Ứng dụng BIM ở dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên với tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12/2025.

Hội thảo Ứng dụng BIM trong triển khai xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên

Tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên là một trong những tuyến kênh lớn của TP.HCM chảy qua 7 quận, huyện kết nối sông Chợ Đệm và sông Sài Gòn, với tổng chiều dài hơn 31,464 km đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 897/QĐ-UBND ngày 29/3/2022, trong đó có nội dung áp dụng quản lý mô hình thông tin công trình (BIM) trong giai đoạn thiết kế và triển khai thi công. 

Đây là một trong những dự án lớn của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay, dự án trải dài trong lòng đô thị và giao cắt, kết nối với các dự án đầu tư xây dựng mới trong khu vực, cũng như các hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu phức tạp.

Với yêu cầu nâng cao khả năng phối hợp làm việc giữa các bên tham gia trong quá trình triển khai dự án quy mô lớn như dự án này, điều đó đòi hỏi áp dụng chuyển đổi số và sự đồng thuận cao về các quy trình làm việc và chia sẻ thông tin xuyên suốt vòng đời dự án của các bên liên quan. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban QL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

Tại Hội thảo Ứng dụng BIM trong triển khai xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên vào sáng 13/4, Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. HCM cho biết: “Mục tiêu lập và áp dụng mô hình BIM nhằm hạn chế các sai sót trong quá trình thiết kế, kiểm tra xung đột các hạng mục công trình, quản lý thống nhất tài liệu hồ sơ trong quá trình thi công công trình và bàn giao mô hình BIM cho giai đoạn quản lý khai thác sau này. Ngoài ra việc áp dụng mô hình thông tin công trình xuyên suốt cả vòng đời, từ khâu thiết kế, thi công nhằm tạo môi trường chung để làm việc tăng tương tác giữa các bên tham gia dự án, nâng cao chất lượng công trình, tiết kiệm chi phí”. 

Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp là đơn vị tư vấn thực hiện hoàn thành công tác lập mô hình BIM trong giai đoạn thiết kế, đang thực hiện xây dựng các nội dung triển khai thực hiện quản lý BIM trong giai đoạn thi công.

Ông Phan Trọng Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hưng Nghiệp chia sẻ: “Bộ Xây dựng đã có Quyết định 348/QĐ-BXD về việc áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM). BIM phục vụ cho việc phối hợp, kiểm soát, chia sẻ thông tin, chuyển giao thông tin trong dự án diễn ra thuận lợi, hạn chế lỗi trong quá trình thiết kế cũng như giai đoạn thi công. Từ đó, hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định trong các giai đoạn của dự án. Ba mục tiêu chính là quản lý thông tin, phối hợp thiết kế, điều phối mô hình. Với một dự án lớn và dữ liệu thông tin rất nhiều như dự án này, việc ứng hụng BIM rất quan trọng, đặc biệt tránh xung đột giữa mô hình thiết kế mới với mô hình hiện hữu.

Ví dụ. như chúng ta có tổng 64km kè đã xây dựng hiện tại và thiết kế mới, thì có tương đương khoảng hơn 60.000 cây cừ và các loại khác; việc quản lý xây dựng các hạng mục công trình như vẫn thường làm trong những năm trước là rất khó khăn với khối lượng công việc và hồ sơ rất lớn và gần như không khả thi. Bởi thế, chúng tôi cần áp dụng công nghệ vào quá trình triển khai dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như đảm bảo thông tin chính xác xuyên suốt quá trình thực hiện một cách nhanh nhất”.

Ông Phan Trọng Anh-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hưng Nghiệp

 Trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc kiểm soát các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện hữu, đặc biệt là các công trình ngầm, việc thu thập dữ liệu dựa trên cơ sở nào, ông Phan Trọng Anh giải thích: “Chúng tôi thu thập thông tin từ các nguồn bao gồm: Hồ sơ khảo sát địa hình; các hồ sơ hoàn công; đối với các công trình hạ tầng ngầm khác sẽ thu thập thông tin qua các biên bản, bản vẽ đã thoả thuận giữa BQL dự án với các bên liên quan”. 

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có nhiều hạng mục quan trọng gồm: Xây dựng tuyến kè bờ kênh; Nạo vét kênh; Xây dựng đường giao thông hai bên bờ kênh; Xây dựng mới các công trình trên tuyến; Xây dựng mới 20 cống thoát nước đầu các kênh nhánh cấp II trên tuyến; Xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến; 03 cầu giao thông dọc tuyến với tải trọng thiết kế HL93 (cầu rạch Lăng, cầu rạch Sâu, cầu rạch Đất Sét); các nút giao thông dọc tuyến; hào kỹ thuật dài khoảng 63,4km; hệ thống thoát nước mưa có chiều dài khoảng 56,42km; cải tạo cảnh quan dọc tuyến gồm: Cây xanh, công viên, chiếu sáng, … Diện tích mảng xanh của dự án khoảng 26 ha.