Xe công nông sang đường ẩu suýt gây tai nạn

Cùng với sự phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong thời gian qua, tình trạng xe thô sơ, xe tự chế chở vật liệu xây dựng, sắt thép, vật dụng cồng kềnh lại hoành hành trên các con đường, ngõ phố gây tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Clip: Đặng Tú

Mặc dù quy định cấm xe tự chế đã có từ rất lâu, nhiều địa phương cũng đề xuất thu hồi, cấm loại phương tiện này hoạt động. Nhưng đến nay, vẫn không thực hiện được vì nhiều nguyên do.

Do vậy mà hàng ngày, những chiếc xe công nông hay các loại xe tự chế khác vẫn ngang nhiên hoạt động và trở thành nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông, gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Chuyên gia giao thông – ThS. Vũ Văn Chung cho rằng: “Để ngăn chặn triệt để xe tự chế, cần phải có thời gian. Nhưng trước hết, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xe tự chế, xe 3 bánh gây tai nạn hoặc tái phạm nhiều lần. Cùng với đó, phải kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai đối với những trường hợp vi phạm để răn đe”.

Theo Cục đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), hiện chưa có quy định về niên hạn sử dụng cho các phương tiện là xe máy, mô tô. Các phương tiện này cũng không phải kiểm định an toàn kỹ thuật...

Trong khi, Chính phủ đã có quy định từ ngày 1/1/2018, mô tô, xe gắn máy cũ sử dụng sẽ bị thu hồi (Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ) nhưng vẫn chưa có quy định về niên hạn sử dụng nên rất khó xác định đâu là xe cũ nát và không có căn cứ, cơ sở pháp lý để xử lý, thu hồi.

Vậy nên, giải pháp trước mắt mà lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trích dẫn quy định tại Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Luật sư Diệp Năng Bình – Giám đốc Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, người vi phạm ngoài nộp phạt hành chính còn phải khắc phục hậu quả khi làm rơi vãi vật liệu; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn nếu gây tai nạn giao thông... Trong trường hợp gây tai nạn tùy theo mức độ còn có thể bị xử lý về mặt hình sự.

Quy định là vậy nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp chủ xe gây tai nạn rồi để lại phương tiện và rời khỏi hiện trường; chưa kể, người bị hại thường e ngại va chạm pháp lý với người chở hàng cồng kềnh vì biết phần lớn họ đều khó khăn về kinh tế nên rất khó để đền bù thiệt hại…

Vì lẽ đó, ngoài biện pháp tập trung xử lý vi phạm hành chính, thu hồi phương tiện vi phạm, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các chủ xe không chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.