Vượt qua gian nan hướng đến vinh quang

Ngay sau chức vô địch của Trần Đức Minh tại Worldcup bida carom 3 băng TP.HCM vừa qua, Liên đoàn bida thế giới đã khẳng định Việt Nam chính là thế lực số 1 thế giới lúc này chứ không phải là Hàn Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ.

 Để nhận được sự thừa nhận ấy, các cơ thủ Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều gian nan để có thể vừa duy trì đam mê vừa mang lại vinh quang cho nước nhà. 

"Thực tế khi cầm cơ chơi bida em không xác định theo con đường chuyên nghiệp, nghề chọn em chứ không phải em chọn nghề. Dù em đang nhận lương đội tuyển Đồng Nai nhưng thực tế môn này tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Khi mình thành công thì có được tình cảm của các chủ câu lạc bộ họ ễn cho tiền bàn tiền giờ. Thực tế thì 1 ngày chơi bida mất từ 300 đến 500 ngàn đồng, 1 tháng lên hơn 10 triệu đồng thì với người chơi bình thường thì khó mà có kinh tế để duy trì hàng ngày".

Đó là tâm sự của Trần Đức Minh, người vừa bất ngờ vô địch Worldcup tại TP.HCM cuối tháng 6 vừa qua. Câu chuyện của Minh là hết sức điển hình cho hầu hết của các cơ thủ Việt Nam hiện nay khi mà thu nhập từ bida chưa đủ để duy trì đam mê chứ đừng nói gì đến “sống được nhờ bida”.

Theo đánh giá của Liên đoàn bida thế giới thì Bida carom 3 băng Việt Nam đang là 1 thế lực rất mạnh với nhiều cơ thủ chất lượng cùng đông đảo người hâm mộ

Cơ thủ Phạm Quốc Tuấn – thành viên đội tuyển bida Bình Dương cho biết mức lương hàng tháng anh nhận được khoảng 11 đến 12 triệu đồng. Dù khá cao so với các địa phương khác nhưng anh Tuấn vẫn phải làm thêm công việc khác mới có thể đảm bảo cuộc sống gia đình cũng như bám bàn bám bi: "Hầu hết các anh em có chung niềm đam mê và tập trung với nhau lại để cùng chơi cùng luyện tập. Thực ra mức lương hiện tại với tôi là khá cao nhưng phải có thêm việc làm thêm ở ngoài nữa chứ nếu chỉ chờ lương để nuôi vợ con thì bấp bênh lắm"

Ngoại trừ các thành viên đội tuyển billiards & snooker TP.HCM có được phòng tập chuyên biệt tại trung tâm TDTT quận 1 thì hầu hết những người chơi bida phía Nam (kể cả chuyên nghiệp lẫn bán chuyên) đều phải luyện tập tại các câu lạc bộ với chi phí trên dưới 100 ngàn đồng/giờ. Đó là chưa kể chi phí lên đến vài chục thậm chí cả trăm triệu đồng đầu tư cho cơ (gậy) chuyên dụng.

Hầu hết người chơi bida chuyên nghiệp lẫn bán chuyên tại Việt Nam đều bắt đầu 1 cách tự phát và đang phải tập luyện tại các câu lạc bộ thương mai với chi phí khá cao

Là người đồng hành nhiều năm với đội tuyển bida carom Việt Nam, Ông Nguyễn Việt Hoà – Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Billiards & Snooker TP.HCM cảm thấy đáng tiếc khi nhiều cơ thủ dù rất tài năng không nhận được sự hỗ trợ đầy đủ để phát triển đúng cách: "Như tôi theo dõi hơn 20 năm qua thì chúng ta có nhiều cơ thủ rất hay, họ rất giỏi nhưng vì điều kiện hạn chế nên lực bất tòng tâm.

Ở một số tỉnh có nhiều vận động viên hay nhưng vì địa phương không hỗ trợ rồi thời gian bào mòn khiến người ta nản. Đây chính là vấn đề trong cách đầu tư cho thể thao của địa phương hay những hạn chế về kinh phí".

Trở lại trường hợp của Bao Phương Vinh, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Úc, chàng trai sinh năm 1995 đã đặt mục tiêu luyện tập, thi đấu bida carom 3 băng trong 3 năm. Ít ai biết Vinh Bao đã dành từ 10 đến 14 tiếng mỗi ngày để tập luyện bida và cũng có không ít lần thất bại tại các giải đấu khác nhau.

Bao Phương Vinh và Trần Quyết Chiến là 2 tên tuổi đáng chú ý nhất hiện nay của Việt Nam. Như các cơ thủ hàng đầu thế giới nhận định, họ hoàn toàn có thể là nòng cốt chính trong công tác đào tạo cho thế hệ các cơ thủ trẻ

May mắn hơn nhiều cơ thủ khác, Bao Phương Vinh nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình, và dù chưa hoàn thành mục tiêu thời gian đề ra nhưng cơ thủ Bình Dương đã bước lên đỉnh cao thế giới với chức vô địch Worldchampionship 2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ hay chức vô địch đồng đội thế giới năm 2024 vừa qua cùng đàn anh Trần Quyết Chiến.

Nhìn lại những gì đã trải qua, Bao Phương Vinh vẫn rất tâm tư: "Đến hiện tại, khi thi đấu cho Worldchampionship hay tất cả các tour đấu Worldcup thì tất cả tụi em phải bỏ tiền túi. Việc tụi em đang tự đầu tư cho bản thân để thi đấu quốc tế là rất có ý nghĩa, do đó rất mong sẽ có thêm các nhà tài trợ sẽ cùng chung tay chung sức với tụi em vì nếu cứ tiếp tục bỏ tiền túi tự túc kinh phí thì sẽ không thể nào gồng gánh nổi. Em rất mong trong tương lai, ban lãnh đạo liên đoàn hay các địa phương có thêm các khoản kinh phí đầu tư cho các vận động viên tham gia các giải đấu đại diện cho quốc gia".

Cơ thủ Tasder Tayfun tranh thủ tham gia một giải đấu giao hữu ngay sau khi kết thúc Worldcup TPHCM 2024 vừa diễn ra tại Việt Nam

Nhìn sang các quốc gia phát triển mạnh ở bộ môn bida carom 3 băng như Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Nhật Bản… thì hầu hết các cơ thủ trong top đại diện cho quốc gia đều nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhà nước từ cơ sở tập luyện, thu nhập đến chi phí thi đấu quốc tế song cũng kèm theo trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho công tác đào tạo thế hệ kế cận.

Cơ thủ Tasder Tayfun người đang xếp thứ 9 thế giới người Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi có một hệ thống các học viện, cơ sở đào tạo bài bản dành cho những cơ thủ trẻ có đam mê với bộ môn này. Tôi cho rằng để có thể tạo ra các cơ thủ trẻ tài năng như Burak Hashas (17 tuổi, đang xếp hạng 26 thế giới) thì cần rất nhiều thời gian cũng như cần có nhiều giải đấu chất lượng để các cơ thủ được thường xuyên cọ xát, nâng cao trình độ"

Là người thường xuyên đi du đấu khắp thế giới, cơ thủ lão làng thế giới Dick Jasper cho rằng việc đào tạo cho các vận động viên trẻ là việc cần thiết mà nhiều quốc gia đang làm để tạo ra lợi thế cạnh tranh lâu dài. Ngoài các yếu tố về thu nhập, thi đấu, cơ sở vật chất thì việc có một đội ngũ huấn luyện viên có trình độ chuyên môn cùng với giáo trình đào tạo bài bản là hết sức quan trọng:

"Việt Nam đang có các cơ thủ hàng đầu thế giới như Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh và một số cơ thủ nổi tiếng khác. Họ hoàn toàn có thể trở thành những huấn luyện viên chất lượng để cùng tham gia đào tạo. Từ cá nhân mình tôi cho rằng các vận động viên trẻ phải thực sự đam mê, kiên trì tập luyện và nên có thêm các kỹ năng để vượt qua áp lực, từ đó vươn tới thành công".

Liên đoàn Bida thế giới bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển của bida Việt Nam khi trao quyền đăng cai Worldchampionship lần đầu tiên cho Việt Nam. Giải đấu sẽ được diễn ra vào cuối tháng 9 tới tại tỉnh Bình Thuận

Như lãnh đạo Liên đoàn bida thế giới đã khẳng định, bida carom 3 băng Việt Nam đang ở top đầu thế giới và đủ sức cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào, và đây cũng là môn thể thao hết sức phù hợp với người Việt Nam: khéo léo, bền bỉ, kiên cường.

Trong bối cảnh billiards & snooker đang được xem xét đưa vào tranh tài tại các kỳ Olympic thì cần lắm một chiến lược đầu tư phát triển bài bản, đúng trọng tâm và lâu dài hơi nữa từ các bên liên quan để thể thao Việt Nam có thể vươn cao hơn, xa hơn.