'Trượt gối dầm là sự cố hi hữu song gây hậu quả rất nghiêm trọng'

Là người đồng hành ngay từ khi dự án metro số 1 Bến Thành -Suối Tiên bắt đầu chuyển động, chuyên gia cầu đường cảng - kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường đã nói như vậy về sự cố trượt một số gối dầm thời gian qua.

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường - thành viên hội đồng kiểm tra giám sát độc lập tuyến metro số 1 Bến Thành Suối Tiên

PV: Cho đến thời điểm này sau quá trình rà soát tuyến metro số 1 Bến Thành- Suối Tiên thì đã phát hiện có đến 6 gối cao su bị hư hỏng và trượt khỏi vị trí ban đầu. Ông nhận định như thế nào về sự cố này?   

Kỹ sư Hà Ngọc Trường: Tôi tham gia vào hội đồng kiểm tra giám sát độc lập của các nhà khoa học từ tháng 2/2021, đến nay đã được 3 tháng. Tôi cho rằng cách làm của đơn vị thi công của nhà thầu Sutomo và Cienco 6 là không chuẩn.

Điều này gây ra nhiều thắc mắc trong dư luận. Tập đoàn Sutomo đã không có bộ phận tư vấn độc lập sang kịp thời khi xảy ra sự cố vào tháng 2, 3, 4 vừa qua.   

Ban đầu chỉ có 2 gối gặp sự cố tại P12 và P14, tiếp theo phát hiện thêm 4 vị trí nữa ở gối P8 và P9. Nếu trong quá trình kiểm tra sắp tới mà có khoảng 10 gối bị hỏng tại nhiều khu vực khác nhau thì có thể nhận định hư hỏng này mang tính hệ thống.

Nếu như thế thì phải sửa và thay thế toàn bộ các gối trên cao này. Tình huống này nếu xày ra sẽ rất gay go và phức tạp.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam (xin nhắc lại là ở Việt Nam) kể các các cầu, đường trên cao của đường bộ chưa có chỗ nào có hiện tượng hỏng gối và trượt. Đây là biểu hiện của chất lượng kém.

Tất nhiên trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất, thứ hai là nhà thầu và thứ ba thuộc về ban quản lý dự án. Khi khảo sát các gối cao su bị xẹp, chúng tôi thấy 1 đầu dày 17cm nhưng đầu còn lại chỉ còn 9cm thôi.

1 vị trí gối cao su bị lún và trượt khỏi vị trí ban đầu tại trụ P14-10 đoạn cầu cạn VD14   

PV: Với tình huống xấu nhất là chúng ta phải thay toàn bộ 1138 gối cao su trên toàn tuyến thì việc thay thế có phức tạp không, có mất nhiều thời gian không?   

Kỹ sư Hà Ngọc Trường: Việc thay thế, nếu có là rất phức tạp vì phải ngừng việc lắp đặt hệ thống điện phía trên. Bởi nếu lắp điện mà bên dưới bị sụt thì hệ thống dây bên dưới cũng sẽ bị đứt, thứ hai nữa là sẽ ảnh hưởng đến hệ thống dầm và thứ ba là liên quan đến hệ thống đường ray.

Vì vậy sẽ phải ngừng tất các kiến trúc bên trên từ dầm cầu đến đường ray lên tủ điện bên trên. Vì vậy thời gian để mà sửa chữa lại ít nhất phải từ 6 tháng đến 1 năm.   

Nếu phải thay toàn bộ 1138 cái gối cao su này sẽ tạo ra 3 điểm theo chúng tôi là rất xấu. Đầu tiên là vấn đề kiểm tra, nghiệm thu chất lượng các gối cao su đã làm không tốt. Thứ hai là chất lượng sản xuất. Thứ ba là giám sát thi công. Sự cố này là rất nguy hại cho các đơn vị sản xuất, thi công và quản lý giám sát công trình.   

Sự cố trượt gối dầm cao su là hi hữu song lại gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công tuyến metro số 1 Bến Thành Suối Tiên   

TP.HCM đã đặt quyết tâm đưa tuyến metro vận hành thử và thông tuyến vào cuối năm 2021, sau đó khai thác thương mại vào năm 2022, do đó từ nay đến cuối năm phải hoàn tất. Nếu sự cố hư hỏng này không được kiểm tra và khắc phục kịp thời thì sẽ là tín hiệu rất xấu.   

PV: Xin cám ơn ông!