Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Cảnh sát giao thông có nên được trao quyền truy đuổi lái xe không chấp hành hiệu lệnh giao thông hay không, luôn là một câu hỏi gây tranh cãi. Bởi đây là một quyết định không hề dễ dàng với chính những nhân viên công vụ đảm bảo an toàn giao thông trên đường bộ.

Việc người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh giao thông được định nghĩa là vi phạm hành chính, song hành vi cố tình không chấp hành hiệu lệnh của người thực thi công vụ đảm bảo an toàn giao thông lại tương đồng với khái niệm chống người thi hành công vụ, tức là có yếu tố hình sự.

Nên, câu chuyện này có sự giao thoa, chồng lấn nhất định giữa mức độ vi phạm hành chính và hình sự, đòi hỏi những biện pháp ngăn chặn, xử lý khác nhau.

Ảnh nh hoạ

Trong hệ thống quy định pháp luật hiện hành chưa có bất cứ quy định cụ thể nào về việc cảnh sát giao thông truy đuổi người vi phạm. Việc truy đuổi trên thực tế chỉ xuất hiện trong những tình huống người điều khiển phương tiện có dấu hiệu tội phạm, hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho người khác (dù điều này khá mơ hồ, phụ thuộc vào nhận định của nhân viên công vụ).

Vì thế, khoản 2 điều 72, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 cụ thể hóa quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý vi phạm cho lực lượng cảnh sát giao thông là một điểm hoàn toàn mới, rất cần cân nhắc.

Quy định mới này, ở khía cạnh tích cực, sẽ khiến lực lượng cảnh sát giao thông quyết đoán và tự tin hơn khi làm nhiệm vụ, và chắc chắn sẽ tăng hiệu quả thực thi pháp luật. Tuy nhiên, mặt tiêu cực là nó cũng thúc đẩy thói quen lạm dụng quyền lực khi thi hành công vụ, và khi mà việc truy đuổi người vi phạm hành chính diễn ra thường xuyên thì cũng làm cho trạng thái giao thông đường bộ gia tăng căng thẳng.

Rất khó để đánh giá một cách chính xác và thuyết phục giữa việc bỏ hay giữ quyền truy đuổi người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh trong luật. Nên, điều cần thiết khi bàn về vấn đề này là đánh giá lại về mục đích của việc truy đuổi.

Câu hỏi quan trọng ở đây là: Mục đích của việc truy đuổi người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành hiệu lệnh là gì?

Cá nhân tôi cho rằng mục đích chính của việc này là để đảm bảo xử lý trực tiếp hành vi vi phạm, qua đó khẳng định quyền lực hành pháp của người thực thi công vụ, và góp phần hình thành thói quen tôn trọng luật pháp của người điều khiển phương tiện giao thông.

Vậy thì có cách khác để đảm bảo các mục đích này hiệu quả hơn, mà không dẫn đến các yếu tố gây mất an toàn cho cả người vi phạm và lực lượng thi hành công vụ? Tôi cho là có.

Để đảm bảo tính răn đe, góp phần hình thành thói quen tôn trọng luật pháp thì thay bằng việc phải đuổi bắt trực tiếp, luật nên quy định chế tài mạnh hơn đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh, nâng mức phạt nguội cao hơn so với phạt trực tiếp, cụ thể hóa việc sử dụng bằng chứng dưới dạng hình ảnh để xử phạt.

Thậm chí có thể cân nhắc xử lý hình sự những hành vi cố tình không chấp hành hiệu lệnh, dẫn đến gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Khi mà công nghệ có khả năng hỗ trợ việc thực thi pháp luật tốt hơn, điều đó cũng đồng nghĩa có thể giảm bớt tính chất nguy hiểm của công việc thực thi pháp luật. Với khả năng công nghệ hiện nay, việc ghi nhận bằng chứng vi phạm ngày càng đơn giản, dễ dàng hơn, khả năng truy tìm xử phạt nguội cũng khả thi hơn, thì điều đó nên đồng nghĩa với việc giảm bớt những hành động gây nguy hiểm cho con người.

Vì thế, luật hóa quyền truy đuổi người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh là một việc không cần thiết, bởi điều đó ít nhiều cũng sẽ cản trở nhu cầu ứng dụng công nghệ vào quá trình đảm bảo an toàn giao thông./.