Vài hôm nữa, xem người ta thả cá...

Cứ mỗi dịp 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công ông Táo, lại ngán ngẩm chuyện túi nilon đựng cá chép bị người đi thả cá vứt tứ tung khắp nơi…

Ảnh: Phúc Tài

 Câu chuyện không mới, nhưng tại sao tình trạng này vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác, mà không thể giải quyết triệt để? Có người bảo, trừ khi không còn túi nilon mới hết tình trạng này. Thế nhưng liệu có phải vậy?

Nếu không có túi nilon đựng cá, có lẽ người ta sẽ vứt những thứ khác, tương tự. Đó là câu chuyện của ý thức.

Phong tục, khởi nguồn luôn là vệc thể hiện những ước vọng, mong muốn cho một cuộc sống tương lai tốt đẹp. Những phong tục tập quán của cha ông được truyền từ đời này sang đời khác, không chỉ nhằm mục đích muốn con cháu “phải” làm theo, thực hiện, như một cách nhớ tới cội nguồn, văn hóa, lịch sử cha ông.

Mà trên hết, những phong tục, tập quán ấy, khi được thực hành còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách những đứa trẻ trong cộng đồng sở hữu những di sản văn hóa đó. Điều quan trọng, là phải thực hành sao cho đúng và có văn hóa.

Tất nhiên, trong quá trình phát triển của xã hội, tất cả đều phải vận động và thay đổi, sao cho phù hợp với thời đại. Những điều cổ hủ, lạc hậu sẽ dần biến mất. Nhưng không vì thế mà chúng ta cho phép những sự biến tướng, méo mó trong việc thực hành phong tục, tín ngưỡng, lễ hội. Đã có quá nhiều bài học về những việc như thế.

Cá chép, con vật tượng trưng cho phương tiện đi lại của các vị thần Táo quân sử dụng để lên Thiên đình theo quan niệm dân gian

Như đã nói, việc các thế hệ đi trước thực hiện ra sao sẽ tác động rất lớn tới suy nghĩ, nhân cách của lớp trẻ. Hằng ngày, đi ngoài đường chúng ta vẫn phải chứng kiến cảnh xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Những ông bố, bà mẹ chở con trên ô tô, xe máy vô tư vứt rác xuống đường trong khi chở con trẻ.

Và đương nhiên, khi nhìn thấy thế, chúng sẽ bắt chước.

Bố mẹ, ông bà đi thả cá sau khi cúng ông Công, ông Táo và thả luôn túi nilon, bát hương, ban thờ xuống sông, xuống hồ, những đứa trẻ trong vô thức sẽ học theo, và lớn lên, khi thay cha mẹ làm việc đó, chúng sẽ không nhận ra mình đang làm sai mà chỉ đơn giản là làm theo thế hệ đi trước.

Có lần, đã lâu, sau ngày cúng ông Công, ông Táo, tôi đi qua cầu Long Biên, trên lan can cầu có rất nhiều túi nilon được treo. Thoạt đầu, cứ nghĩ đó là những người làm nghề thu gom phế liệu mang về phơi.

Nhưng hóa ra đó là túi đựng cá chép mà người ta mang ra thả trên sông, rồi buộc lại ở đó. Vậy là, dù sao, những người ấy cũng có 1/2 ý thức, không vứt luôn túi nilong xuống sông…

Theo quan niệm của nhiều người Việt, cuối năm sau ngày cúng ông Công ông Táo họ thường mang bát hương, ban thờ cũ ra sông vứt bỏ, cho "mát mẻ"

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh anh công nhân công ty vệ sinh môi trường mướt mải mồ hôi trong cái rét mùa đông vài năm trước đi gom túi nilon, bát hương người ta vứt xuống Hồ Hoàn Kiếm - địa điểm có thể nói là linh thiêng trong đời sống của người dân Thủ đô. Câu nói của anh cứ ám ảnh tôi mãi: Công việc của chúng em đã rất vất vả rồi, mong mọi người sau khi cúng xong đừng vứt rác, vứt túi nilon xuống hồ…

Chắc nhiều người trong chúng ta đã từng được chứng kiến cảnh những người thả cá chép xuống sông, xuống hồ, thậm chí vẫn còn buộc chặt ệng túi và vứt cả túi lẫn cá xuống sông…

Như thế, thì đúng là ông là ông Công, ông Táo về “chầu giời” thật chứ làm sao mà có cơ hội gặp được Ngọc Hoàng để báo cáo chuyện trong năm?

Rồi vài hôm nữa, cứ ra dọc sông Hồng mà xem người ta thả cá ra sao?...