Vì sao vụ việc một bác sĩ bị bắt lại nhận được hàng vạn chữ ký của đồng nghiệp gửi đến tòa án?

Nếu chỉ quy trách nhiệm cho 1 cá nhân, thì chỉ là biện pháp trừng trị để thỏa mãn dư luận xã hội mà không ngăn chặn được những thảm họa y khoa tiếp tục xảy ra..

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội

Hôm qua (15/5), Tòa án Nhân dân TP. Hòa Bình mở lại phiên sơ thẩm xét xử vụ án vô ý làm chết người và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người tử vong.

Theo đó, bác sĩ Hoàng Công Lương cùng một số cán bộ phòng vật tư của bệnh viện đa khoa Hòa Bình bị đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo còn lại bị truy tố tội vô ý làm chết người.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chuyển đơn của bác sĩ Hoàng Công Lương tới Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình để xem xét, đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội.

 

Bàn về việc làm sao để hạn chế được rủi ro, những tai biến trong y khoa và bài học rút ra để không có thêm bệnh nhân nào phải ra đi một cách đáng tiếc? Cuộc phỏng vấn trao đổi với bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện đa khoa Xanh pôn Hà Nội sẽ làm rõ vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ Trần Văn Phúc, theo cáo trạng thì bác sĩ Hoàng Công Lương là người thừa lệnh trưởng khoa đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 và cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình cho rằng bác sĩ Lương đã không kiểm tra lại hệ thống nước đã được sửa chữa, cũng như là nguồn nước mà đã ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân sau khi được báo cáo rằng đã sửa chữa xong. Vậy là một bác sĩ, nếu rơi vào trường hợp này thì ông có đủ năng lực, trình độ để kiểm tra cả hệ thống máy móc chạy thận không?

Bác sĩ Trần văn Phúc: Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình, bác sĩ Lương có một lỗi là không kiểm tra hệ thống nước lọc RO. Chúng ta phải hiểu rằng có 2 lĩnh vực kiểm tra hệ thống máy móc ở đây là “thủ tục hành chính và chất lượng nước ở bên trong có gì”.

Đứng về phía mặt thủ tục hành chính, bác sĩ Lương cũng đã nghe được các cú điện thoại từ những người sửa chữa rằng hệ thống đã sửa xong và có thể đưa bảo sử dụng. Cái cú điện thoại đó, thì không phải là cái để nói ra trước tòa nhưng sau đó có biên bản bàn giao về hệ thống đã sửa xong mà các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa.

Điều đó có nghĩa rằng về mặt thủ tục hành chính thì bác sĩ Lương đã hoàn thiện, đấy chính là bước kiểm tra quan trọng đối với người nhân viên y tế.

Thứ hai, đó là kiểm tra chất lượng nước RO như thế nào thì trên toàn thế giới này ở bất cứ trường đại học y khoa cũng không bao giờ dạy được bác sĩ phải kiểm tra chất lượng nước RO. Cụ thể, trong nước RO phải biết các thành phần hóa học được phép cho vào trong cơ thể con người có vượt ngưỡng cho phép hay không? Hàm lượng vi khuẩn, vi sinh vật ở trong nước lọc RO có ảnh hưởng gì không? Xét nghiệm những độc tố có trong nước không vì khi đưa vào cơ thể sẽ rất nguy hiểm. Ba yếu tố này là ngoài tầm của bác sĩ và không thể nào kiểm soát được.

Chính vì vậy, trách nhiệm kiểm tra của bác sĩ ở đây là trách nhiệm về mặt thủ tục hành chính hơn là tính chuyên môn.

PV: Thưa ông, đúng theo kết luận giám định thì nguyên nhân dẫn đến bệnh nhân tử vong là do nhiễm độc các hóa chất tồn dư cao gấp nhiều lần trong hệ thống máy lọc nước dẫn vào máy lọc thận. Vậy, theo ông sự cố y khoa nghiêm trọng này, có những ai phải chịu trách nhiệm liên đới?

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Rất khó để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải chờ đến khi tòa xét xử xong thì mới biết được rằng ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính và ai sẽ chịu trách nhiệm liên đới. Tuy nhiên về phía quan điểm của tôi, khi mà kết tội một ai và để xem trách nhiệm của họ đến đâu thì phải xác định được nguyên nhân và động cơ mục đích.

Cơ quan giám định pháp y đã khẳng định rằng, nguyên nhân gây ra cái chết của 8 nạn nhân đó là tồn dư hóa chất trong cột lọc máu, đấy chính là nguyên nhân trực tiếp. Nếu phân tích rõ vấn đề này thì hiện tại không thể đưa ra câu trả lời ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng, vì cần phải có đầy đủ bằng chứng, lời khai.

PV: Thưa ông, trong y khoa thì những rủi ro tai biến là điều khó có thể tránh khỏi. Nhưng nếu rủi ro đó nằm ngoài tầm ý muốn, ngoài tầm kiểm soát của thầy thuốc mà nhân viên y tế vẫn phải chịu tội, thì điều đó liệu có công bằng?

Bác sĩ Trần Văn Phúc: Trong cái vấn đề rủi ro này, chúng ta cần phải chia ra 2 lĩnh vực đó là sai xót ngoài chuyên môn y khoa thì lúc đó sẽ áp được cái khung hình phạt chung và rủi ro nằm trong lĩnh vực chuyên môn y khoa thì phải trả về đúng lĩnh vực chuyên môn để xem xét một cách toàn diện.

Trong lĩnh vực y tế mà quy trách nhiệm cho 1 cá nhân thì không hợp lý, bởi vì sức khỏe con người là vấn đề quan trong. Do vậy, khi làm việc y khoa bao giờ cũng cần xây dựng một nhóm (hay tổ chức) thì cá nhân có thể mắc sai lầm nhưng nhóm đó cần phải xây dựng kế hoạch, lên chương trình làm việc để kiểm soát lẫn nhau để khi có sai lầm xảy ra thì có thể khắc phục, ngăn chặn được.

Nếu chỉ quy trách nhiệm cho 1 cá nhân, thì đấy chỉ là một biện pháp trừng trị để thỏa mãn dư luận xã hội mà không ngăn chặn được những thảm họa y khoa tiếp tục xảy ra.

Vì thế mà sự việc của bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra khi bác sĩ Lương bị truy tố, cộng đồng y khoa đã rất là bức xúc và có những chia sẻ không đồng tình, không hài lòng về vấn đề này.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!