Từ 01/7, nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến như thế nào?

Từ 1/7 dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc, sau khi thí điểm tại 5 địa phương về dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Từ 1/7, Văn phòng Chính phủ sẽ công bố dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), giới thiệu về các dịch vụ công và lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, 6 dịch vụ công chuẩn bị được tích hợp trên Cổng DVCQG bao gồm: Chứng thực bản sao từ bản chính; Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế; Cấp đổi giấy phép lái xe cấp độ 4; Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông (phạm vi toàn quốc); Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của thanh tra giao thông. Điểm chung của 6 dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG sắp tới chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử

Bên cạnh đó, sau khi thí điểm từ tháng 3/2020 tại 5 địa phương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận) về dịch vụ nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ 1/7, dịch vụ này chính thức được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến như thế nào?

Người dùng chọn chức năng [Thanh toán trực tuyến] trên giao diện Cổng Dịch vụ công quốc gia (địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/); sau đó chọn [Tra cứu/thanh toán vi phạm giao thông]. Gồm 2 hình thức tra cứu: [Tra cứu theo mã quyết định] [Tra cứu theo biên bản vi phạm].

Người dùng nhập các thông tin trên biên bản xử phạt, gồm các thông tin bắt buộc sau:

Số biên bản;

Họ tên người vi phạm;

Đơn vị lập biên bản xử phạt: Tỉnh/thành phố, đơn vị CSGT;

Ngày vi phạm;

Mã bảo mật.

Sau khi cập nhật các thông tin nêu trên, thực hiện [Tra cứu] quyết định xử phạt.

Khi người dùng đã tra cứu được quyết định xử phạt có thể thực hiện một trong hai cách sau: [Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt] hoặc [Thanh toán và nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích].

Một số trường hợp có thể xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Nếu cơ quan công an chưa ra quyết định xử phạt, hệ thống sẽ hiển thị thông báo: “Chưa có quyết định xử phạt”;

Trường hợp 2: Nếu quyết định xử phạt đã được thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông báo: “Quyết định xử phạt đã được thanh toán”;

Trường hợp 3: Nếu đã có quyết định xử phạt và chưa được thanh toán, hệ thống sẽ hiển thị thông tin chi tiết như hình trên gồm:

"Số quyết định; Ngày ra quyết định; Hành vi vi phạm; Số tiền phạt".

Nếu chọn [Thanh toán và nhận kết quả tại cơ quan xử phạt], hệ thống sẽ yêu cầu người dân nhập thông tin người nộp tiền.

Thông tin người nộp tiền gồm các thông tin bắt buộc như sau:

Họ tên người nộp tiền;

Chứng nh nhân dân hoặc căn cước công dân người nộp tiền;

Địa chỉ người nộp tiền gồm: Tỉnh/thành phố; Quận/huyện; Phường/xã; Số nhà/Đường/Xóm.

Sau khi nhập đầy đủ các thông tin, người dùng bấm chọn [Thanh toán], hệ thống chuyển sang giao diện của Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia (Payment Platform) để lựa chọn ngân hàng hoặc trung gian thanh toán.

Trường hợp người dân không có tài khoản các ngân hàng đã có kết nối như Vietcombamk, Vietinbank có thể lựa chọn thanh toán qua các Trung gian thanh toán như VNPTPay hoặc ví điện tử Momo. Sau đó bấm nút [Thanh toán].

Người dùng có thể tải biên lai về máy tính hoặc điện thoại để xuất trình khi nhận giấy tờ tạm giữ tại cơ quan xử phạt (nếu có yêu cầu).