Xe 'đắp chiếu' hàng tháng trời, nhà xe cần bảo hiểm hỗ trợ

Gần như toàn bộ phương tiện kinh doanh vận tải khách phải nằm bãi, nhưng doanh nghiệp vẫn phải è lưng chịu phí bảo hiểm thân vỏ. Đây là lúc rất cần sự chia sẻ của bảo hiểm với khách hàng để cùng vượt qua khó khăn.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

 

Anh Bùi Văn Viết, đại diện nhà xe Minh Quý (Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho biết, đơn vị có hợp đồng vay vốn ngân hàng mua 7 phương tiện chở khách tuyến cố định. Khi vay vốn, một trong những điều kiện phía ngân hàng đặt ra là phải mua bảo hiểm thân vỏ. Hơn 3 tháng nay, gần như toàn bộ phương tiện phải “đắp chiếu" do ảnh hưởng của dịch COVID, nhưng nhà xe vẫn phải đóng khoản phí vô lý này:

“Một xe đắt nhất của phải mua tới 80 triệu/năm tiền bảo hiểm thân vỏ, chia cho 12 tháng, thì rơi vào 7 triệu đồng/tháng/xe. Nghĩa là xe tôi nằm ở nhà nhưng tôi vẫn mất tiền bảo hiểm thân vỏ khi không tham gia giao thông tôi vẫn mất, tôi mất trắng luôn tiền đó. Doanh nghiệp của em có 7 xe"

Ông Lê Anh Dũng, giám đốc doanh nghiệp vận tải Hà Sơn- Hải Vân (Lào Cai) cũng cho biết, mỗi tháng, đơn vị này mất khoảng 200 triệu tiền bảo hiểm cho 100 xe chở khách và xe trung chuyển, nhưng chưa hề có động thái nào của bên bảo hiểm về việc khấu trừ trong thời gian xe dừng hoạt động: “Đến giờ phút này chưa có một văn bản nào của Bảo hiểm hướng dẫn về việc kéo dài thời hạn bảo hiểm trong thời gian dịch, các phương tiện không hoạt động được, chưa có văn bản nào hết.”

Từ đầu năm 2021 đến nay, mọi hoạt động của doanh nghiệp chỉ là cầm chừng và gần như dừng hoạt động.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các hãng taxi. Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc hãng taxi G7 cho hay, với 800 xe taxi vay vốn ngân hàng, mức bảo hiểm khoảng 6-11 triệu đồng/năm, bình quân 500 nghìn đến 1 triệu đồng bảo hiểm thân vỏ/tháng/xe, khiến doanh nghiệp thiệt thòi không nhỏ

“Nếu rủi ro thấp thì Bảo hiểm cần đánh giá lại để mang lại những chính sách đảm bảo quyền lợi cho khách hàng,. Có thể kéo dài thời gian hoặc tính toán giảm phí hoặc bù trừ như thế nào đấy cho hợp lý", ông Nguyễn Anh Quân cho biết.

Xe thì "đắp chiếu" không hoạt động, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng bảo hiểm thân vỏ. Ảnh nh họa

Thống kê của Tổng cục Đường bộ VN cho thấy, hiện cả nước có hơn 2,2 triệu phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, gồm xe khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch và taxi. Nếu 50% số phương tiện này phải vay vốn ngân hàng, đồng nghĩa với việc có hơn 1 triệu phương tiện phải chịu bảo hiểm thân vỏ dù không sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho rằng, trong điều kiện xe kinh doanh chở khách “đắp chiếu” như hiện nay, doanh nghiệp vận tải và đối tác cung cấp bảo hiểm cần thương lượng “Đang dừng hẳn như thế thì có thể ngưng mấy tháng trong điều kiện phòng chống dịch. Doanh thu ít mà lại phải gánh chịu nguyên mức bảo hiểm như thế thì thiệt hại của bên vận tải sẽ nhiều hơn. Giữa hai bên nên có thương lượng để giảm mức phí tương ứng.

Trả lời VOV Giao thông, ông Nguyễn Hữu Cường, Phó giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt thừa nhận tình trạng “đóng băng” của hầu hết xe vận tải khách. Tuy nhiên, theo ông Cường, doanh nghiệp vận tải phải có đề xuất với Bảo Việt nếu muốn dừng bảo hiểm.

'Thông thường khách hàng tìm đến trước, tuy nhiên Tổng công ty cũng sẽ nhắc nhở các công ty thành viên bởi vì việc tạm dừng chỉ có hiệu lực khi người ta có đề xuất', ông Cường cho biết.

Tuy vậy, một chuyên gia kinh tế cho rằng, khi các doanh nghiệp bảo hiểm chưa cập nhật, công khai chính sách dừng bảo hiểm thì khách hàng hoàn toàn “mù tịt” thông tin. Trường hợp toàn bộ xe dừng hoạt động hay hoạt động cầm chừng thì chính sách thế nào, Bảo hiểm cần công khai và có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp vận tải chủ động thực hiện./.