Vietnam Airlines, Vietjet 'đua' đầu tư vào Tân Sơn Nhất

VOVGT-Không chỉ cạnh tranh gay gắt trong vận tải hàng không, Vietnam Airlines và hãng hàng không “đối thủ” Vietjet lại đang bắt đầu cuộc đua đầu tư vào hạ tầng.

Sân bay Tân Sơn Nhất cần 19.300 tỷ đồng để đầu tư mở rộng. Ảnh nh họa

Không chỉ cạnh tranh gay gắt trong vận tải hàng không, Vietnam Airlines và hãng hàng không “đối thủ” Vietjet lại đang bắt đầu cuộc đua đầu tư vào hạ tầng khi cùng bày tỏ mong muốn đầu tư vào nhà ga hành khách mới tại Tân Sơn Nhất. 

Trong đề xuất tham gia thực hiện dự án đầu tư nhà ga hành khách T4 tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất gửi Bộ GTVT, Vietjet bày tỏ mong muốn được “Bộ GTVT xem xét chấp thuận tham gia cùng ACV thực hiện đầu tư nhà ga hành khách T4” để có thể “cùng với Chính phủ, Bộ GTVT, ACV nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải của Tân Sơn Nhất”.

Trong bản tự giới thiệu, Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng không Vietjet Nguyễn Thanh Hà cho biết 5 năm qua, Vietjet đã phục vụ hơn 10 triệu khách lần đầu tiên đi máy bay, góp phần thay đổi thói quen đi lại tại Việt Nam. 

Ngoài những thành tựu đã đạt được trong vận chuyển hàng không, Vietjet cũng tham gia tích cực thực hiện chủ trương huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khi trở thành cổ đông sáng lập của CTCP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) – chủ đầu tư xây dựng Dự án nhà ga quốc tế của CHK quốc tế Cam Ranh. 

Với kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư lớn, năng lực tài chính vững mạnh, Vietjet cam kết tập trung tối đa nguồn lực, phối hợp với ACV hoàn thành dự án này trong 18 tháng kể từ thời điểm khởi công. 

Không đứng ngoài cuộc đua đầu tư hạ tầng, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được tham gia đầu tư nhà ga T4. Tổng giám đốc hãng này, ông Dương Trí Thành đề nghị được tham gia đầu tư vào Dự án nhà ga hành khách T4 “để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thiện đồng bộ dây chuyền khai thác, vận chuyển hàng không. 

“Sau khi được chấp thuận về chủ trương, TCT Hàng không VN sẽ tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định” – ông Thành cam kết.
Trước đó, như Kênh VOVGT Quốc gia đã đưa tin, ngay khi nhận được thông tin về nhà ga hành khách T4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu liên Thái Bình Dương (IPP) có thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT “mong muốn được góp sức cùng Chính phủ, Bộ GTVT, Tp.HCM nhanh chóng giải quyết vấn đề quá tải tại Tân Sơn Nhất” thông qua việc xin được đầu tư nhà ga hành khách T4. 

Cụ thể, doanh nghiệp do “ông trùm hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn đề xuất được cùng ACV thực hiện đầu tư nhà ga hành khách T4 theo đúng quy hoạch và chủ trương được duyệt đồng thời cam kết hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công dự án.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hạnh Nguyễn tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không. Thực tế, IPP chính là cổ đông lớn nhất của CTCP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC, thành lập tháng 2/2016) – dự án đang được đầu tư với công suất từ 4 – 8 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư hơn 3.735 tỷ đồng. Dự án này đã được khởi công từ tháng 9/2016, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối quý I/2018.

Đáng nói hơn, IPP cũng chính là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) từ tháng 9/2014. “Chúng tôi đã cùng với các thành viên HĐQT tham gia chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh với kết quả lợi nhuận trước thuế năm 2016 của SASCO đạt và tăng vượt bậc so với năm 2015 (từ 84 tỷ đồng lên 282 tỷ đồng)” – IPP cho biết.

IPP cái tên lớn trong lĩnh vực đầu tư, có kinh nghiệm gần 32 năm đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Trong bản tự giới thiệu, IPP cho biết đã đầu tư và cùng hợp tác đầu tư 47 dự án với tổng số vốn hơn 500 triệu USD, là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam cho hơn 96 thương hiệu đẳng cấp thế giới về thời trang, rượu, thức ăn nhanh như Chanel, Burberry, Rolex, Bally, Cartier, Hennessy, Remy Martin, Dono’Pizza, Burger King… trên khắp Việt Nam và tại các sân bay lớn trong nước.

IPP cũng là đơn vị có công lớn trong việc thiết lập đường bay chính thức giữa Việt Nam và Phillipines trong thời gian Việt Nam còn khó khăn chưa mở rộng quan hệ với các nước. Bên cạnh đó, IPP cũng là công ty tiên phong hỗ trợ các cảng hàng không lớn trong nước như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc trong việc đầu tư kinh doanh và nâng tầm dịch vụ, tương xứng với các tiêu chuẩn của các hãng hàng không trong khu vực và quốc tế.