Vẽ tranh màu nước để phục hồi não sau chấn thương, đột quỵ

Có một lớp học vẽ trong bệnh viện, học viên là những bệnh nhân bị tổn thương não do những chấn thương hay bệnh lý tai biến. Những bàn tay tập cầm cọ, phết màu nước phác họa từng bức tranh như thể tìm lại chính mình sau những tổn thương về bệnh tật.

Không khí lớp học vẽ của những bệnh nhân đột quỵ, chấn thương sọ não. Lớp vẽ diễn ra vào mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện An Bình.

Năm 2013 lớp vẽ ra đời nhằm mục đích giúp bệnh nhân sau đột quỵ, chấn thương não cải thiện khả năng vận động, giao tiếp, tự tin trong cuộc sống.

Phòng hoạt động trị liệu lúc nào cũng đầy cọ vẽ, giấy, màu nước, khung tranh và 3-4 tình nguyện viên sẵn sàng hỗ trợ các bệnh nhân yếu, liệt về vận động tìm lại chính mình.

Bệnh nhân đến lớp vẽ thường bị tổn thương não gây yếu liệt phần tay thuận khó khăn trong sinh hoạt

Bác sĩ CK2 Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện An Bình cho biết: Câu lạc bộ hội họa bệnh viện triển khai được 6 năm, vì COVID-19 nên gián đoạn, trong vòng hai năm trở lại đây mới hoạt động. Đa số ở đây là các bệnh nhân sau khi bị tổn thương não do tai biến mạch máu não hay chấn thương sọ não, thường thường bị tổn thương nửa bán cầu làm cho bệnh nhân yếu liệt một bên.

Nhiều  bệnh nhân bị tổn thương bán cầu não trái sẽ bị yếu liệt bên phải và cũng là bên tay thuận của rất nhiều người. Vi vậy, khi thực hiện liệu pháp hội họa trong phục hồi chức năng để giúp cho bệnh nhân có thể vận ngôn, vận động.

Hiệu quả sau điều trị rất rõ rệt. Nhiều bệnh nhân ở tỉnh cũng bắt xe lên lớp học vẽ để hồi phục khả năng ngôn ngữ và vận động. 

Mỗi bức tranh của bệnh nhân như một tác phẩm của những “họa sĩ”

Bệnh nhân Hồ Đắc Thắng (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, ông được người học trò đã từng trị liệu ở đây giới thiệu đến lớp học. Ban đầu, ông Thắng vừa tập vừa vẽ rất khó, song với ông đây là liệu pháp giúp ông luôn hào hứng, bởi ngày xưa ông từng vẽ màu nước và giờ cầm cọ như thể tìm lại đam mê,  ký ức của ngày xưa.

“Bệnh như tôi cái não bị hư hỏng một phần, khi đến đây làm việc sẽ giúp cho não hoạt động trở lại, giúp những phần bị chết hồi phục trở lại giúp mình có thể vận động trở lại như cũ”, ông Thắng chia sẻ. 

Một học viên đang rất say sưa với những nét vẽ cho bức tranh của riêng mình.

Còn bà Phạm Thị Bích Tùng (ngụ quận 4, TP.HCM) mỗi lần đến lớp học là cách giúp con người bà thong thả, buông lỏng sau những áp lực bệnh tật khó chịu, làm đau nhức khó ngủ.

Lớp học giúp bà có tâm trạng thư thái tự nhiên, mỗi khi thả hồn vào tranh vẽ cảm thấy con người dễ chịu, cảm giác đau cũng bớt đi nhiều. 

Nhiều bệnh nhân tham gia lớp vẽ được các tình nguyện viên hỗ trợ tận tình
Mỗi nét vẽ chính là cách bệnh nhân tìm lại chính mình, hồi phục vận động và ngôn ngữ

Bác sĩ Giang nói về khó khăn trong triển khai lớp học khi gặp một số bệnh nhân không có người thân để đưa đi. Dù nhiều người muốn tham gia nhưng họ không đủ điều kiện tham gia hoặc nhà ở xa. Rồi vấn đề sức khỏe của nhiều bệnh nhân mắc thêm một số bệnh lý khác mà chưa thể phục hồi hoàn toàn thì cũng gặp khó.

Nhân viên y tế vì vậy cũng thường xuyên động viên cho người bệnh và người nhà cố gắng đưa người thân đến tham gia lớp học.

Nhân viên y tế hỗ trợ tận tình các bệnh nhân

Ngoài việc phát triển về mặt phục hồi, bệnh nhân còn có nhóm các bệnh nhân đồng mắc-như cùng cảnh ngộ, bác sĩ tạo ra môi trường rất riêng cho bệnh nhân sinh hoạt. Ở những môi trường này ngoài vẽ thì bệnh nhân có thể trao đổi chia sẻ những câu chuyện với nhau, giúp giảm stress.

Khi nhiều người cùng cảnh ngộ với mình, bệnh nhân cảm thấy tự tin hơn trong công việc cũng như trong việc học vẽ. Sau khi nỗ lực, từng nét vẽ có được bức tranh đầu tiên, đó là động lực để người bệnh cảm thấy giá trị của hội họa trị liệu trong phục hồi những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần.