Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Nông nghiệp hữu cơ, mục tiêu 2025 của TP.HCM liệu có thể đạt được?

Nguyễn Sử: Chủ nhật 10/11/2024, 06:05 (GMT+7)

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích sản xuất hữu cơ sẽ chiếm khoảng 2,5 đến 3% diện tích sản xuất nông nghiệp. Giá trị gia tăng của sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thông thường khoảng 1,8 lần.

Điều này rất dễ bị gian thương lợi dụng, làm mất niềm tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sản phẩm. Do đó, hiện nay, nhóm người tiêu dùng thực phẩm hữu cơ thường chọn điểm mua hàng quen thuộc để tránh nguy cơ mua phải hàng giả. Vì vậy, phát triển sản xuất hữu cơ không chỉ cần tăng diện tích mà còn phải xây dựng thương hiệu, chuỗi tiêu thụ uy tín.

Như vậy, chỉ còn hơn một năm nữa để TP.HCM hoàn thành mục tiêu đề ra. TP.HCM làm gì để thực hiện mục tiêu, phóng viên VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới.

PV: Xin chào Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa. Hiện nay, TP.HCM cũng đã có kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025, theo đó diện tích sản xuất rau có thể đạt từ 50 - 60 hecta, và thời gian từ nay đến đó không còn nhiều. Vậy Tiến sĩ đánh giá kế hoạch này có khả thi hay không?

TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Khả thi vì cái mà chúng ta vạch ra là canh tác hữu cơ, hay là hữu cơ hóa cho nông nghiệp Việt Nam, đã được xác định từ lâu rồi. Điều này đã được thống nhất từ Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Bây giờ, điều quan trọng là cơ quan quản lý của TP.HCM, cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng với các tổ chức khuyến nông và các đối tác là các doanh nghiệp, cần phối hợp để xây dựng được chuỗi sản xuất này. Chắc chắn chúng ta sẽ làm được.

Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ

Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ

Tại TP.HCM, chủ yếu chúng ta vẫn trông vào cây rau màu, mà cây rau màu là cây ngắn hạn, cho nên nếu chúng ta quyết tâm, đến cuối năm 2025 vẫn có thể hoàn thành được. Về phía thủy sản và chăn nuôi, tập trung chủ yếu ở Cần Giờ, bảo đảm an toàn. Như vậy, tiềm lực của TP.HCM rất lớn, và nếu chúng ta có giải pháp đúng đắn và thực hiện một cách triệt để, nghiêm túc, thì chắc chắn sẽ thành công

PV: Như vậy, bên cạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chúng ta cần phải làm gì để xây dựng được chuỗi tiêu dùng hữu cơ đủ mạnh và phủ khắp thị trường, tạo niềm tin và sự thuận lợi cho người tiêu dùng?

TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Chúng ta cần phải kết hợp giữa hợp tác xã và các doanh nghiệp sản xuất với Sở Công Thương để thông qua hệ thống siêu thị, từ đó có thể tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cho người tiêu dùng tin tưởng và người nông dân có lợi.

Họ sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với sản xuất thông thường, và đầu ra sẽ ổn định hơn. Từ đó, sẽ giúp TP.HCM dần hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch. Giá trị gia tăng của chuỗi này đòi hỏi phải có sự liên kết; muốn đi xa, chúng ta phải đi cùng nhau.

PV: Vâng, xin cảm ơn Tiến sĩ đã dành thời gian cho VOV Giao thông cuộc trao đổi này.

Nguyễn Sử/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn