Vì sao chưa chặn được tin nhắn rác, cuộc gọi rác?

6 tháng đầu năm nay, hơn 11 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp với dữ liệu quốc gia về dân cư đã bị các doanh nghiệp viễn thông xử lý. Trung bình mỗi tháng các nhà mạng chặn, khóa 31 nghìn thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo và khoảng 100 nghìn tin nhắn giả từ các trạm thu phát sóng giả. Dù các nhà mạng đã quyết liệt trong thu hồi SIM rác nhưng vì sao người dùng vẫn bị làm phiền? Giải pháp nào để giải quyết tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác? 

Diễn đàn 91, phát sóng từ 16h00 - 17h00 thứ Bảy (14/10/2023) với chủ đề: “Vì sao chưa chặn được tin nhắn rác, cuộc gọi rác?”, trực tiếp trên sóng FM91 và vovgiaothong.vn.

Với sự tham gia của các khách mời: Ông Lại Quang Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ thông tin quốc tế ITS và ông Vũ Văn Trung - đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng.

Đừng quên chia sẻ ý kiến trực tiếp của bạn về chủ đề này qua hotline 024.37.919191 và qua fanpage VOV Giao thông.


Tin nhắn, cuộc gọi rác xuất hiện tinh vi hơn?

"Nó là những cuộc gọi mình không có nhu cầu. Thường xuyên nhận được tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Thường xuyên nhất là các bên về tài chính: tín dụng, chứng khoán, đầu tư... Số lượng nhiều hơn, tần suất dày và thể loại đa dạng, chuyên nghiệp hơn. Các bên gọi làm phiền này có thể có trung tâm nhiều người ngồi gọi cùng lúc. Các đầu số thay đổi liên tục, thay vì dùng số để bàn thì dùng số di động".

Liên tục nhận được những cuộc gọi làm phiền, anh Thanh sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội đã chỉ biết từ chối nghe tư vấn, quảng cáo bằng câu cửa ệng quen thuộc "Tôi không có nhu cầu". Do tính chất công việc, anh không thể từ chối tất cả các cuộc gọi số lạ. Trong khi đó, nhiều cuộc gọi quảng cáo giờ đây được ẩn dưới đầu số di động khiến mọi người "trở tay không kịp".

Cùng chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thu Thủy cũng phải từ chối nhiều cuộc gọi không mong muốn trong ngày và rất cảnh giác vì đã nghe qua nhiều chiêu trò lừa đảo bằng hình thức này:

"Tôi cũng hay nhận được như bên Viettel, cuộc gọi như mời chào mua bán, trúng thưởng kiểu lừa đảo. Chỉ cần nghe thấy hôm nay chị trúng thưởng... thì tắt luôn cũng không nghe sợ lừa đảo. Đọc trên mạng thấy mấy vụ quảng cáo trúng thưởng có người tin là bị lừa tiền".

Điều chị Thủy lo lắng không phải không có cơ sở. Theo ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, năm 2022 ghi nhận 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến. Số vụ lừa đảo trực tuyến 6 tháng đầu năm nay tăng 65% so cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh nh họa: CafeF

Không chỉ lừa tiền, nhiều phụ huynh như chị Đặng Thủy Tiên còn lo lắng khi các tin nhắn, cuộc gọi rác gây ảnh hưởng tiêu cực với đối tượng trẻ nhỏ:

"Bé nhà mình học lớp 3 nên tự đi học nên bố mẹ mua điện thoại cho con dùng, mà vẫn đăng ký sim bằng thông tin bố mẹ. Bình thường cũng nhận được nhiều rồi nhưng đăng ký sim mới cho con cũng nhận được tin nhắn rác nào là chào mời mua game, việc làm...

Mấy trò diệt rồng rồi candy crush thu hút trẻ nhỏ tò mò bấm vào là trừ tiền luôn trong sim. Nhiều nguy cơ, ngay sim của mình hàng ngày có link mời chào dịch vụ phòng the, người lớn tránh được chứ trẻ tò mò bấm vào khá lo hậu quả".

Dù Nghị định 91 năm 2020 của Bộ TTTT ban hành đã có đầy đủ quy định về chống tin nhắn, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo bằng tin nhắn... nhưng tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến và có phần tinh vi hơn. Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng Việt Nam cho biết: 

"Phần lớn chúng ta sẽ nhận được cuộc gọi làm phiền mời chào dịch vụ du lịch, nhà đất, chăm sóc sắc đẹp. Đối tượng thực hiện về bản chất không cần che giấu thông tin, khách hàng sử dụng dịch vụ. Chẳng qua vấn đề sim rác phổ biến nên mua sim rác mang tính thời vụ, thuận tiện hơn.

Quản lý chặt sim rác thì họ sử dụng sim của họ thực hiện. Cuộc gọi làm phiền sẽ không giảm ngay. Cuộc gọi lừa đảo thì không cần dùng nhiều sim, lợi dụng những người ít am hiểu để bán lại cho chúng vẫn thực hiện được".

Cho tới tháng 9 năm nay, Bộ TTTT đã loại bỏ thành công 12,5 triệu sim rác không chính chủ. Các nhà mạng cũng cam kết thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng sim không chính chủ, sim rác nhưng thực tế, nhiều người dân vẫn bị tình trạng gọi điện “khủng bố” từ nhiều đầu số khác nhau.

Ảnh nh họa

Vì sao tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn "hoành hành"?

Trả lời Kênh VOVGT, đại diện một số nhà mạng cho biết, Thời gian vừa qua, ngoài kênh tiếp nhận phản ánh của người dân qua tổng đài 156/ 5656 của Bộ Thông tin và truyền thông, các nhà mạng đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tin nhắn rác.

Đơn cử, Vinaphone đã triển khai hệ hống phát hiện tin nhắn rác, hệ thống rà soát nghi ngờ thuê bao thực hiện gọi rác để đưa vào khảo sát người nghe và thực  hiện khoá; kết nối với cổng phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và truyền thông. Đồng thời, triển khai các dịch vụ gọi định danh, tin nhắn định danh để cho các Doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu gọi quảng cáo, nhắn tin quảng cáo….

Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã xây dựng Hệ thống giám sát và ngăn chặn thuê bao gọi rác (Hệ thống SPAMCALL)  và chủ động thực hiện tối ưu hệ thống để nâng cao hiệu quả giám sát, cũng như chủ động thay đổi luật/ngưỡng giám sát để giám sát chặn các hành vi của thuê bao nghi ngờ gọi rác nhằm nâng cao hiệu quả giám sát/ngăn chặn thuê bao gọi rác. Nhờ đó, MobiFone ngăn chặn  được số lượng lớn tin nhắn rác và cuộc gọi rác, tránh được nhiều phiền phức cho khách hàng.

Tuy nhiên, các nhà mạng cũng thừa nhận thực tế, cuộc gọi rác xuất phát từ hành vi của đối tượng sử dụng dịch vụ viễn thông, đối với nhà mạng sẽ không có cơ sở để đánh giá khách hàng đã nhận được cuộc gọi lừa đảo. Mặt khác, các thuê bao gọi chéo mạng nên các nhà mạng cũng khó xử lý hơn.

Đối với các cuộc gọi  có nội dung phản ánh là lừa đảo, sau khi đưa vào kiểm tra, đánh giá, xử lý như thuê bao gọi rác thông thường. MobiFone cũng như các nhà mạng khác sẽ chuyển thông tin cho cơ quan quản lý Nhà nước, để phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn diễn ra phổ biến, ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu mã độc, Tập đoàn BKAV cho rằng, thời gian vừa qua các nhà mạng tập trung vào xử lý SIM rác, chúng ta thấy số lượng SIM rác có giảm nhưng chưa hết hẳn. Thực tế chúng ta có thể dễ dàng lên sàn thương mại điện tử để mua các Sim kích hoạt sẵn.

Kể cả SIM chính chủ cũng gây ra các tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Ngoài ra việc kiểm soát bảo mật thông tin cá nhân của các doan nghiệp chưa được tốt. Chúng ta dễ dàng mua bán các thông tin cá nhân. Điều đó cũng dễ dàng khiến các đối tượng phát tán dễ dàng thực hiện hành vi này.

Đối với việc phát tán tin nhắn từ các trạm BTS giả, theo ông Đạt, lỗ hổng nằm ở hạ tầng 2G, các đối tượng có thể gửi được các tin nhắn rác thông qua trạm BTS giả vì không cần yếu tố xác thực cả tin nhắn và trạm BTS.

Về các quy định của pháp luật hiện nay, theo ông Đạt đã khá đầy đủ, vấn đề là thực hiện và việc giám sát thực hiện các quy định có nghiêm ngặt hay không.

Anh Thanh, người thường xuyên bị làm phiền bởi tin nhắn, cuộc gọi rác cho rằng: Người sử dụng các sản phẩm dịch vụ viễn thông có thể đã ý thức về bảo mật cá nhân nhưng còn nhiều cách để thông tin này đến tay các đối tượng phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác:

"Không phải người dân không bảo mật thông tin mà nhiều khi các đơn vị có thông tin đó phát tán, bán thông tin khách hàng. Người dùng thiệt hại đầu tiên. Người dùng không kiện được trong khi các nước đều có thể kiện và phần thắng thuộc về người dùng".

Ông Nguyễn Doãn Sơn, chuyên gia tư vấn bảo mật lý giải: "Việc sử dụng các thiết bị công nghệ cao để khai thác thông tin, thì có thể lấy cắp thông tin của người dùng thông qua việc truy nhập Internet hoặc truy cập mạng 3G, 4G. Các công cụ này ngày càng phát triển, nên người dùng thật lòng khó có thể lường trước được thông tin bị đánh cắp. Nhiều công ty thu thập thông tin của khách hàng và cho phép bên thứ 3 có thể thu thập được thông tin này, dễ dàng cho bên thứ 3 bán cho đối tác khác".

Chưa thể xử lý hết các loại tin nhắn rác, cuộc gọi rác không phải do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, mà theo ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam, tình trạng sim không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo, đe dọa... Các đại lý bán sim “lách luật”, thuê người đứng tên thuê bao, sau đó bán ra thị trường cho người khác:

"Chúng ta phải làm sao ngăn chặn được đầu số ở các đại lý không chính thức là hay nhất. Thị trường viễn thông truyền thống có giai đoạn phát triển nóng. Các doanh nghiệp chạy đua với số lượng thuê bao di động tăng thị phần. Thì các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống sim rác. Lỗ hổng quy định về sử dụng đăng ký thuê bao cần bổ sung hoặc thay đổi sao cho chặt chẽ hơn".

Để chấn chỉnh tình trạng này, từ 10/09, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, các nhà mạng phải dừng bán sim qua đại lý và chỉ tập trung phân phối sim qua hai kênh là kênh trực tiếp và qua các chuỗi uy tín. Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng Việt Nam thông tin: Một tháng chúng ta có 1,5 triệu sim mới được bán ra.

Hàng trăm nghìn phản ánh về cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo quá nhỏ so với số lượng sim mới. Việc chặn hoặc gắn nhãn cho đầu số rác hạn chế phần nào nhưng để ngăn chặn tận gốc việc dừng bán sim tại các đại lý là một trong những cách làm triệt để. Dù vậy, cuộc gọi rác, tin nhắn rác là vấn đề phổ biến toàn cầu: 

"Ở Anh thành lập lực lượng phản ứng nhanh trên mạng chuyên tiếp nhận phản ánh tin nhắn, cuộc gọi rác để xử lý. Ở Nhật Bản cũng vậy. Nhưng đương nhiên họ cũng nói với người dân rằng nó là vấn đề của xã hội. Tất cả người tham gia đều phải có trách nhiệm, ví dụ như không mua sim rác, nâng cao hiểu biết về tình trạng lừa đảo".

Ông Nguyễn Tiến Đạt cho biết, theo kế hoạch, đến năm 2024 sẽ không duy trì mạng 2G nữa, điều này cũng giảm tình trạng sử dụng trạm BTS giả để nhắn tin nhắn rác.

Để tránh tình trạng nhận tin nhắn rác, ông Đạt khuyến nghị người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân, không nên vào các đường link có trong các tin nhắn rác.

Đại diện MobiFone khuyến cáo khách hàng khi nhận được tin nhắn khảo sát của nhà mạng về cuộc gọi rác (được gửi tới dưới dạng tin nhắn nhanh – Flash SMS ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác) người dùng có thể chủ động phối hợp trả lời (chọn phương án trả lời “Có” hoặc “Không”) để giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác các cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra các chế tài quản lý phù hợp.

Khi phát hiện cuộc gọi rác, người dân có thể phản ánh qua cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác của người sử dụng, thông qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac.ais.gov.vn/ của Cục ATTT.

TS Hoàng Phương Chi, Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến nghị, các doanh nghiệp, đơn vị nên thực hiện tốt bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện đăng ký dịch vụ định danh cuộc gọi, định danh tin nhắn với các nhà mạng để giúp người dân tránh nhầm lẫn với  các cuộc gọi, tin nhắn rác.