Từ 01/01/2026 bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em, cần chuẩn bị gì?

Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô ở Việt Nam còn ở mức rất thấp. Việt Nam đã có quy định yêu cầu bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô từ đầu năm 2026 nhằm giảm tỷ lệ thương tích và tử vong trong các vụ tai nạn liên quan đến trẻ em.

Thời gian này, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất và người tiêu dùng cần phải chuẩn bị gì để quy định này có thể triển khai hiệu quả?

Chị Trang Anh, Hà Nội mua và sử dụng ghế an toàn trên ô tô cho con từ khi vài tháng tuổi. Hiện tại, khi bé 5 tuổi sắp phải đổi sang một chiếc ghế trên ô tô khác phù hợp với chiều cao, cân nặng, chị Trang Anh băn khoăn khi tìm mua một chiếc ghế mới khi trên thị trường có quá nhiều loại ghế an toàn mà Việt Nam chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể về ghế an toàn:

"Việt Nam cần phải có những quy định về chất lượng an toàn của các loại ghế và độ tuổi sử dụng vì nếu như không đảm bảo về chất lượng, rất dễ gây nguy hiểm cho các con có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Vì các con còn rất nhỏ, hệ cơ xương khớp rất yếu".

Ảnh nh hoạ

Theo bà Hoàng Na Hương, Phó Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á, hiện nay cân nặng, chiều cao và độ tuổi của trẻ em Việt Nam tương đồng với tiêu chuẩn của trẻ em nhiều quốc gia trên thế giới. Quy định về độ tuổi và chiều cao của trẻ em bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô từ 1/1/2026 là phù hợp và tiệm cận với các quốc gia khác. Để triển khai quy định này hiệu quả, bà Hoàng Na Hương nhấn mạnh.

"Hiện nay toàn bộ thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là các thiết bị nhập khẩu. Chúng ta cần xây dựng một hệ thống  tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô để làm tiêu chí cho việc quản lý chất lượng cũng như hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Chúng ta cần xây dựng những chiến dịch về truyền thông nâng cao nhận thức, tuyên truyền cho mọi người về sự cần thiết phải trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô, dây đeo an toàn cho trẻ em trên 10 tuổi hoặc chiều cao trên 1,35m".

Ảnh nh họa

Chia sẻ tại hội thảo mới đây, một thành viên ban soạn thảo Quy chuẩn quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em cho biết, đơn vị đã xây dựng bản dự thảo quy chuẩn thiết bị an toàn lần 1 và Bộ Giao thông vận tải đã gửi đi xin ý kiến các cơ quan, đơn vị. Quy chuẩn này được xây dựng dựa trên 2 tiêu chuẩn chất lượng về thiết bị an toàn của châu Âu:

"Nội dung cụ thể của Quy chuẩn, chia làm 2 phần, một phần quy định cho thiết bị an toàn và một phần quy định liên quan đến kỹ thuật lắp đặt thiết bị này lên xe. Hai quy định kỹ thuật này được xây dựng thành 2 bộ Quy chuẩn kỹ thuật riêng. Một Quy chuẩn xây dựng riêng cho các tiêu chí an toàn cho ghế ngồi riêng của trẻ em, tiêu chí về khóa, dây đai, nhãn mác…Một quy chuẩn liên quan đến kỹ thuật lắp đặt các ghế lên xe".

Ông Đào Việt Hùng, Giám đốc bán hàng công ty SNB, chuyên phân phối các sản phẩm thiết bị an toàn cho trẻ em cho biết, hiện nay các ghế ô tô dành cho trẻ em trên thị trường hầu hết theo tiêu chuẩn ECE R44 và ECR 129 phân theo chiều cao hoặc cân nặng. Để có thể sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô có thể sử dụng thiết bị  ISOFIX hoặc dây đai an toàn:

"ISOFIX là một hệ thống tăng cường để gắn ghế ngồi ô tô vào ghế xe hơi, đối với những xe không có ISOFIX có thể dùng dây đai an toàn của xe hơi để chằng ghế ngồi vào xe hơi sau đó dùng hệ thống đai an toàn của ghế để giữ an toàn cho bé vào ghế trẻ em. Hệ thống ISOFIX không phải là bắt buộc, nếu không có có thể sử dụng hệ thống dây an toàn của xe hơi".

Ảnh: Báo Hà Giang

Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cũng cần xem xét đến việc bổ sung quy định bắt buộc lắp đầy đủ các thiết bị hỗ trợ cài đặt, lắp ráp thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô, và huy động sự tham gia, đồng hành của các nhà sản xuất xe ô tô.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội an toàn giao thông Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng thiết bị an toàn chi tiết, đầy đủ cũng như có những giải pháp để quản lý thị trường kinh doanh thiết bị an toàn cho trẻ em:

"Hiện nay Cục đăng kiểm Việt Nam đang xây dựng tiêu chuẩn cho thiết bị này, chúng ta phải đưa ra các tiêu chuẩn về kỹ thuật, tuyên truyền để người sử dụng biết, sử dụng sản phẩm phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Thứ hai là các cơ quan quản lý thị trường cũng phải kiểm soát, thiết bị nào đạt tiêu chuẩn an toàn mới cho lưu hành, chứ không như tình trạng mũ bảo hiểm hiện nay rất lộn xộn".

Ảnh nh họa

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Đại học Y tế Công cộng, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em như Mỹ áp dụng từ những năm 1980, Canada từ năm 1976. Nhờ áp dụng quy định này vào năm 1971, tỷ lệ tử vong trẻ em của Úc đã giảm tới 80% từ 1970 đến 2020. Còn tại Thụy Điển, Luật bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn từ năm 1975, cũng giúp giảm tỷ lệ trẻ em tử vong tới 90%.

Còn tại một số quốc gia trong khu vực, Malaysia năm 2020 thực hiện quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ dưới 6 tuổi hoặc cao dưới 135cm, Phillipin từ năm 2019 áp dụng quy định trẻ dưới 12 tuổi và chiều cao dưới 145cm phải dùng thiết bị an toàn.

PGS.TS Phạm Việt Cường chia sẻ về hiệu quả của quy định tại các một số quốc gia trên thế giới: "Malaysia từ năm 2020, tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em tăng từ 34% lên 70% sau 1 năm quy định có hiệu lực, giảm 17% số ca tử vong của trẻ dưới 12 tuổi. Singapore áp dụng rất lâu và quy định xử phạt nếu không sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em. Luật về ghế an toàn cho trẻ em đã giúp giảm hơn 50% số trẻ em tử vong trong các vụ tai nạn xe hơi".

Sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô không chỉ giúp giảm nguy cơ chấn thương cho trẻ khi xảy ra va chạm mà còn giúp trẻ hình thành ý thức bảo vệ an toàn cho bản thân và chấp hành quy định pháp luật trong tương lai. Các Bộ, ngành cần đẩy nhanh xây dựng các văn bản hướng dẫn và các quy chuẩn để đảm bảo quá trình thực thi được thuận lợi, nh bạch.