Triển vọng tươi sáng của ngành lúa, gạo Việt Nam

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo; giữ vững an ninh lương thực; giữ vững thương hiệu gạo Việt là 03 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành lúa – gạo Việt Nam được Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo những tháng cuối năm 2023 vào sáng 04/8 tại TP Cần Thơ.

Bộ Công Thương yêu cầu dù đẩy mạnh xuất khẩu và giữ vững thương hiệu gaio Việt thì trọng tâm vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực nội địa

Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,58 tỷ USD (4 triệu tấn), tăng 30% so với cùng kỳ. Giá gạo bình quân 534 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường truyền thống lẫn thị trường mới đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, như: Indonesia (tăng 1.500%), Angola (tăng 600%), Trung Quốc (tăng 71%)…

Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường. Gạo trắng phẩm cấp cao chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn). Kế đến là gạo thơm chiếm 24,2% (khoảng 1 triệu tấn). Gạo nếp đứng thứ ba, chiếm khoảng 8,5% (khoảng 358,5 nghìn tấn). Gạo tấm chiếm 7,6% (khoảng 324,1 nghìn tấn).

Ngoài sản lượng phục vụ an ninh lương thực, chăn nuôi, sản xuất và làm giống… thì từ nay đến cuối năm, Việt Nam vẫn đảm bảo dành cho xuất khẩu hơn 2,6 triệu tấn gạo, thu về hơn 2 tỷ USD

Năm 2023, cả nước dự kiến gieo trồng được 7,1 triệu hecta lúa, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/haecta, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn.

Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì ngoài sản lượng phục vụ cung ứng an ninh lương thực nội địa, chăn nuôi, sản xuất và làm giống… thì Việt Nam vẫn đảm bảo dành cho xuất khẩu hơn 2,6 triệu tấn gạo, thu về hơn 2 tỷ USD. Như vậy, cả năm 2023, ngành lúa – gạo phấn đấu dành cho xuất khẩu 15 triệu tấn lúa (tương đương 7,5 triệu tấn gạo), thu về hơn 4 tỷ USD.

Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng mạnh, trước thông tin Ấn Độ, Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất vừa lần lượt đưa ra quyết định cấm xuất khẩu gạo tạm thời. Đây là “thời cơ” để Việt Nam nắm lấy cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu và giữ vững thương hiệu gạo Việt trên thế giới.

Cả năm 2023, ngành lúa – gạo phấn đấu dành cho xuất khẩu 15 triệu tấn lúa ( tương đương 7,5 triệu tấn gạo), thu về hơn 4 tỷ USD

Trong thời gian tới, ngành lúa - gạo phải thực hiện 03 nhiệm vụ trọng tâm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị:

“Mặc dù Bộ NN&PTNT cho biết diện tích trồng lúa đã tăng thêm 500 nghìn hecta so với năm trước nhưng đây cũng chỉ là dự báo và tiềm năng còn thời tiết ra sao thì ta vẫn chưa biết. Vậy thì chúng ta tận dụng thời cơ này để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng cũng giữ vững an ninh lương thực và vững thương hiệu gạo Việt.

Chúng ta vất vả lắm mới có được thương hiệu, nếu lúc này chúng ta thừa thế xông lên mà không có cách làm và không tuân thủ quy luật thị trường thì coi chừng chúng ta lại làm mất thương hiệu gạo Việt”.

Tại thị trường nội địa, giá lúa đã tăng khoảng từ 1.300 – gần 1.9000 đồng/kg. Giá gạo các loại tăng từ 2.400 – 3.400 đồng/kg

Tại thị trường nội địa, thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, so với cùng kỳ năm 2022, giá lúa đã tăng khoảng từ 1.300 – gần 1.9000 đồng/kg. Giá gạo các loại tăng từ 2.400 – 3.400 đồng/kg. Công tác điều hành đã góp phần tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá trong nước và thực hiện các cam kết quốc tế.

Để duy trì, Bộ Công thương yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo: Tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.