Tượng phật say Thụy Chương

VOVGT- Rượu ướp nhụy sen của làng Thụy Chương xưa, nay là Thụy Khuê vốn nức tiếng Thăng Long một thời

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Lò nấu rượu ngày xưa (Ảnh: Tư liệu)

Giữa một Hà Nội xô bồ, nhộn nhịp, có những lúc, con người lại muốn tìm về những chốn làng quê bình yên, để cho tâm hồn được nhẹ nhàng, để không phải bon chen, mệt mỏi. Và ngày nay vẫn còn có một con phố như thế, với những cổng làng cổ kính, mang dáng dấp thôn quê, nơi được mệnh danh là hồn làng trong phố ở ngay trung tâm Hà Nội mà chúng ta vẫn có thể tìm lại chút dấu nét xưa cũ – đó là phố Thụy Khuê.

Thụy Khuê không chỉ nổi tiếng bởi là phố còn lưu giữ nhiều cổng làng nhất Hà Nội mà còn vì nơi đây là cái nôi của rất nhiều làng nghề truyền thống như dệt vải, làm giấy và đặc biệt là nấu rượu nhụy sen. Rượu ướp nhụy sen của làng Thụy Chương xưa, nay là Thụy Khuê vốn nức tiếng Thăng Long một thời. Tương truyền rằng, loại rượu ngon hiếm có này khiến Phật cũng phải phá giới để thưởng thức và “say la đà”.

Chính vì vậy, dân làng đã tạc một bức tượng phật say như một niềm tự hào về nghề nấu rượu của quê hương mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện thú vị này qua lời kể của vị khách mời quen thuộc – nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, báo Hà Nội Mới:

 

Thụy Khuê ngày nay là 1 con phố kéo dài khoảng hơn 3km, từ ngã ba Quán Thánh đến đường Lạc Long Quân. Xưa kia, làng này vốn có tên là Thụy Chương, vốn là một trong 36 phố phường khi xưa ở đất kinh kỳ, vừa cổ kính, vừa yên bình. Nằm ngay cạnh hồ Tây với hoa sen bát ngát, mỗi mùa sen nở tỏa hương ngào ngạt khắp vùng nên rượu nhụy sen cũng vì thế trở thành một đặc sản của ngôi làng này.

Sự kết hợp giữa mùi men rượu với hương thơm dịu dàng của sen mang đến một hương vị vô cùng dễ chịu, khác biệt và khó cưỡng. Chính vì vậy, không chỉ được người Thăng Long xưa ưa chuộng, mà rượu của làng Thụy Chương đã khiến cả người Pháp cũng phải tấm tắc khen là “rượu ngon nhất trong các loại rượu ở Bắc Kì” với mùi thơm nhẹ và rất dễ uống.

>>> Rừng trúc Nghi Tàm

Cách làm rượu nhụy sen Thụy Chương cũng vô cùng đặc biệt, cầu kì. Nếu không phải người dân trong làng thì khó lòng mà cho ra được hương vị như ý. Tuy nhiên, theo thời gian, nghề nấu rượu nhụy sen cũng đã bị thất truyền nên chẳng còn ai biết được công thức để làm thứ rượu quý này.

Vài chục năm về trước, các sư ở chùa Kim Liên đã thử phục hồi lại cách làm rượu nhụy sen. Sau một lớp cơm trộn men lại rải lên một lớp nhụy sen, cứ như vậy cho đến hết. Rồi ủ cho đến khi cơm ngấu men thì đổ nước vào và chờ cho nổi cơm thì nấu như nấu rượu thường. Nước được dùng để nấu rượu cũng phải là nước mưa sạch, chứ không dùng nước giếng. Kết quả thu được là những bình rượu có mùi thơm nhẹ, thoang thoảng hương sen, khi uống mang đến một cảm giác rất dễ chịu, thanh cao.

Thế nhưng, có lẽ hương vị rượu nhụy sen được các nhà sư phục chế vẫn khó đạt được đến hương vị của rượu nhụy sen khi xưa. Chưa kể đến, để có được 10 lít rượu đặc biệt này, người ta đã phải cần tới cả đầm sen để lấy nhụy. Chính vì sự công phu trong các bước làm rượu nhụy sen mà ngày nay, món rượu quý này dù đã được khôi phục nhưng vẫn chưa có nhiều người dám đầu tư công sức theo đuổi. Nhà báo Ngọc Tiến cho biết thêm:

 

Sau này, khi sen không còn thì công thức nấu rượu sen cũng mất, nhưng cách đây khoảng độ gần 20 năm, các vị sư trụ trì chùa Kim Liên thì mong muốn có 1 dự án khôi phục lại rượu sen thì cho đến nay cũng đã cho ra được 1 loại rượu sen rất ngon và cũng được bán ở nhiều nơi. Tuy nhiên không dám chắc có phải đúng là rượu sen của Hà Thành hay không vì thực tế sen Hà Thành cũng không còn nhiều, nhưng điều chắc chắn là công thức cổ nấu rượu bằng nhụy sen của Hà Thành ngày nay đã được người ta tìm tòi ra gần như công thức của ngày xưa nên rượu sen bây giờ được những người uống rượu sành đánh giá rất tốt. Đó cũng là công lao của rất nhiều người với mong muốn khôi phục lại truyền thống.

Làng Đông Xã nằm trên phố Thụy Khuê ngày nay (Ảnh: Trọng Nhân)

Rượu nhụy sen làng Thụy Chương vốn nức tiếng đất Thăng Long một thời là thế, nhưng với nhiều người hiện nay thì đây hoàn toàn là một điều mới lạ. Cũng không khó hiểu, bởi những đầm sen hồ Tây mênh mông ngút mắt khi xưa nay chỉ còn lại vài đầm nhỏ để phục vụ kinh doanh du lịch là chủ yếu, còn ai đã sống trong những năm đó thì cũng đã thành người thiên cổ.

Ở thời đại mới, làng Thụy Khê đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn khác, với những ngôi nhà cao tầng, những hàng quán xa xỉ, nhộn nhịp:

 

# Mình mới nghe làng Thụy Khê có nghề làm giấy thôi, còn nấu rượu thì mình chưa nghe thấy bao giờ, tượng phật say cũng không nghe bao giờ luôn.

# Mình sinh ra ở đây nhưng chưa nghe nói đến nghề nấu rượu nhụy sen hay tượng phật say ở phố mình bao giờ cả.

# Ở đây thì bây giờ các ngành nghề truyền thống còn tồn tại ít, chủ yếu người ta chuyển sang kinh doanh buôn bán các mặt hàng thương mại nhiều.

# Mình nghĩ những cái này thì chỉ có các cụ cao tuổi là còn biết thôi chứ người trẻ như mình thì thực sự mình chưa nghe đến rượu nhụy sen hay tượng phật say ở làng Thụy Chương bao giờ.

Không chỉ là một nét văn hóa truyền thống rất đáng để tự hào, rượu nhụy sen và bức tượng phật say Thụy Chương còn là một giai đoạn lịch sử của làng Thụy Khê nói riêng và của dân tộc nói chung. Với những người từng nghe, từng đọc hay tìm hiểu về thứ rượu quý này thì mỗi khi nhắc đến vẫn gợi nhiều nuối tiếc.

Một người dân sinh sống nhiều năm trên phố Thụy Khuê, cô Nghị cho biết: “Cô thì không sinh ra thời đó nhưng nghe các cụ kể lại là ngày xưa ở làng Thụy Khê này thì nổi tiếng với cái nghề nấu rượu nhụy sen. Nó rất là ngon. Mình cũng rất là tự hào. Sau khi nghề nấu rượu mai một, rồi dần dần bỏ đi thì dân làng chuyển sang làm nghề giấy. Làm nghề giấy phát triển một thời gian thì dân làng thấy thu nhập không cao và cũng khá là vất vả thì họ dần chuyển sang các nghề khác: nghề kinh doanh, buôn bán, xây dựng, chợ búa…nhiều nghề lắm. Nghề làm giấy chỉ còn vài hộ trong làng duy trì phát triển còn lại hầu như bỏ hết rồi, họ không còn mặn mà với cái nghề này nữa. Nếu như được khôi phục thì bản thân cô cũng ủng hộ để duy trì được nghề của cha ông ngày xưa, để lấy lại được nghề truyền thống của quê mình.”

 

Năm 1895, nhà máy rượu đầu tiên ở Bắc Kì được Pháp xây dựng trên mảnh đất thuộc 2 thôn Cảm Ứng và Hòa Mã ( nay nằm trên mặt phố Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc và Hòa Mã). Rồi từ đó, những nhà máy rượu của Pháp mọc lên ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, loại rượu này ban đầu sản xuất thì nhiều nhưng lại không bán được là bao, chưa kể lại còn phải đóng thuế. Chính vì vậy mà những chủ nhà máy rượu đã yêu cầu chính quyền phải thu thuế của bất kì loại rượu nào ở Hà Nội. Việc này vấp phải sự phản đối của người dân Hà thành.

Cuộc chiến giữa rượu Tây và rượu trắng vẫn chưa dừng lại. Đám chủ nhà máy rượu của Pháp viện lí do rượu nấu thủ công không đảm bảo chất lượng và trốn thuế gây thiệt hại tài chính. Vì vậy mà chính quyền đã ra lệnh cấm nấu rượu, nếu còn vi phạm thì bị bỏ tù. Lệnh cấm rượu này khiến cho các làng nấu rượu truyền thống có tiếng ở đất Hà thành mất dần, trong đó có rượu nhụy sen của làng Thụy Chương.

Sự kì công trong cách nấu rượu nhụy sen cũng đã thể hiện phần nào nét ăn, nét uống của người Hà Nội. Uống rượu, trong văn hóa của người Hà thành là sự thể hiện chất nhân sinh, nhân bản và phong cách ứng xử của con người trong xã hội. Trong mâm cơm, mâm cỗ, ngồi ăn, ngồi uống ở tư thế nào, cách ăn uống ra sao cho tao nhã đều rất được coi trọng.

Ví dụ như trong một mâm cỗ 4 người của các cụ thời xưa, một be rượu sứ, bốn chiếc chén con. Đầu tiên, chủ nhà nâng chén rượu ngang mặt như một lời mời khách. Sau đó, 3 chén khách nâng theo rồi cùng chạm môi, nhấp một ngụm nhỏ và lại kề khà đặt xuống. Các cụ vừa thong thả ăn, từ từ uống và ôn tồn nói chuyện.Từ chuyện thế sự, chuyện phố chuyện làng, chuyện văn chương, chuyện nhà cửa,…

Bữa cỗ cứ diễn ra trong nhẹ nhàng, không ai ồn ào to tiếng. Cũng hiếm khi nào người Hà thành để cho mình uống say. Như Phạm Đình Hổ ghi nhận mỹ tục của người Thăng Long trong Vũ trung tùy bút là: “Khi nào có khách cần thết rượu thì dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái mà uống, vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là đắm say” .

>>> Rừng bàng Yên Thái

Văn hóa uống rượu khi xưa cũng đã không còn. Thay vì nhâm nhi ly rượu thì chúng ta lại thấy chốc chốc những tiếng chạm cốc vang lên, những tiếng hô, tiếng dô vang to khắp nhà hàng, quán ăn, rạp cỗ. Rượu uống như nước lã, tu ừng ực mà không hề chán. Họ còn ép nhau uống, cho tới khi say mềm người, uống cho đến khi là rượu nói chứ không còn là người nói, dù chẳng biết là đúng sai, hay dở thế nào.

Kết thúc bữa rượu, êm đẹp thì anh em vui cười bá vai bá cổ, mắt lờ đờ, chân loạng choạng đứng dậy. Còn nếu nhỡ may nói gì không vừa lòng nhau, có thể xảy ra xô xát, xích mích, ẩu đả. Chưa kể đến những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe khi văn hóa uống rượu thiếu lành mạnh cứ dần lan rộng trong xã hội, trong lớp thanh niên là nguồn lao động chính của đất nước.

Thời gian đã khiến cho những di sản văn hóa mai một dần, như rượu nhụy sen Thụy Chương, hay văn hóa uống rượu của người Thăng Long xưa là một ví dụ. Chúng ta hoài niệm quá khứ nhưng cũng không cổ hủ giữ lấy cái không còn phù hợp. Mỗi thời thế mỗi khác, con người buộc phải thay đổi để thích nghi.

Nhưng cũng không vì thế mà quên đi gốc gác, bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Như là rượu sâm panh, rượu wishky,…dù có thượng hạng hay quý giá đến đâu thì vẫn khó lòng thay thế được vị trí của rượu nhụy sen trong lòng những người đã từng được thưởng thức hương vị đặc biệt này.