Vì sao bảo tàng không còn thu hút?

VOVGT - Nhiều bảo tàng ở nước ta không phát huy được hết giá trị lịch sử, văn hóa của quá khứ tới xã hội hiện nay.

Nhiều bảo tàng ở nước ta không phát huy được hết giá trị lịch sử, văn hóa của quá khứ tới xã hội hiện nay - Ảnh nh họa

Bảo tàng là nơi được biết đến để kết nối những giá trị lịch sử, văn hóa của quá khứ tới con người, xã hội hiện tại. Ở nước ta, dù có nhiều bảo tàng quy mô song vẫn chưa phát huy hết hiệu quả, đồng thời thường rơi vào trầm lắng vì không có khách tham quan. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống bảo tàng Việt Nam đã và đang được củng cố, nâng cấp và phát triển với tổng số 149 bảo tàng (gồm 124 bảo tàng công lập và 25 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật (trong đó có nhiều bảo vật quốc gia và sưu tập hiện vật quý hiếm.

Nhưng theo tìm hiểu, ở Hà Nội vốn chỉ có bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bảo tàng Thiên nhiên, bảo tàng Dân tộc học là thu hút được khách. Nguyên do được xác định là bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã năng động tổ chức nhiều sự kiện, bảo tàng Dân tộc học đa dạng và sinh động các hiện vật, còn bảo tàng Thiên nhiên thu hút đối tượng trẻ em. Còn tại TP.HCM, việc không có đủ kinh phí để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, hiện đại hóa trưng bày, xây dựng các chương trình nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch là thực trạng của đa số các bảo tàng nơi đây.

Trao đổi với chương trình, một số du khách cho biết: “Những thiết bị mà người ta có thể tìm hiểu những thông tin của Google, kiểm tra ngay tại đó được thì bảo tàng của mình lại không có. Người ta đi vô bảo tàng cần có một người giải thích cũng không có tìm ra được. Bảo tàng cũng là nơi mang tính nghệ thuật rất là cao cho nên đầu tư vào thị giác phải được ưu tiên hàng đầu thì những bảo tàng hiện nay hoàn toàn không có yếu tố đó”.

“Tính giải trí hiện tại chưa có, không gian chưa được hấp dẫn lắm. Một số bảo tàng chưa cuốn hút người đi tham quan, các bảo tàng giờ cũng sơ sài lắm”.

Trong nhiều năm qua, mạng lưới bảo tàng nước ta vẫn ở tình trạng mất cân đối về loại hình. Hiện tại hầu hết bảo tàng ở Việt Nam là bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội, còn quá ít các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng chuyên ngành về khoa học kỹ thuật. Dù được chú ý đầu tư ở nhiều bảo tàng, hiện vật còn nghèo nàn, kinh phí hoạt động thiếu dẫn đến việc trang thiết bị ít ỏi, cũ kỹ.

Thêm vào đó, việc quản lý lỏng lẻo cũng góp phần dẫn đến tình trạng ế ẩm của các bảo tàng trong nước. Việc tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ bảo tàng cũng chưa mang tính chuyên nghiệp, khả năng thực hành các mặt công tác nghiệp vụ cụ thể còn nhiều bất cập. Ngay cả công tác quảng bá để thu hút công chúng đến với bảo tàng cũng chưa được quan tâm và đầu tư thỏa đáng nên người ta không biết bảo tàng có gì hay. Sự phối hợp, mối quan hệ hợp tác giữa bảo tàng với các đơn vị lữ hành chưa chặt chẽ.

Trong bối cảnh có quá nhiều hoạt động giải trí như ti-vi, rạp chiếu phim, khu vui chơi,... để kéo khách đến với bảo tàng, nhất thiết phải đa dạng hóa loại hình hoạt động để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Bảo tàng nào không nỗ lực sáng tạo vì công chúng thì bảo tàng đó sẽ bị đào thải.

Đó là ý kiến của PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam:“Ở mỗi bảo tàng có một sự tương tác khác nhau. Theo tôi vấn đề quan trọng nhất là bảo tàng biết kể những câu chuyện như thế nào với người khách. Bởi những tài liệu của bảo tàng là vô giá như những cuốn nhật ký, công văn, hiện vật… Nó có câu chuyện, có chủ nhân, vấn đề là chúng ta phải biết kể câu chuyện gắn liền với chủ nhân của các hiện vật. Những người làm bảo tàng phải kết hợp các hiện vật với nhau thành một chuỗi các câu chuyện giống như nhà văn họ viết tiểu thuyết thì học sinh hay khách đến thăm sẽ thích. Hãy kể những câu chuyện bình dị dễ hiểu chứ đừng kể những câu chuyện bác học”.

Các bảo tàng cũng phải nhìn lại mình để có một sự thay đổi về cung cách phục vụ, về khả năng hiện có để nâng cao sức hút và tăng cường mối quan hệ hợp tác, liên kết; phát huy hơn nữa nguồn lực xã hội hóa chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước và những điều kiện thuận lợi nhất.Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, công việc của bảo tàng hiện nay gắn với xã hội một cách rất thân thiện, đa dạng chứ không chỉ là nơi lưu giữ, trưng bày, mọi người không động, không chạm đến hiện vật:

“Có những bảo tàng phải có một sự thay đổi cách mạng về tinh thần. Chức năng của bảo tàng có 2 cái, một là chức năng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa. Thứ hai khi mà đã gìn giữ được rồi thì phải mang lại giá trị cho công chúng hưởng thụ và phát huy được giá trị ấy đến đâu. Rõ ràng đây là câu chuyện mà bây giờ các bảo tàng vẫn đang tiếp tục nhìn lại mình để vừa giữ gìn tốt vừa phát huy tốt để mang lại giá trị cho cộng đồng”. - Tiến sỹ Nguyễn Văn Cường cho biết.

Để bảo tàng trở thành điểm thu hút khách trong và ngoài nước, các đơn vị quản lý ngành văn hóa cần có những đầu tư nhiều hơn nữa cho bảo tàng. Về phần mình, các bảo tàng cần đặc biệt chú trọng đến đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết nh viên - những người thổi hồn cho bảo tàng. Bảo tàng sinh động, hấp dẫn hay tẻ nhạt, đơn điệu một phần quan trọng nhờ vào đội ngũ hướng dẫn viên. Bảo tàng nào cũng mong muốn có đông khách đến tham quan, tuy nhiên, nếu không sớm khắc phục những hạn chế nêu trên thì cảnh đìu hiu, vắng khách sẽ còn tiếp diễn.