Ứng phó thế nào khi Hà Nội ô nhiễm không khí kéo dài?

Những ngày gần đây, tại TP. Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc thường xuyên chìm trong màn sương mù dày đặc kèm mưa phùn trên diện rộng.

Điều kiện thời tiết cũng khiến nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí cao hơn, chỉ số ô nhiễm luôn ở mức báo động đỏ và tím.

Vậy người dân cần ứng phó thế nào khi không khí đang bị ô nhiễm dài ngày? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này qua trao đổi của PV Kênh VOV Giao thông với TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

PV: Thưa TS, theo số liệu quan trắc của Pam Air, từ đầu tháng 2 đến nay, chỉ số mức độ ô nhiễm ở các điểm tại Hà Nội đạt ngưỡng có hại cho sức khỏe con người. Tại sao lại có tình trạng ô nhiễm không khí dài ngày đến như vậy?

TS. Hoàng Dương Tùng: Như chúng ta biết và qua số liệu quan trắc nhiều năm, chúng tôi nhận thấy đây là mùa ô nhiễm. Mùa này các chỉ số về AQI rất cao, một số ngày đặc biệt cao có thể lên đến màu nâu.

Việc tháng 2 năm nay chỉ số cao như vậy không bất thường so với các năm là vì nguồn thải của chúng ta vẫn vậy. Qua theo dõi nhiều năm chúng tôi thấy nguồn phát thải không giảm mà thậm chí còn tăng.

Tuy nhiên các điều kiện về khí hậu, thời tiết ẩm thấp, lặng gió cho nên không làm khuếch tán không khí được, thành ra lưu cữu các chất thải từ các nguồn công nghiệp, giao thông, nguồn đốt thải ra ngoài không có biện pháp hạn chế.

Chính vì vậy càng làn tăng ô nhiễm không khuếch tán đi đâu được. Nếu chúng ta để ý có cơn gió mùa đông bắc thì lập tức chỉ số sẽ giảm ngay, đấy là việc điều kiện thời tiết như gió, nhiệt độ sẽ làm tăng hoặc giảm đi ô nhiễm.

Trong đầu tháng 2 này chúng ta thấy hiện tượng thời tiết như mọi năm, lập xuân, mưa phùn, những ngày ẩm thấp, gió lặng không tạo điều kiện cho không khí ô nhiễm khuếch tán đi đâu cả nên liên tục thấy các chỉ số cao là như vậy.

Những ngày gần đây, tại TP. Hà Nội và nhiều nơi ở ền Bắc thường xuyên chìm trong màn sương mù dày đặc kèm mưa phùn trên diện rộng - Ảnh VTC

PV: Với thời tiết mưa phùn, nồm ẩm và không khí ô nhiễm như vậy, người dân cần lưu ý những điều gì để đảm bảo sức khỏe, thưa TS?

TS. Hoàng Dương Tùng: Những năm trước chúng ta thấy nếu không có số liệu quan trắc thì sẽ có cảm giác nồm, ẩm thấp, khó chịu. Những năm gần đây qua các số liệu quan trắc thì chúng ta thấy một trong những nguyên nhân làm khó chịu, khó thở trong đường hô hấp là chỉ số ô nhiễm rất cao.

Không khí vừa ẩm thấp lại vừa ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người già và trẻ em là những người có hệ thống hô hấp tương đối yếu.

Chúng tôi nghĩ rằng trong những ngày này, đối với những người đi ra ngoài đường nếu có điều kiện có thể chọn thời điểm hoặc cân nhắc ngày ra ngoài.

Những người có nhạy cảm về sức khỏe tôi nghĩ cần theo dõi các chỉ số về ô nhiễm không khí ở các phương tiện thông tin đại chúng, do đó nếu thấy ô nhiễm quá thì tốt nhất nên ở trong nhà và tránh ra ngoài dể khả năng phơi nhiễm giảm đi.

Ở trong nhà, nếu ai có điều kiện có thể dùng thiết bị máy điều hòa có chế độ lọc không khí hoặc máy lọc không khí để bới ô nhiễm ở trong nhà và tạo không khí trong lành và tốt nhất hạn chế ra ngoài trời để tránh thời gian bị phơi nhiễm.

PV: Xin cảm ơn ông.