Với nhiều “bệ đỡ tích cực”, du lịch có đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm

Dù mới ở giữa cao điểm nghỉ hè song nhiều đơn vị, doanh nghiệp lưu trú cho biết tình hình hoạt động tương đối trầm lắng, doanh thu của dịch vụ du lịch nhìn chung không có nhiều khả qua, nhất là các chùm tuyến quốc tế.

Tuy vậy theo nhận định của ông Nguyễn Trần Hoàng Phương - Quyền Viện trưởng viện nghiên cứu du lịch xã hội thì tình trạng này sẽ được cải thiện và khởi sắc hơn từ nay đến cuối năm do có nhiều bệ đỡ tích cực của nền kinh tế.

 

Du lịch có đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm (Ảnh nh họa)

PV: Xin chào ông, bây giờ là giữa tháng 7 giữa kỳ cao điểm hè nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành cho rằng du lịch không thực sự khởi sắc như kỳ vọng, quan điểm của ông ra sao?

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Thị trường du lịch 2024 rõ ràng bị ảnh hưởng và đang thấm đòn. Đây là giai đoạn đau nhất kể từ sau dịch COVID-19, kinh tế đi xuống toàn bộ xã hội phải gánh chịu một giai đoạn chi tiêu khó khăn, thắt chặt, dẫn đến các hoạt động giải trí, du lịch chịu ảnh hưởng đáng kể. Nhiều người đầu tư nhiều công sức, tiền của với hi vọng lớn trong năm 2024 dẫn đến thất vọng. Đây là việc không thể tránh khỏi.

Qua quan sát của tôi thì thiệt hại nhiều nhất là những người làm tour nước ngoài. Họ phải mua vé từ 2023 để có giá tốt để bán trong năm 2024 nhưng họ không bán được nhiều. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử du lịch mà mùa hè có những chuyến bay đi Trung Quốc chỉ có bán được 50% công suất vé tàu bay, dẫn đến thua lỗ cực kỳ nặng, còn với các doanh nghiệp nội địa thì vẫn trang trải được trong mùa hè này

PV: Theo ông, yếu tố vé máy bay đóng vai trò như thế nào trong cơ cấu giá dịch vụ du lịch cũng như khả năng chi tiêu của khách du lịch?

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương (ngồi giữa) - Quyền Viện trưởng viện nghiên cứu du lịch xã hội

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Vé máy bay chiếm hơn 50% giá trị 1 tour. Nếu như trước Covid khi cơ sở hạ tầng chưa tốt, chưa có nhiều đường cao tốc thì khách chỉ có 1 phương án là bay nên giá cao thế nào cũng phải bay. Còn hiện nay, nhiều đường cao tốc, các tuyến giao thông mới cũng mở rộng kể cả tàu hoả hơn nên khách du lịch có nhiều sự lựa chọn hơn.

Ai cũng hiểu đầu hè các doanh nghiệp đều kêu gào vì giá vé máy bay quá cao, chúng tôi phải chuyển hướng sang bay quốc tế thì các hãng hàng không đã quay trở lại năn nỉ doanh nghiệp du lịch và khách hàng bằng các chính sách khuyến mãi thì giai đoạn này là thời điểm tốt có thể đi được với chi phí tốt mà không phải lo lắng quá nhiều.

PV: Ông dự báo ra sao về giai đoạn còn lại của cao điểm hè cũng như giai đoạn cuối năm 2024 của thị trường du lịch nước ta?

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương: Tôi cho rằng giai đoạn cuối hè sẽ là giai đoạn cao điểm, cao điểm hè năm nay sẽ bắt đầu trễ từ ngày 15/7 đến hết tháng 8. Tiếp theo là vào mùa thấp điểm khi khách chưa đi du lịch giai đoạn cao điểm thì khi kinh tế hồi phục khách sẽ đi dần dần trở lại. Đây là dấu hiệu tăng cực đại vào cuối năm.

Có khá nhiều căn cứ để đưa ra dự báo đó, thứ nhất là dựa vào lịch sử du lịch của khách, thứ hai là lịch sử chi tiêu, thứ ba là tình hình kinh tế, thứ tư là do nhu cầu và thị hiếu trong thời gian tới, cuối cùng là giá cả, thị phần và kích cầu.

Dựa trên những yếu tố đó tôi cho rằng kể từ 15/7 này đến hết năm 2024, du lịch sẽ phát triển mạnh và là dấu hiệu tích cực để các doanh nghiệp du lịch có thể đầu tư cho năm 2025.

PV: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!