Trường chuẩn nhưng mơ hồ về pháp luật và sự nhân văn?

Chất lượng giáo dục tại một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đang đặt ra nhiều dấu hỏi. Không chỉ dừng lại ở những vấn đề như chất lượng bữa ăn, học sinh bán vé số, giáo viên phát tờ rơi, mà còn sâu xa hơn ở chính môi trường giáo dục.

Liệu việc lấy học sinh làm trung tâm và sự nhân văn trong một môi trường giáo dục có thực sự được nhà trường chú trọng? 

Trường THCS Lương Định Của, TP.Thủ Đức (TP.HCM) với khuôn viên rộng lớn, thoáng đãng, vốn là nơi ươm mầm những ước mơ tuổi trẻ. Thế nhưng, đằng sau vẻ đẹp ấy, một hình ảnh trái ngược đến đau lòng. Sân trường - nơi lẽ ra tràn ngập tiếng cười, giờ đây lại trở thành nơi diễn ra những hình phạt đáng buồn. Khó có thể hình dung nỗi lòng của bất kỳ bậc phụ huỳnh nào khi chứng kiến cảnh tượng ấy.

Nhiều học sinh chỉ vi phạm những lỗi nhỏ như nói chuyện trong giờ chào cờ mà bị nhà trường phạt đứng giữa nắng, có học sinh phải đứng gần 1 tiếng đồng hồ. Có em còn bị đuổi ra khỏi lễ khai giảng vì sơ suất mặc nhầm đồng phục thể dục cho đến khi phụ huynh mang đồ đến thay cho con.

Hình ảnh học sinh bị phạt vào ngày 11/11/2024

Ở lứa tuổi cấp 2, nhiều tổn thương tâm lý đã xuất hiện:

"Nhưng mà con cũng nghĩ về một phần nữa là học sinh cũng có kiểu có suy nghĩ là đứng lên trước đám đông nó cũng hơi quê, con nghĩ là thầy cô nên lên lớp nói chuyện với bạn đó sau chứ không có nên kiểu bắt phạt tại chỗ."

"Chào cờ nói chuyện thì bị gọi trước giữa trường, con thấy giống như hạ nhục người khác, kiểu như làm cho người ta mắc cỡ."

"Bây giờ bắt học sinh đi đứng thẳng luôn, cái thứ nhất là dễ bị mỏi chân, thứ hai là dễ xỉu vì nắng."

"Có hỏi cái cảm giác bạn đó đứng đó không, bạn ấy bảo là kiểu giống như bị làm nhục!"

Nhìn những đứa trẻ đứng giữa sân trường, trước mọi ánh mắt đổ dồn mà bất lực, một số giáo viên chia sẻ vừa xót xa, vừa giận. Theo các giáo viên, đó là một hình phạt quá nặng nề với các em. Sự bao dung, yêu thương bị nhường chỗ cho sự vô cảm, lạnh lùng trong ngày khởi đầu tuần mới:

"Tôi cảm thấy hình phạt này thiếu nhân văn đối với các em, có những em đứng dưới nắng cả tiếng đồng hồ, áo ướt sũng mồ hôi, có lớp nắng chiếu thẳng mặt. Các bạn bị mệt rủ xuống, có hôm hiệu trưởng ngồi ở ngoài nắng cầm giấy quạt quạt cho mát. Cá nhân tôi là giáo viên trong trường, tôi cảm thấy rất tội lỗi với học sinh."

"Nói chung giống như hành một con người mà không có cảm xúc, coi như bình thường cứ bắt học sinh đứng hết giờ mới thôi. Ví dụ đánh trống vào tiết thì thôi chứ không có chuyện gọi là răn đe đứng xíu để các em nhớ và biết".

Hình ảnh học sinh bị phạt vào sáng ngày 25.11.2024

Thứ 2 ngày 25/11/2024, tại cuộc làm việc với bà Vũ Thị Minh Hiếu, hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của, phóng viên có chất vấn điều này nhưng bà phủ nhận. Trong khi đó, theo thông tin và hình ảnh mà phóng viên VOV Giao thông nhận được từ nhiều nguồn tin khác nhau, ngay trước cuộc gặp với phóng viên hai giờ đồng hồ, đã có ít nhất 3 học sinh bị phạt theo hình thức này:

“Buổi trưa bán trú thì thấy đấy học sinh trường đông, dĩ nhiên có học sinh ngoan và không ngoan. Khi các con không ngoan thầy cô sẽ nhắc nhở các con đứng ngoài hành lang, đến khi nào ngoan các cô sẽ cho vào phòng ngủ. Nếu không ngoan nữa thầy cô giám thị sẽ đưa lên phòng để nhắc nhở thêm. Còn giờ chào cờ, tôi sẽ hỏi lại thầy cô nào phạt và phạt với hình thức nào để nắm rõ lại. Chứ như sáng nay trước mặt tôi là không thấy học sinh nào bị phạt”.

Bức xúc trước hình ảnh học sinh bị phạt, Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát (TP.HCM) cho rằng, môi trường giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà phải là một môi trường nhân văn. Học sinh có thể sai nhưng giáo viên không thể áp dụng hình phạt xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh. Trong đó, hình phạt bêu tên trước buổi chào cờ là hành vi ngược đãi theo Quy định của Luật Trẻ em. Giáo viên là những người áp dụng hình phạt này phải nhận thức được điều đó.

“Đây là một hành động không nhân văn và đi ngược lại với tiêu chí của giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư về việc không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Tại sao nhà trường có thể áp dụng việc đó?

Ở lứa tuổi này, học sinh rất dễ bị tổn thương về tinh thần, dẫn đến có những suy nghĩ dại dột, để lại hậu quả mà không bao giờ chúng ta có thể sửa sai được. Trong một môi trường có hàng ngàn học sinh, mọi người có hiểu được cảm giác của những học sinh bị trừng phạt như vậy không? Với vai trò là người đứng đầu, rõ ràng nhận thức về luật pháp của vị hiệu trưởng ngôi trường này đang có vấn đề”, Luật sư Lê Trung Phát cho biết.

Clip Học sinh bị phạt đứng giữa nắng trong giờ chào cờ đầu tuần

Cũng trong cuộc làm việc với phóng viên VOV Giao thông, bà Vũ Thị Minh Hiếu khẳng định việc trường phát hành “Vé số yêu thương” là hoạt động “vô cùng nhân văn”. Hoạt động này đã có “truyền thống” 7 năm từ khi bà chưa có quyết định hiệu trưởng. Bà Hiếu xác nhận đây là hoạt động thường niên và được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Đức. Bà cũng phản bác ý kiến một số giáo viên, phụ huynh cho rằng việc để học sinh đi rao bán vé số không hợp lý trong môi trường giáo dục:

“Nếu mà nói không nhân văn là do giáo viên đó nghĩ không nhân văn. Chính các con cũng mời tôi và tôi cũng vui vẻ, tôi thấy đó là hình ảnh yêu thương lẫn nhau. Trong một môi trường yêu thương lẫn nhau thì không thể nào xấu và đây là hoạt động rất nhiều năm của nhà trường rồi”.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Thủ Đức cũng cho biết đây là kế hoạch của Liên đội đưa ra, được Ban Giám hiệu nhà trường duyệt nhằm phục vụ cho các em vui xuân, trong đó có các giải thưởng được trao. Bởi vậy, thông tin bà Hiếu chia sẻ với VOV Giao thông khẳng định Phòng Giáo dục và Đào tạo ký phê duyệt kế hoạch này là không chính xác.

Các em học sinh chia nhau đi bán “Vé số yêu thương”

Phòng Giáo dục đã nhận được đơn thư phản ánh và xác nh sự việc bằng cách lấy ý kiến khảo sát giáo viên chủ nhiệm các lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh và các đại diện phụ huynh các lớp theo từng đợt và đều nhận được sự đồng thuận. Phòng Giáo dục cũng cho rằng, đây là hoạt động giáo dục tinh thần “lá lành đùm lá rách” cho các em.

“Về hoạt động bán vé số, nghe nói thấy nó hơi kỳ một chút cho nên có người phản ánh là vì đặt câu hỏi tại sao lại bán vé số, học sinh đi bán vé số làm gì? Thực chất bán vé số ở đây là hình thức để quyên góp, và tôi không bàn cãi kinh phí thu chi ở đây cụ thể thế nào. Nhưng nhà báo đề cập có nhân văn hay không thì thật rất khó trả lời. Nhân văn như thế nào là từ rất chung chung. Song, hoạt động này nhằm mục đích giúp đỡ ngoài chuyện vui xuân thì còn hỗ trợ các bạn mình từ từ kinh phí hỗ trợ mua vé số thì tôi nghĩ cũng bình thường”.

“Nhân văn” đúng là một từ cần phải bàn sâu ở ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. Nhưng trước khi bàn đến câu chuyện này, nhà trường cần phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ chính của trường học là giáo dục, đào tạo học sinh, sinh viên; mặc dù có thể việc phát hành vé số nội bộ với mục đích cao đẹp là gây quỹ từ thiện. Luật sư Lê Hữu Nghĩa, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, các hoạt động gây quỹ từ thiện phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

“Việc Trường học tổ chức hoạt động phát hành vé số nội bộ là hành vi không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Bởi lẽ, theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 30/2007/NĐ-CP ngày 01/3/2007 (sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 78/2012/NĐ-CP): “Kinh doanh xổ số là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận người dân có thu nhập chính đáng và đảm bảo an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Chỉ có doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số”.

Vé số không bán hết phải đi năn nỉ các bạn học sinh, giáo viên, nhân viên và phụ huynh để mua hộ.

Đồng thời, theo quy định thì đối tượng tham gia dự thưởng xổ số phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Do đó, đa phần các học sinh đều không đủ điều kiện để tham gia dự thưởng xổ số. Vì những lẽ trên, hoạt động “Vé số yêu thuơng” có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kể cả có sự đồng thuận từ phía giáo viên, phụ huynh.

Nhìn nhận dưới góc độ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, luật sư Lê Trung Phát nhấn mạnh, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm chung cho tất cả các hoạt động đang diễn ra tại nhà trường. Nếu vô ý để xảy ra sai sót thì phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, còn nếu như cố ý thì xem xét ở mức độ nặng hơn trong việc đánh giá năng lực cũng như khả năng hoàn thành trách nhiệm đã được giao phó.

Khi có vấn đề sai sót xảy ra, hiệu trưởng ở cương vị viên chức nhà nước sẽ chịu các hình thức chế tài theo luật Viên chức và các quy định liên quan. Còn về mặt Đảng, hiệu trưởng cũng sẽ bị đánh giá, kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Luật sư Lê Hữu Nghĩa cho biết, theo quy định thì đối tượng tham gia dự thưởng xổ số phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

VOV Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới các bạn về động thái của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết những vấn dề bất cập tại trường THCS Lương Định Của.

Chúng tôi - những phóng viên thực hiện loạt bài này mong muốn rằng, sau những bức xúc dồn nén của một số giáo viên, phụ huynh và phản hồi của học sinh, người đứng đầu nhà trường sẽ lắng nghe và có những thay đổi tích cực vì thế hệ tương lai, và vì một môi trường giáo dục lành mạnh, tử tế, nhân văn.