Vì sao chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn khu vực?

VOVGT – Phần lớn các linh kiện phải nhập khẩu khiến chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn từ 10-20% so với Thái Lan hay Indonesia…

Ảnh nh họa

Theo thông tin từ Nhóm Công tác Công nghiệp Ô tô-Xe máy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2017), phần lớn các linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất xe ô tô phải nhập khẩu cùng với chi phí đóng gói, hậu cần và thuế nhập khẩu khiến chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn từ 10-20% so với Thái Lan hay Indonesia.

Chính điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, nhất là khi thuế suất ưu đãi còn 0% từ năm 2018.

Để mở rộng sản xuất xe ô tô trong nước, Nhóm công tác Công nghiệp Ô tô-Xe máy của VBF đề xuất, Nhóm Công tác Công nghiệp ô tô hiện tại của Chính phủ cần có sự tham gia của cả các nhà lắp ráp ô tô và các nhà cung cấp linh kiện để hiểu rõ hơn về tình hình hiện nay của ngành. Đồng thời hàng tháng tổ chức các cuộc họp để cùng thảo luận các dự thảo chính sách cho ngành ô tô và báo cáo tiến độ lên Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các nhà xây dựng chính sách cũng nên tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất nhằm giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất xe trong nước từ 2018. Cùng với đó là phát triển các chương trình phù hợp để hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong ngành ô tô với nhau.

Ông Suto Ishii, Tổng Giám đốc Công ty TNHH General Motors Việt Nam cho rằng, hiện nay mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự hiệu quả bởi không có các cơ sở dữ liệu sẵn có liên quan về doanh nghiệp cung cấp linh kiện phụ tùng trong nước. Nếu có được các cơ sở dữ liệu, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tham chiếu và liên hệ với các nhà cung cấp linh kiện trong nước.

Đề xuất các giải pháp phát triển ngành trong bối cảnh hội nhập khu vực từ 2018, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) Phạm Văn Tài nhìn nhận, ngành công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp công nghệ cao và là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như: cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, tin học, tự động hóa…

Tuy nhiên, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần một sản lượng đủ lớn mới có thể đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị để sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành sản xuất trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam rất quan tâm tới ngành công nghiệp ôtô cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ cho ôtô. Cùng với các nhóm giải pháp của Bộ và những đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẵn sàng bàn bạc để phát triển ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam một cách ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thuế nhập khẩu ôtô từ nội khối về 0% từ đầu năm tới.

Đặc biệt, Bộ cũng lưu ý đến vấn đề chống gian lận thương mại, bảo đảm môi trường cạnh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước và nước ngoài.

Trước đó, đánh giá về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sau hơn 20 năm phát triển, Bộ Công Thương thẳng thắn thừa nhận hoàn toàn không đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, mục tiêu đề ra đối với xe đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, nhưng đến nay, tỷ lệ này mới đạt bình quân từ 7-10%.