Tỷ lệ sinh mổ tăng cao, hệ luỵ khôn lường cho cả mẹ và bé

Trên thực tế, rất nhiều phụ nữ muốn sinh mổ vì sợ đau, sợ xấu, thậm chí mê tín, muốn chọn ngày giờ đẹp mà không lường trước hậu quả. Làm thế nào để quản lý tỷ lệ sinh mổ ở mức an toàn?

 Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế, tỷ lệ mổ lấy thai tại Việt Nam tăng liên tục trong 15 năm qua, từ khoảng 12% năm 2005, lên 36,6% trong 9 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).

PV: Ông có đánh giá thế nào về tỷ lệ sinh mổ tăng cao tại Việt Nam?

PGS. TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang: Tỷ lệ mổ lấy thai không chỉ gia tăng ở Việt Nam mà nó tăng trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, tỷ lệ mổ sinh năm 1990 là 7%, năm 2021 là 21,1%, như vậy gia tăng tới 3 lần.

Đương nhiên ở Việt Nam gia tăng nhanh hơn, nhưng quốc gia tỷ lệ mổ sinh cao nhất là Thổ Nhĩ Kỳ tới 54,4%, Hàn Quốc là 47,5% và Ba Lan là 38,9%. Và người ta cũng dự đoán đến năm 2030, việc mổ sinh ở các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, sẽ gia tăng hơn 50%, thậm chí có thể lên tới 63%.

Một người phụ nữ đi sinh có thể không được quyết định, mà quyết định bên nội là ngày tốt phải sinh, tại vì người phụ nữ đó bị lệ thuộc về kinh tế. Đó là những yếu tố tác động về mặt văn hóa, xã hội, ngay cả giới chuyên môn cũng khó lòng can thiệp được.

Trên tổng số chung thì số biến chứng, tai biến bên sinh mổ nguy cơ nhiều hơn sinh thường 4-5 lần, bao gồm nhiễm trùng vết mổ với bà mẹ, biến chứng liên quan dùng thuốc mê, thuốc tê,… Còn em bé sinh thường nên không bị ứ đọng dịch phổi, giảm biến chứng suy hô hấp. Đó là những ích lợi lớn nhất, còn những chi tiết khác còn tùy vào tình huống.

Gia đình của thai phụ, và đặc biệt là thai phụ, phải có được thông tin rất đầy đủ và công bằng, rõ ràng về rủi ro, lợi ích của việc sinh thường. Và người phụ nữ phải được tham gia vào quá trình đó.

 

Ảnh nh họa

PV: Vậy cần làm gì để kéo giảm tỷ lệ sinh mổ, hỗ trợ nhiều hơn cho thai phụ?

PGS. TS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang: Bộ Y tế, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em đã có những định hướng. Chúng ta trong thời gian vừa qua đã cố gắng làm giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và thai nhi, cho tỷ lệ này đạt thứ hạng cao trên thế giới, giảm từ 250 ca từ cách đây 5 thập kỷ, bây giờ xuống còn hơn 50 ca trên 100.000 ca sinh và mổ.

Hiện nay, Việt Nam cũng có tham gia với các nước một dự án quốc tế, xem xét tỷ lệ mổ sinh ở các nước như thế nào, tìm ra các tác động từ phía bà mẹ, từ phía cơ sở y tế.

Thứ nhất là làm thế nào để hỗ trợ thai phụ như tôi vừa nói. Thứ hai là đánh giá việc thực hành trong các bệnh viện. Thứ ba là xem xét lại các hướng dẫn quốc gia và quốc tế, để xem mình có cập nhật thêm không, cho việc can thiệp chính xác và có bằng chứng y khoa nhiều hơn.

Thứ tư, tác động lên ý kiến của các lãnh đạo. Làm sao khống chế được ở bệnh viện tư hay bệnh viện công, thì cần có vai trò định hướng của lãnh đạo, bởi chỉ có theo dõi trực tiếp ca sinh thì mới có thể quyết định được. Cuối cùng là cung cấp công cụ hỗ trợ cho người phụ nữ mang thai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ mổ lấy thai chỉ nên giới hạn dưới mức 15% để tránh tai biến, và nếu không vì lý do y khoa thì không nên mổ lấy thai trước 39 tuần. Tỷ lệ mổ lấy thai trên 15% sẽ xảy ra nhiều tai biến hơn cho mẹ và con.

Việc gia tăng sử dụng các biện pháp can thiệp vừa làm gia tăng chi phí y tế không cần thiết, vừa làm suy yếu khả năng sinh đẻ bình thường./.