Xe bị phạt nguội nhưng không liên lạc được chủ cũ: Khi đi đăng kiểm phải làm sao?

Dù chủ xe cũ có chuyển nhượng quyền sở hữu phương tiện cũng sẽ không làm chấm dứt trách nhiệm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Nhưng phía mua xe cũng có một phần trách nhiệm do chủ quan, lơ là trong việc kiểm tra kỹ thông tin pháp lý của x

Vừa qua, Kênh VOV Giao thông nhận được câu hỏi của thính giả Văn Thắng về vấn đề sau: “Tôi mới mua một chiếc xe, hiện đã làm thủ tục sang tên đổi chủ và giờ giấy đăng ký đứng tên tôi. Đến nay, sau 2 tháng tôi có tra cứu phạt nguội thì phát hiện xe đã có lỗi vi phạm trước đó. Thế nhưng, tôi không thể liên lạc với chủ cũ vì họ đã đi nước ngoài. Vậy tôi phải xử lý ra sao khi tháng 9 này tôi phải đi đăng kiểm xe?". 

Để giải đáp thắc mắc của thính giả, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho biết: "Hiện nay, những trường hợp phương tiện bị từ chối đăng kiểm do chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm giao thông xảy ra khá thường xuyên. 

Mặc dù theo quy định pháp luật, đơn vị đăng kiểm không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính và không có quyền từ chối đăng kiểm phương tiện nếu phương tiện vẫn đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, thông thường cơ quan công an sẽ gửi công văn tới cơ quan đăng kiểm đề nghị chủ phương tiện chấp hành quyết định xử phạt rồi mới cho đăng kiểm. 

Theo đó, cơ quan đăng kiểm sẽ không tiến hành đăng kiểm theo đề nghị của phía cơ quan công an và đây thường được coi là giải pháp hỗ trợ nâng cao hiệu quả xử phạt giao thông"

Đối với phương tiện giao thông là ô tô, việc đăng kiểm xe ô tô là quy trình quan trọng mà chủ xe cần phải tuân thủ theo đúng quy định trong quá trình sử dụng xe. 

Việc sử dụng phương tiện giao thông không có đăng kiểm hoặc quá thời hạn đăng kiểm là hành vi vi phạm pháp luật bởi có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 16 triệu đồng.

Như vậy, đối với trường hợp trên, theo quy định pháp luật, một công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phải tự chịu trách nhiệm với những hành vi mà mình xác lập và từ 14 tuổi trở lên là đã có thể phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hành chính.

Thông thường, chủ sở hữu phương tiện phải chịu trách nhiệm đối với phương tiện mà mình sở hữu. Tuy nhiên, về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào đối tượng vi phạm để đảm bảo việc xử phạt được khách quan, công bằng.

Theo đó, người chủ sở hữu phương tiện giao thông trước đây có hành vi vi phạm hành chính thì phải có trách nhiệm trong việc chấp hành việc xử phạt hành chính đối với quyết định xử phạt nguội này. 

Việc hiện tại dù chủ xe cũ có chuyển nhượng quyền sở hữu phương tiện giao thông cho bên nhận chuyển nhượng cũng sẽ không làm chấm dứt trách nhiệm chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Dù vậy, phía mua xe phải chịu rủi ro như hiện tại cũng có một phần trách nhiệm do chủ quan, lơ là trong việc kiểm tra kỹ thông tin pháp lý của xe.

Trong trường hợp này, bên mua đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng để đứng tên trên đăng ký xe đã là chủ sở hữu hiện tại của chiếc xe. 

Việc cần làm của chủ xe là tìm cách liên lạc với chủ xe cũ để yêu cầu họ chấp hành quyết định xử phạt đó, đồng thời có văn bản gửi đến phía cơ quan công an đã ra quyết định xử phạt nguội hỗ trợ, giải quyết để việc đăng kiểm xe được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc công ty luật Minh Bạch cho biết thêm.