Vụ Vinasun kiện Grab: Quản lý phải thay đổi để dẫn đường cho phát triển

VOVGT - Trong môi trường kinh doanh số, công nghệ 4.0, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về vận tải phải thay đổi để thích ứng, dẫn đường cho phát triển.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Những ngày qua, sự kiện Tòa án nhân dân Tp.Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam là tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo kế hoạch, tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào chiều ngày 29/10, tuy nhiên do tính chất phức tạp của vụ kiện, Tòa lại quyết định sẽ dời lại vào phiên xét xử ngày 22/11 tới. Điều đáng nói qua vụ kiện này, chính là sự tranh chấp giữa một mô hình kinh doanh truyền thống với mô hình ứng dụng công nghệ mới trong vận tải.

Qua thực tiễn hiện nay, cũng như phần tranh tụng tại Tòa từ vụ kiện này cho thấy, trong môi trường kinh doanh số, công nghệ 4.0, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về vận tải phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng, dẫn đường cho phát triển.

>>> Tạm dừng vụ VinaSun kiện Grab, 22/11 tiếp tục

>>> Hôm nay, Toà tuyên án vụ VinaSun kiện Grab

Ông Trương Đình Quý (áo đen), Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương (Vinasun), đại diện nguyên đơn đã có mặt tại tòa lúc 13h15 chiều nay (29/10)

Có thể khẳng định, vụ kiện của hãng Taxi Vinasun với Grab chính là tranh chấp trên thị trường vận tải hiện nay giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Taxi công nghệ là một thành thành tựu của nền kinh tế số; là vận tải kết nối và vận tải chia sẻ thông qua công nghệ.

Cách đây hơn 4 năm, Grab và một số doanh nghiệp bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam và chính thức được cấp phép hoạt động cách đây 2 năm theo quyết định 24/2016 của Bộ Giao thông vận tải.

Hoạt động của loại hình kinh doanh vận tải bằng hợp đồng điện tử (gọi tắt là taxi công nghệ) cùng với taxi truyền thống ở nước ta thời gian qua đã tạo ra thị trường chuyên chở hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Chỉ tính riêng tại Tp.Hồ Chí Minh hiện có khoảng hơn 600 đơn vị tham gia, với số đầu xe lên tới vài chục ngàn.

Thị trường nở rộ đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng được hưởng lợi. Chất lượng phục vụ hành khách của taxi truyền thống và cả taxi công nghệ ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, với khả năng kết nối và chia sẻ, Grab và taxi công nghệ đang chiếm thế thượng phong, vừa tiện lợi vừa đáp ứng khá tốt nhu cầu phục vụ hành khách, nhất là ở từng thời điểm, giá cả rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống.

Tuy nhiên, Grab không phải là hoàn hảo mà theo đơn kiện của Vinasun, đại diện cho taxi truyền thông thì Grab cũng gây ra nhiều hệ lụy. Đó là việc tuyển lái xe ồ ạt ở khắp nơi, thay vì chỉ được thí điểm ở 5 tỉnh, thành phố như cấp phép. Bản chất là kinh tế chia sẻ, tận dụng xe nhàn rỗi nhưng thực tế rất nhiều cá nhân, công ty đã vay vốn để mua xe chạy Grab.

Đặc biệt, hiện Grab và một số hãng taxi công nghệ đang bị cáo buộc là khuyến mãi dưới giá thành, vi phạm Luật cạnh tranh; đẩy nhiều hãng taxi truyền thống có nguy cơ phá sản. Đó là chưa kể, theo nhiều hãng taxi truyền thống, Grab và Uber đã từng bị Cục thuế Tp.Hồ Chí Minh thanh tra và xử lý truy thu thuế.

Ngoài ra, với sự tham gia hùng hậu của các ô tô chạy Grab đã góp phần làm gia tăng các phương tiện cá nhân, gây ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn. Riêng các đơn vị chức năng như thanh tra giao thông thì cho rằng, hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về phân luồng giao thông đối với xe Grab cũng trở nên khó khăn. Trong khi các taxi truyền thống  bị cấm vào một số tuyến đường thì Grab có thể đậu đỗ vì ngành chức năng không thể nhận diện đâu là xe chạy Grab và đâu là xe gia đình.

>>> Vụ Vinasun kiện Grab: 'Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm xác định đúng sai

>>> Hành trình nhận diện Uber - Grab

>>> Ý kiến của đại biểu Quốc hội về vụ việc Vinasun kiện Grab

Rất nhiều tài xế Vinasun đã đến trước trụ sở Toà án nhân dân Tp.HCM. Các tài xế chia sẻ đến tham dự để đòi quyền lợi.

Câu chuyện pháp lý giữa Vinasun và Grab cũng mở ra một tiền lệ tốt là các bên khi có tranh chấp nên giải quyết thông qua các phán quyết của tòa án. Song điều đáng nói ở đây là công tác quản lý nhà nước đang rất lúng túng trước hoạt động mang tính bùng nổ của taxi công nghệ.

Quyết định 24/2016 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng kéo dài trong 2 năm và kết thúc vào tháng 1/2018. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GTVT và các bên liên quan vẫn chưa hoàn thiện được các văn bản pháp lý thay thế buộc Chính phủ phải gia hạn. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức các đợt lấy ý kiến để trình Nghị định mới nhằm sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Song việc coi Grab chính là taxi qua dự thảo đang vấp phải các ý kiến trái chiều. Đó là không thể lấy các điều kiện cũ để quản lý sự phát triển mới; Grab không thể phải gắn phù hiệu như taxi; không thể đi ngược lại xu thế của cách mạng 4.0; cần phá bỏ tư duy ”không quản được thì cấm” vv…

Ngược lại, nếu các bộ, ngành không sớm hoàn thiện các văn bản pháp quy nhằm quản lý taxi công nghệ, để hoạt động này vượt tầm kiểm soát sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh; nguy cơ độc chiếm, độc quyền trong vận tải hành khách giữa các hãng taxi là có thật; không chỉ gây ra hệ quả trước mắt mà tác động bất ổn lâu dài đến hệ thống vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Rõ ràng, trách nhiệm lúc này đặt lên vai Bộ Giao thông Vận tải là đơn vị chủ quản và các bộ, ngành chức năng. Với chức trách được Chính phủ giao, Bộ và các ngành liên quan cần vào cuộc sâu sát và mạnh mẽ hơn nữa, với các giải pháp căn cơ, khoa học trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn để xây dựng một văn bản pháp quy phù hợp.

Từ đó quản lý  hoạt động taxi công nghệ một cách hiệu quả, công bằng; tạo lập môi trường đủ để cái mới, cái sáng tạo được phát huy. Do đó, yêu cầu của quản lý trong môi trường công nghệ hiện nay không phải là ”gọt giầy cho vừa chân” mà quản lý phải là ”Dẫn đường cho phát triển” là vậy.