Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

VOVGT - Trong xu thế toàn cầu hoá và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc các doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu của riêng mình là hết sức cần thiết.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Trong xu thế toàn cầu hoá và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc các doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu của riêng mình là hết sức cần thiết. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn phát triển thành công thì phải ưu tiên đặt việc xây dựng và phát triển thương hiệu lên hàng đầu.

Xây dựng thương hiệu là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. (Ảnh nh họa)

Tại Hội thảo “Đi tìm phương pháp xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với bối cảnh cạnh tranh thực tế”, diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 28 – Viet Nam Expo 2018, ý kiến của một số chuyên gia tư vấn chiến lược cho rằng, thương hiệu không đơn thuần là cái tên mà còn chứa đựng nhiều thông điệp, ý nghĩa mà mỗi doanh nghiệp muốn gửi đến khách hàng.

Thương hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, phân biệt các sản phẩm khác nhau. Càng tạo được dấu ấn thương hiệu trong lòng khách hàng thì hiệu quả kinh doanh càng cao. Xây dựng thương hiệu luôn là vấn đề hàng đầu được đặt ra cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá lúng túng trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Một số cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là quá trình tốn kém và chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn “mạnh gạo, bạo tiền”. Điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong cạnh tranh.

Ông Lê Ngọc Huê, Chủ tịch hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty đầu tư thương mại Thái Hưng cho rằng, một thương hiệu có ấn tượng, uy tín với khách hàng là thương hiệu phải lấy khách hàng làm trung tâm. Doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu của khách hàng thì từ đó mới đưa ra được sản phẩm cũng như dịch vụ phù hợp.

Ông Huê chia sẻ: “Theo tôi việc xây dựng thương hiệu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng. Bất cứ doanh nghiệp nào dù sản phẩm là hữu hình hay dịch vụ thì cũng cần có nhận diện thương hiệu. Doanh nghiệp muốn tồn tại phát triển được thì đều cần phải xây dựng thương hiệu”.

 

Theo các chuyên gia, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa thực sự quan tâm hoặc hạn chế truyền thông về thương hiệu vì sợ tốn kém. Chính vì tư duy đó khiến nhiều khách hàng chưa biết tới các sản phẩm trong nước dù chất lượng, hình thức không hề thua kém sản phẩm nước ngoài.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho rằng, thương hiệu ban đầu có thể là vô hình nhưng về lâu dài sẽ là tài sản hữu hình. Đây chính là thước đo đánh giá niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm. Việc xây dựng thương hiệu cũng giống như nuôi dưỡng đứa con tinh thần của một doanh nghiệp. Điều này cần được duy trì, phát triển một cách bền vững và lâu dài chứ không chỉ trong 10 hay 20 năm.

Ông Quốc Anh nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc xây dựng thương hiệu một cách bài bản, có chiến lược lâu dài và đầu tư khoa học là vô cùng quan trọng: “Một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển vào một lĩnh vực, ngành nghề nào đó thì phải xây dựng thương hiệu. Bởi khi người tiêu dùng nhắc đến tên tuổi hay thương hiệu đấy thì chắc chắn họ biết đó là sản phẩm tốt. Tôi nghĩ đây là yêu cầu gần như bắt buộc đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, nếu tạo ra sự khác biệt thì chắc chắn chúng ta sẽ thắng. Mà sự khác biệt có thể tạo ra chính là từ thương hiệu”.

 

Theo ông Mạc Quốc Anh, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là khả năng xây dựng thương hiệu. Không chỉ về nguồn vốn mà còn là nhân sự, bởi bản thân họ không thể tự xây dựng thương hiệu mà phải nhờ một công ty quảng cáo để làm thương hiệu cho mình. Ngoài ra, tư duy của người đứng đầu có thực sự quan tâm tới xây dựng thương hiệu hay không.

Ông Mạc Quốc Anh nhận định, doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn xây dựng thương hiệu thành công thì trước hết sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phải liên kết hợp tác với những chuỗi thương mại, hợp tác với các thương hiệu mạnh để đẩy thương hiệu của mình lên. Từ đó sẽ bớt được chi phí đầu tư và nguồn lực ban đầu: “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn xây dựng thương hiệu thành công thì yếu tố về mặt thì trường là vô cùng quan trọng. Một phần nữa là nguồn vốn giành cho xây dựng thương hiệu tính trên tổng doanh thu. Một năm chúng ta giành cho việc này bao nhiêu phần trăm. Bên cạnh đó, đầu tư về mặt thương hiệu là không tính bài toán ngắn hạn mà phải tính bài toán dài hạn. Tôi tin rằng, nếu có chiến lược cụ thể thương hiệu các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phát triển trong thời gian tới”.

 

Xây dựng thương hiệu Việt hoàn toàn không chỉ là đặt một cái tên, đăng ký sở hữu cái tên đó mà là một chặng đường đầy gian nan, để người tiêu dùng Việt khi ưu tiên dùng hàng Việt sẽ lựa chọn hàng hoá và dịch vụ của doanh nghiệp đó trong muôn vàn các hàng hoá cùng loại khác.