.

Trạm cho thuê xe đạp điện trên phố Trần Huy Liệu, Giảng Võ nằm cách khá xa các bến xe buýt nhanh BRT gần đó

Theo Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Giảng viên trường ĐH Giao thông vận tải, việc Hà Nội triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng đã góp phần cải thiện đáng kể đến việc kết nối với giao thông công cộng, rút ngắn được thời gian di chuyển. Tuy nhiên về lâu dài, theo ông Tuấn cần xem xét lại quy hoạch các trạm đỗ xe đạp phù hợp hơn:

"Để phát triển hệ thống xe đạp công cộng phù hợp và trở thành phương thức đi lại chính thì chúng ta cần phải xem xét, mở rộng và phát triển hệ thống này đặc biệt tích hợp với hệ thống vận tải công cộng và các điểm dừng đỗ của xe buýt,  tàu điện trên cao, đường sắt đô thị và tích hợp tại các điểm phát sinh nhu cầu lớn như các trung tâm hành chính, trung tâm thương mại dịch vụ".

Để thúc đẩy người dân sử dụng xe đạp nói riêng và giao thông công cộng nói chung, ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Trí Nam cho rằng cần phát triển đồng bộ 10 mô hình di chuyển xanh, gồm các mạng lưới: "Quy hoạch từ mạng lưới Metro, xe buýt, xe đạp, xe Scooter điện, phố đi bộ, đường dành cho người đi bộ. Chúng ta cũng phải quy hoạch lòng đường, vỉa hè để người có làn đường cho người đi bộ, đi xe đạp;  ở các tuyến metro phải có xe máy điện để người dân đi lại thuận tiện".

Theo thống kê của Công ty Trí Nam, từ tháng 12/2021 đến nay, có 105 trạm được kết nối với các bến xe buýt, BRT, metro với hơn 402.000 chuyến đi xe đạp, chiếm tỉ trọng 32,9% tổng số chuyến đi.