Xây dựng phương án hoạt động của xe trung chuyển, không để xe trá hình hoạt động

Doanh nghiệp cần xây dựng phương án tổ chức hoạt động của các xe trung chuyển thuộc đơn vị mình, tính toán hợp lý dựa trên nhu cầu đi lại và năng lực về phương tiện của đơn vị, tránh tình trạng xe “trá hình” hoạt động trên địa bàn thành phố.

Doanh nghiệp cần xây dựng phương án tổ chức hoạt động của các xe trung chuyển thuộc đơn vị mình, tính toán hợp lý dựa trên nhu cầu đi lại và năng lực về phương tiện của đơn vị (Ảnh nh họa)

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa thông báo tới các đơn vị kinh doanh vận tải, các đơn vị khai thác bến xe về việc sử dụng xe trung chuyển vận tải hành khách trên địa bàn thành phố.

Theo đó, xe ôtô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô tuyến cố định đã được chấp thuận phải đi theo luồng tuyến, chỉ được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm; phải phù hợp với tuyến đường, thời gian hoạt động theo phương án kinh doanh của đơn vị đã xây dựng.

Ngoài ra, phương tiện trung chuyển hành khách phải đáp ứng các quy định tại Điều 21 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT, là xe ô tô chở người từ 16 chỗ trở xuống (kể cả người lái xe); được cấp phù hiệu “Xe trung chuyển”. Phù hiệu “Xe trung chuyển” phải được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe.

Mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe phải niêm yết tên và số điện thoại của DN, HTX vận tải; kích thước tối thiểu: 20x20cm. Tại một thời điểm, mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải.

Để hoạt động vận tải hành khách tiếp tục phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn TP, Sở GTVT TP Hà Nội đề nghị các đơn vị vận tải và khai thác bến xe, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, và quy định sử dụng xe trung chuyển hành khách tại Điều 21 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ GTVT.

Doanh nghiệp cần xây dựng phương án tổ chức hoạt động của các xe trung chuyển thuộc đơn vị mình, tính toán hợp lý dựa trên nhu cầu đi lại và năng lực về phương tiện của đơn vị, tránh tình trạng xe “trá hình” hoạt động trên địa bàn TP; phối hợp với đơn vị khai thác bến xe bố trí nơi đón trả khách cho xe trung chuyển đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách trên tuyến.

Xe trung chuyển chỉ được đón, trả khách đi các tuyến vận tải khách cố định của đơn vị mình đến bến xe khách hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định trên địa bàn TP đã được công bố. Doanh nghiệp phải thông báo danh sách các xe được cấp phù hiệu xe trung chuyển cho đơn vị khai thác bến xe.