Vì sao chủ phương tiện thường 'né' mua bảo hiểm thân vỏ?

Thông thường, sau khi sở hữu xe ô tô, khách hàng bỏ ra một số chi phí cho các gói bảo hiểm như: Bảo hiểm dân sự bắt buộc, bảo hiểm thân vỏ… Đối với bảo hiểm dân sự bắt buộc thì hầu như tất cả chủ phương tiện đều phải mua, nhưng với bảo hiểm thân vỏ (không

 
Không ít phương tiện khi tham gia giao thông né mua bảo hiểm thân vỏ

Công ty Bảo hiểm Hàng không, Chi nhánh thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 8.000 khách hàng mua bảo hiểm ô tô. Con số này biến động thất thường. Số khách hàng mới tham gia bảo hiểm ngày một nhiều, nhưng cũng không ít trường hợp khách hàng đã mua bảo hiểm một vài năm đầu sau đó chuyển sang mua bảo hiểm của đơn vị khác hoặc không tham gia bảo hiểm.

Một nhân viên ở đây cho biết, ý thức của người mua bảo hiểm hầu hết là đối phó. Vì thế, phần bảo hiểm bắt buộc đương nhiên chủ phương tiện phải mua, còn phần bảo hiểm không bắt buộc thì không ít chủ phương tiện không mua. Cũng theo nhân viên này thì đa số những người mua bảo hiểm chưa nhận biết hết những quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm:

Lúc đi mua bảo hiểm thì gần như mọi người ít khi hỏi về điều khoản, điều kiện và các quyền lợi của mình nên khi xảy ra tai nạn không được bảo hiểm. Vì bảo hiểm cũng có những trường hợp anh được bảo hiểm và không được bảo hiểm. Nhiều người không tìm hiểu kỹ nên cứ nghĩ mua bảo hiểm thì trường hợp nào cũng được đền hết. Và khi họ không nhận lại được kỳ vọng như vậy thì họ cảm thấy không thỏa mãn nên không tiếp tục mua nữa.

Thêm nữa, hiện nay có rất nhiều đơn vị bán bảo hiểm nên dẫn đến việc lập lờ đánh lận giữa bảo hiểm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Theo quy định thì bảo hiểm dân sự bắt buộc có 1 tờ giấy riêng, trong đó ghi rõ nội dung bảo hiểm. Tương tự, bảo hiểm thân vỏ cũng có 1 tờ giấy riêng.

Nhưng không ít trường hợp ghi chung vào 1 tờ giấy và nhập nhằng giữa 2 khoản tiền bán bảo hiểm thân vỏ cũng như bắt buộc. Cũng do có quá nhiều kênh bán bảo hiểm nên không ít trường hợp, nhân viên bán bảo hiểm thiếu kiến thức chuyên sâu, không giải thích cặn kẽ với khách hàng về những quyền lợi mà người mua bảo hiểm được hưởng. Hầu hết các đơn vị bảo hiểm bán qua kênh đại lý, điều này cũng gây tâm lý e ngại đối với khách hàng.

Anh Nguyễn Tuấn Đạt, 25 tuổi, chủ phương tiện xe ô tô ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, có trường hợp mua bảo hiểm 3 năm đầu, đến năm thứ 4 thì không mua nữa. Khi xe bị tai nạn hư hỏng, chủ phương tiện lúc đó mới tham gia bảo hiểm: Do quen biết, nhiều trường hợp không có bằng lái ô tô vẫn mua bảo hiểm được. Bạn em bị tai nạn hỏng xe em cũng đã nghe gặp giám định viên nói chuyện rồi ghi lùi ngày lại mua bảo hiểm vẫn được.

Trên thực tế, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lái xe có thể gặp phải những tai nạn như đâm, va quẹt... gây thiệt hại về vật chất cũng như thân thể. Khi đó, buộc phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân tùy theo mức độ hậu quả. Tuy nhiên, nếu đã mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự nói trên thì công ty bảo hiểm sẽ phải hoàn trả cho chủ xe một số tiền nhất định (nếu chủ xe đã bồi thường cho nạn nhân) hoặc công ty bảo hiểm có thể thay mặt chủ xe bồi thường trực tiếp cho nạn nhân.

Anh Đặng Hoàng Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết những người “né” mua bao hiểm thân vỏ vì xe quá cũ, hoặc ít tham gia giao thông. Đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện thì tất cả đều phải tham gia vì đó là quy định và gắn liền với quyền lợi của bên thứ 3 nếu chẳng may lái xe, gây tai nạn cho họ: Số người tham gia giao thông mà phương tiện của họ cũ quá, khấu hao hết rồi thì chắc chắn những người đó họ không mua vì khi có sự cố xảy ra thì họ đem đến ga ra tự sửa. Còn đối với những phương tiện mới sắm hoặc đời còn mới thì chắc chắn người ta sẽ mua. Người không mua thì chắc chắn do chủ quan vì họ tham gia giao thông nhiều năm không thấy xảy ra sự cố chi lớn thì họ không mua thôi. Chớ còn mua thì lợi nhiều lắm chớ, khi xảy ra sự cố chi là bảo hiểm đứng ra lo hết từ thủ tục, đưa xe vô ga ra giám định… đỡ rất lớn về chi phí.

Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, việc mua bán bảo hiểm là giao dịch dân sự giữa người bán và người mua. Chỉ khi lái xe, chủ phương tiện tham gia giao thông thì buộc phải có bảo hiểm dân sự bắt buộc.

Đối với những trường hợp khi xảy ra tai nạn mới đi mua bảo hiểm rồi ghi lùi thời gian để được hưởng bảo hiểm, Thượng tá Hoàng Tiến Sỹ cho biết, đơn vị không can thiệp vào chuyện này: Căn cứ theo các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện thì mình tiến hành xử lý. Còn vấn đề như thế nào thì trong quá trình xử lý, điều tra tai nạn, việc cơ quan bảo hiểm liên hệ với cơ quan công an hoặc cơ quan công an cung cấp hồ sơ tai nạn cho bảo hiểm để thanh quyết toán với người bị nạn hoặc đối với chủ phương tiện. Việc này giữa công ty bảo hiểm với chủ phương tiện chớ cơ quan công an không thể biết rõ mua bảo hiểm trước hay sau khi tai nạn.