Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM lên tiếng về việc thay đổi thiết kế tường vây

VOVGT - Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Quản lý đường sắt TPHCM trao đổi với báo đài về vấn đề thay đổi thiết kế mà chưa thông qua cơ quan có thẩm quyền.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

 

Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM

Chiều 26/12, ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng ban Quản lý đường sắt TPHCM đã trao đổi với một số báo đài về vấn đề thay đổi về thiết kế mà chưa thông qua cơ quan có thẩm quyền.          

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, trước khi về công tác tại Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR), Công ty Bachy Soletanche - nơi ông làm Tổng Giám đốc đã được chọn để thi công tường vây hầm đào hở bên dưới đường Lê Lợi (thuộc gói thầu CP1a).

Trong thời gian này, qua nghiên cứu hồ sơ thiết kế tường vây của đoạn đường Lê Lợi, ông Quang nhận thấy có những bất hợp lý. Theo ông Quang, tường vây của toàn bộ tuyến Metro số 1 có bề dày là 1,5 m, ngay cả tại khu vực gần Nhà hát thành phố, khách sạn Rex và sát với các tòa nhà thương mại xung quanh. Thế nhưng tại gói thầu CP1a có một đoạn 170m từ đường Pasteur đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tường vây lại được thiết kế dày 2m. Ông Quang cho biết khi đó đã chủ động xin gặp lãnh đạo TP để nói về vấn đề này để tránh lãng phí.

 Khi về làm trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị, ông Lê Nguyễn Minh Quang đã yêu cầu nhà tư vấn Nhật Bản Nippon Koei tính toán lại và sau 4 tháng đã đề xuất lại tường vây dày 1,5 m như tường vây của toàn bộ tuyến Metro.

Một đoạn tường vây đào hở trên đường Lê Lợi

Để đảm bảo hơn, Ban Quản lý đường sắt đô thị cũng đã đề nghị một công ty khác gồm các chuyên gia của Đại học Xây dựng thẩm tra thiết kế kỹ thuật việc điều chỉnh tường vây và được kết luận  là việc thay đổi tường vây đổi từ 2 m thành 1,5 m cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, kết quả thẩm tra độc lập về khả năng chịu lực, độ ổn định của tường vây và công trình lân cận sau khi điều chỉnh của Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải TEDI (thuộc Bộ Giao thông vận tải) cũng kết luận đảm bảo an toàn. Theo ông Quang kết quả tính toán độc lập của 3 Công ty tư vấn Nhật và Việt Nam đều cho kết quả ổn định và việc điều chỉnh này đã tiết kiệm khoảng 93 tỉ đồng (tức 4 triệu USD) và rút ngắn thời gian thi công được 5 tháng so với tường vây 2 mét.  

Theo ông Quang, từ ngày 8/12/2015, UBND TPHCM đã ủy quyền cho Ban chịu trách nhiệm chủ trì, tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật các hạng mục, sau khi hoàn thành báo cáo thẩm định sẽ trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, từ ngày 1/6/2017 nội dung ủy quyền của thành phố không còn phù hợp với Nghị định 42/2017 của Chính phủ, và việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình tuyến metro số 1 thuộc thẩm quyền Sở Giao thông vận tải TP. Trong thời gian được ủy quyền tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật đến nay, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM không trình UBND TP hoặc Sở Giao thông vận tải TP thẩm định là chưa đúng quy trình.

Ông Lê Nguyễn Minh Quang nói: "Làm thì làm đúng, có thẩm tra thẩm định chứ không phải làm sai. Thì bây giờ những hồ sơ nào đã thẩm định do Ban đường sắt làm mà chưa hiểu rõ thì trình lại cho Sở GTVT để tổng hợp trình lên UBND. Những cái nào về sau này chưa làm thì đưa cho Sở GTVT để Sở thẩm định".

Về tình hình nhân sự, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết đến nay có khoảng 50/220 cán bộ tại Ban Quản lý đường sắt đã nghỉ việc. Ngoài một số trường hợp về hưu, chuyển công tác... thì một nguyên nhân khiến nhiều cán bộ nghỉ việc là do tình hình vốn gặp khó khăn, thi công chậm trễ nên anh em mất nhiệt huyết. Ông Quang cũng cho biết thông tin ông bị đình chỉ công tác là không chính xác. Trước đó, ông đã 2 lần nộp đơn xin nghỉ việc vì lý do sức khỏe và gia đình nhưng vì chưa được xem xét nên ông vẫn đi làm bình thường./.