Trình Quốc hội giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng, dầu

Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng, dầu và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Ảnh nh họa

Chiều 20/10, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Chính phủ, báo cáo Quốc hội thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán 2023.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, trường hợp giá thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao, tác động đến lạm phát, kinh tế vĩ mô, đời sống của người dân, thì trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng (VAT) với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể.

Thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa phân tích, đánh giá tác động để Quốc hội xem xét việc giảm thuế.

Mặt khác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội việc giảm 2 loại thuế này như một trong những biện pháp điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Tức đây là biện pháp dự phòng trong trường hợp giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, diễn biến phức tạp.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, biện pháp dự phòng chưa thực sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp là ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Trường hợp cần biện pháp điều chỉnh với xăng dầu, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, vẫn có thể xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu theo Nghị quyết 18 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Sau đó mới tính tới việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng. Lúc đó, Chính phủ cần xây dựng hồ sơ trình đúng quy trình luật Ban hành văn bản pháp luật.

Trước đó, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng và tối đa 50% thuế giá trị gia tăng với xăng dầu để gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, một bước quan trọng trước khi trình Quốc hội xem xét.